Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc. |
Kết quả này góp phần tạo động lực để toàn tỉnh quyết tâm tiếp tục tạo đột phá vươn lên, vững bước trên con đường phát triển, đưa Tây Ninh trở thành địa phương phát triển khá của vùng Đông Nam bộ.
Với sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo các cấp, các ngành trong tỉnh, cùng sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Tây Ninh trong 6 tháng đầu năm 2022 tiếp tục phục hồi rõ nét và đạt được kết quả quan trọng. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước thực hiện 26.219 tỷ đồng, tăng 5,2% so với cùng kỳ. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá - hiện đại hoá, giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu đều tăng so với cùng kỳ. Sản xuất nông nghiệp tương đối ổn định, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã có bước chuyển biến đáng kể, góp phần gia tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, đáp ứng yêu cầu thay đổi, đa dạng của thị trường, từng bước hình thành nền nông nghiệp xanh, sạch.
Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 8,3% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh tăng trưởng cao so với cùng kỳ, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 3,2 tỷ USD, đạt 59,5% so với kế hoạch, tăng 17,7% so với cùng kỳ. Hoạt động thương mại dịch vụ đã từng bước khôi phục, thị trường hàng hóa và đời sống của người dân dần ổn định. Đặc biệt, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Tây Ninh khởi sắc mạnh mẽ, tổng doanh thu du lịch trong 6 tháng đầu năm là 880 tỷ đồng, đạt 67,7% so với kế hoạch, tăng 54,2% so cùng kỳ, với hơn 3,3 triệu lượt khách tham quan tại các khu, điểm du lịch. Tổng thu ngân sách trên địa bàn 6 tháng ước đạt 5.733 tỷ đồng, bằng 57,22% dự toán năm, trong đó có nhiều địa phương thu ngân sách đạt trên 80%.
Hoạt động văn hoá, xã hội có nhiều chuyển biến, duy trì hoạt động thích ứng với tình hình dịch bệnh và đạt kết quả tích cực, bảo đảm an sinh xã hội. Quốc phòng - an ninh được bảo đảm, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định. Cải cách hành chính tiếp tục được quan tâm, môi trường đầu tư cải thiện theo hướng công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, có tính cạnh tranh cao, chỉ số PAPI có tiến bộ, tăng 20 bậc (từ xếp 51/63 tỉnh, thành phố năm 2020 lên 31/61 tỉnh, thành phố năm 2021). Ngoài ra, năm 2022 là năm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở mọi ngành, mọi lĩnh vực trên phạm vi toàn quốc, toàn dân và toàn diện. Vì vậy, Tây Ninh đã tập trung thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện cải cách hành chính, xây dựng Chính quyền điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho người dân và doanh nghiệp.
Một góc Tây Ninh. |
Phát huy kết quả đạt được, tiến tới hoàn thành tốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, thời gian tới, tỉnh Tây Ninh tiếp tục nỗ lực phấn đấu hoàn thành đạt và vượt các mục tiêu kế hoạch đề ra. Tiếp tục thực hiện tốt, hiệu quả công tác phòng, chống dịch, nhất là tăng cường chỉ đạo tiêm mũi tăng cường cho các đối tượng có nguy cơ cao để kiềm chế, đẩy lùi đại dịch, tạo điều kiện khôi phục và phát triển kinh tế.
Rà soát, tháo gỡ các rào cản, vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan xử lý kịp thời các vướng mắc, khó khăn của các chủ đầu tư liên quan đến quy trình thẩm định giá đất, phương án bồi thường... Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đối với từng dự án, đảm bảo hoàn thành mục tiêu đến cuối năm 2022 đạt 100% kế hoạch vốn đầu tư công được giao. Đẩy mạnh thu ngân sách, phấn đấu thu đạt và vượt dự toán, để có thêm nguồn thu cho đầu tư phát triển.
