Du khách thăm quan Núi Bà Đen, Tây Ninh. |
Tập trung tháo gỡ khó khăn
Theo Sở KH&ĐT tỉnh Tây Ninh, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của tỉnh từ năm 2016 đến năm 2019 đã tăng lên 05 hạng (từ vị trí 20 lên vị trí 15), được xếp vào nhóm điều hành tốt. Tuy nhiên, trong năm 2020 - 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thực hiện các biện pháp phòng chống đại dịch, xếp hạng và điểm số về chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh giảm (năm 2020: đứng vị trí thứ 24, thuộc nhóm khá; năm 2021: đứng vị trí thứ 37, thuộc nhóm trung bình của cả nước). Năm 2021, chỉ số PCI của tỉnh giảm từ nhóm khá xuống nhóm trung bình; trong đó: 09/10 chỉ số thành phần PCI năm 2021 giảm điểm so với năm 2020.
Đáng chú ý có 04/10 chỉ số thành phần giảm trên 01 điểm, gồm: gia nhập thị trường, chi phí thời gian, cạnh tranh bình đẳng, đào tạo lao động; chỉ số chi phí thời gian giảm nhiều nhất (1,63 điểm); 04/10 chỉ số thành phần PCI năm 2021 thấp hơn mức trung bình cả nước, gồm: chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, đào tạo lao động; 43% doanh nghiệp được hỏi cho rằng “Thời hạn giải quyết hồ sơ đất đai dài hơn so với thời hạn được niêm yết hoặc văn bản quy định”; 29% doanh nghiệp được hỏi cho rằng “Cán bộ nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục hành chính không hướng dẫn chi tiết, đầy đủ”; “Tỷ lệ doanh nghiệp có nhu cầu được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đai nhưng không có do thủ tục hành chính rườm rà hoặc lo ngại cán bộ nhũng nhiễu” của Tây Ninh cao hơn mức trung bình cả nước (Mức trung bình cả nước là 10%, Tây Ninh là 15%); thời gian giải quyết thủ tục hành chính, chi phí không chính thức, tính công bằng trong việc giải quyết thủ tục hành chính và tiếp cận đất đai, khai thác khoáng sản… đối với các doanh nghiệp, đặc quyền cho các doanh nghiệp lớn còn thấp hơn mức bình quân của cả nước.
Để vượt qua những khó khăn, thách thức, quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, trong năm 2022, tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục những bất cập của năm 2021 và tác động tiêu cực nhiều mặt của dịch bệnh, tạo môi trường kinh doanh, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, địa phương phấn đấu cải thiện, phục hồi môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh; trong đó vị trí xếp hạng PCI của tỉnh trong nhóm 20 địa phương tốt nhất cả nước, 10/10 chỉ số thành phần PCI của tỉnh đạt trên mức trung bình của cả nước. Tỉnh chỉ đạo các ngành thực thi đúng, đầy đủ những quy định về điều kiện kinh doanh đã được đơn giản hóa, không tự đặt thêm điều kiện kinh doanh dưới mọi hình thức, xử lý nghiêm những cán bộ, công chức không thực hiện đầy đủ, đúng các quy định mới về điều kiện kinh doanh.
Lễ thông xe Cầu Bến Ổi, Huyện Hoà Thành, Tây Ninh. |
Về cơ chế hỗ trợ, tỉnh thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch để thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển về số lượng, chất lượng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Triển khai có hiệu quả Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của tỉnh về cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025; Đề án “Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để cải thiện điểm số và nâng cao vị trí xếp hạng các chỉ số: PCI, PAPI, PAR INDEX, SIPAS và ICT INDEX của tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021 – 2025.
Nhằm đẩy mạnh kêu gọi thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương phối hợp, xây dựng nền tảng hạ tầng xã hội, hạ tầng kỷ thuật đồng bộ để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư khi đến với Tây Ninh thông qua việc giao Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050; xây dựng Đề án huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2025, Đề án phát triển KCN tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2050. Đồng thời, để củng cố công tác quản lý đầu tư đi vào nề nếp và ngày càng chặt chẽ nhưng phù hợp với quy định tại Luật Đầu tư 2020, tỉnh đang xem xét ban hành Quy trình đầu tư đối với dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, Danh mục dự án thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Ngoài ra, Tỉnh luôn kịp thời kiện toàn Tổ công tác hỗ trợ đầu tư các dự án trọng điểm.
