Ảnh vệ tinh địa điểm được cho là nơi mà Nga sẽ dùng để triển khai tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. (Nguồn: Reuters) |
Những ngày qua, sử dụng các hình ảnh vệ tinh chụp ngày 26/7 của Planet Labs, hai nhà nghiên cứu của Mỹ đã xác định được một dự án xây dựng tiếp giáp với cơ sở lưu trữ đầu đạn hạt nhân được biết đến với 2 tên gọi Vologda-20 và Chebsara.
Hai nhà nghiên cứu cho rằng, đây có thể là địa điểm mà Nga có thể dùng để triển khai tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân 9M370 Burevestnik.
Decker Eveleth, chuyên gia của tổ chức nghiên cứu và phân tích CNA, đã tìm thấy hình ảnh vệ tinh, xác định những gì ông đánh giá là 9 bệ phóng đang được xây dựng.
Ông cho biết, chúng được xếp thành 3 nhóm bên trong các tường bao để bảo vệ khỏi bị tấn công hoặc để ngăn chặn một vụ nổ vô tình ở một nhóm làm kích nổ tên lửa ở các nhóm khác.
Các tường bao được nối bằng hành lang đường bộ đến các tòa nhà bảo dưỡng tên lửa và linh kiện liên quan, cũng như đến khu phức hợp gồm 5 boongke lưu trữ đầu đạn hạt nhân.
Theo ông Eveleth, địa điểm này là "dành cho một hệ thống tên lửa lớn, cố định và là hệ thống tên lửa cố định, lớn duy nhất mà Nga đang phát triển - Skyfall (tên lửa Burevestnik theo cách gọi của NATO)".
Phía Nga cũng như các cơ quan của Mỹ gồm Bộ Ngoại giao, Cục Điều tra Liên bang (FBI), Cơ quan Tình báo quốc gia (CIA), Trung tâm Tình báo vũ trụ không quân Mỹ chưa đưa ra bình luận.
Tổng thống Nga Putin từng tuyên bố tên lửa Burevestnik có tầm bắn gần như không giới hạn và có thể né được hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Một báo cáo năm 2020 của Trung tâm Tình báo không gian thuộc Không quân Mỹ cho biết, nếu Nga đưa thành công Burevestnik vào sử dụng, điều này sẽ mang lại cho Moscow "vũ khí có khả năng tấn công liên lục địa".
Hiện chi tiết kỹ thuật của Burevestnik vẫn được giấu kín. Các chuyên gia cho rằng, đầu đạn sẽ được phóng bằng một tên lửa nhiên liệu rắn, đưa không khí vào động cơ có lò phản ứng hạt nhân thu nhỏ. Không khí siêu nóng và có thể chứa phóng xạ sẽ được thổi ra, tạo lực đẩy cho tên lửa.
Các chuyên gia nhận định, Burevestnik có thể có tầm bắn khoảng 23.000 km - so với 17.700 km của Sarmat, ICBM mới nhất của Nga - mặc dù tốc độ thấp hơn âm thanh sẽ khiến nó dễ bị phát hiện.
Việc triển khai Burevestnik không bị cấm bởi New START, hiệp định hạn chế triển khai vũ khí hạt nhân chiến lược gần nhất giữa Mỹ và Nga, sẽ hết hạn vào tháng 2/2026.
Ngày 1/9, TASS đưa tin Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết, Moscow sẽ thay đổi hướng dẫn sử dụng vũ khí hạt nhân của mình để đáp trả điều mà họ coi là sự leo thang của phương Tây trong cuộc xung đột ở Ukraine.