Tây Ninh xác định mục tiêu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế và thu nhập bình quân đầu người cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Tới năm 2030 đưa Tây Ninh trở thành địa phương phát triển khá của vùng Đông Nam bộ. Để hiện thực hoá mục tiêu này, cũng như tạo bước đột phá trong thời gian tới, tỉnh Tây Ninh tiếp tục tập trung huy động các nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế, xác định các đột phá chiến lược thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh, toàn diện, vững chắc. Toàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, chú trọng phát triển công nghiệp theo chiều sâu, chú trọng phát triển các ngành, lĩnh vực có hàm lượng khoa học – công nghệ, giá trị gia tăng cao, có khả năng tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; ưu tiên phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp. Tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; tiếp tục đầu tư hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; gắn phát triển nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới.
Trong lĩnh vực du lịch, Tây Ninh sẽ tăng cường xúc tiến, quảng bá, kêu gọi đầu tư, kết nối các điểm, tuyến du lịch; tập trung thu hút đầu tư các dự án lớn, trong đó khu du lịch quốc gia núi Bà Ðen sẽ được đầu tư trở thành khu du lịch đẳng cấp của khu vực và cả nước. Lấy khu vực núi Bà Đen làm trung tâm, tiếp tục phát huy thế mạnh về du lịch của tỉnh. Tây Ninh sẽ chú trọng vừa phát triển cảnh quan du lịch nhưng hạn chế thấp nhất ảnh hưởng tới môi trường. Quy hoạch du lịch và các lĩnh vực khác của Tây Ninh cũng sẽ được chú trọng, để đồng bộ với quy hoạch của cả vùng và kết nối với quốc tế.
Mặt khác, Tây Ninh xác định những năm sắp tới cần phải có những đột phá về hạ tầng, trong đó hạ tầng giao thông phải "đi trước". Do đó, toàn tỉnh tập trung huy động nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án giao thông trọng điểm kết nối vùng, các dự án có tính lan toả, dẫn dắt phát triển kinh tế - xã hội. Hiện trên địa bàn tỉnh đang được Bộ GTVT quy hoạch 2 tuyến cao tốc: TP.HCM - Mộc Bài có chiều dài toàn tuyến khoảng 50km (đoạn qua địa phận Tây Ninh dài 26,3km) và tuyến cao tốc Gò Dầu – Xa Mát với chiều dài khoảng 65km. Trong đó, tỉnh Tây Ninh đang tích cực phối hợp với TP.HCM và các cơ quan trung ương để chuẩn bị, sớm khởi công và đưa vào hoạt động tuyến đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Đồng thời, để phát huy hiệu quả các tuyến đường này, địa phương chú trọng phát triển trục hành lang đô thị, công nghiệp dọc các tuyến cao tốc, qua đó tạo thành hành lang kinh tế bên cạnh hành lang giao thông mới hình thành.
Tỉnh Tây Ninh cũng sẽ tiếp tục cải cách hành chính toàn diện, đồng bộ gắn với cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư. Triển khai xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến 2030, cũng như thúc đẩy chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; triển khai có hiệu quả hệ thống “Giám sát quy trình tiếp nhận và xử lý yêu cầu, TTHC cho các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh”; quyết tâm hoàn thiện việc nâng cấp, chuẩn hoá hệ thống một cửa điện tử, dịch vụ công của tỉnh; rà soát, công bố lại 100% TTHC đủ điều kiện mức độ 4 lên Cổng dịch vụ công quốc gia; tăng tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến trên 30%; cải thiện mạnh mẽ các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI, ICT…
Quê nhà Tây Ninh chào đón Hoa hậu Ngọc Châu Ngày 12/7, Hoa hậu Ngọc Châu được đồng hương tại Tây Ninh thể hiện sự hâm mộ cuồng nhiệt khi về thăm quê sau đăng ... |
Đại sứ Phan Chí Thành thăm, làm việc tại tỉnh Saraburi, Thái Lan Đại sứ Phan Chí Thành đã tham dự cắt băng khánh thành Nghĩa trang người Thái gốc Việt tại tỉnh Saraburi, Thái Lan. |