Trước mắt, trong 09 tháng đầu năm 2022, tình hình thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đạt kết quả khá tích cực. Thu hút đầu tư trong nước đạt 15.175,5 tỷ đồng, tăng 53,9% so với cùng kỳ. Cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và chủ trương đầu tư mới 35 dự án với tổng vốn đăng ký 12.283,9 tỷ đồng. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 225,6 triệu USD, giảm 65,2% so với cùng kỳ. Cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới 07 dự án với vốn đăng ký 216,1 triệu USD.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư
Nhằm tạo môi trường thông thoáng, thân thiện và an tâm cho nhà đầu tư khi đến với Tây Ninh, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch cải cách hành chính giai đoạn 2021-2030. Từng bước cải thiện điểm số và nâng cao vị trí xếp hạng đối với các chỉ số: PCI, PAPI, PAR INDEX, SIPAS và ICT INDEX trên địa bàn tỉnh Tây Ninh trong những năm tiếp theo.
Hoàn thành và triển khai Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, đề án trọng điểm của tỉnh, nhất là các dự án thuộc Khu du lịch Núi Bà Đen; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực, tạo quỹ đất sạch, làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, đáp ứng tiến độ đầu tư của các dự án; tạo đột phá trong thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước thông qua dự án thu hút đầu tư công nghiệp, nông nghiệp và đô thị; xây dựng định hướng phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài trở thành Khu tích hợp công nghiệp - thương mại - dịch vụ. Khai thác lợi thế của vận tải đường thủy trên sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông. Đầu tư hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng cảng cạn ICD Mộc Bài; trung tâm Logistics và cảng tổng hợp Hưng Thuận. Xây dựng mô hình điểm về xây dựng đô thị thông minh tại Thành phố Tây Ninh.
Thực hiện thực chất, hiệu quả hơn cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực theo hướng bền vững. Huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội và ưu tiên bố trí vốn ngân sách nhà nước hợp lý cho các nhiệm vụ trọng tâm. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công trọng điểm giai đoạn 2021 – 2025, đặc biệt là các dự án mang tính kết nối vùng như cao tốc Hồ Chí Minh – Mộc Bài, Quốc lộ 14C, nâng cấp, mở rộng đường Đất Sét – Bến Củi, đường 782 – 784, dự án đường liên tuyến kết nối vùng N8 – 787B – 789. Khẩn trương rà soát, xử lý ngay các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công; giải ngân phải đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chống tiêu cực, lãng phí.
Trong định hướng thu hút đầu tư, tỉnh chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc, tập trung thu hút các dự án phù hợp với định hướng phát triển của cả nước và của tỉnh, đồng thời đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội trên các mặt (đóng góp ngân sách, hiệu quả sử dụng đất; các dự àn phải sử dụng công nghệ tiên tiến, ít tác động xấu đến môi trường; không sử dụng công nghệ thuộc danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao theo quy định pháp luật,…). Trong đó, những lĩnh vực tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư thời gian tới là công nghiệp; dịch vụ du lịch; nông nghiệp công nghệ cao; khai phá tiềm năng đô thị hóa và bất động sản ven sông; phát triển kinh tế biên mậu, hiện đại hóa hệ thống logistics, tạo điều kiện vận chuyển bảo quản hàng hóa, tăng giá trị thương mại dịch vụ, khai thác lợi thế địa lý để Tây Ninh trở thành nơi trung chuyển hàng hóa giữa Việt Nam và tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS), giữa Tây Ninh và các tỉnh Đông Nam Bộ; lĩnh vực giáo dục và đào tạo; và lĩnh vực y tế.
Tây Ninh quyết tâm tạo đột phá trên con đường phát triển Mặc dù còn đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, nhất là tình hình dịch bệnh COVID-19, nhờ thực hiện tốt các biện pháp ... |
Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế Chiều 8/11, tại Hà Nội, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền ... |