TIN LIÊN QUAN | |
Vui Tết Đinh Dậu tại Bảo tàng Dân tộc học | |
Cấp 18 ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn |
Cùng với đồng bào các dân tộc, người Thái Sơn La ăn Tết Nguyên đán cùng đồng bào cả nước. Tuy nhiên, tục đón năm mới của người Thái lại có nhiều điều thú vị, mang đậm bản sắc riêng.
Đồng bào Thái Sơn La chuẩn bị Tết khoảng nửa tháng trước Tết. Bà con cho rằng: Mọi công việc đều cố gắng làm cho xong trước Tết, nếu để qua năm sẽ là điều không tốt, có nợ hay vay mượn gì đều phải trả trước Tết, nếu không sẽ bị mang nợ cả năm.
Tái hiện Tết của người Thái tại Hà Nội. |
Từ 25/6 theo lịch Thái (tức ngày 25 tháng Chạp, âm lịch), bà con bắt đầu quét dọn đường làng ngõ và nhà cửa. Thường cả bản hay nhóm dân cư tổ chức các buổi lao động cộng đồng để dọn dẹp, sửa sang các đường, ngõ và công trình công cộng. Trong ngày 29 Tết, các mẹ, các chị người Thái quét dọn sạch sẽ trên sàn, dưới gầm sàn nhà chuẩn bị đón ông bà tổ tiên về ăn Tết.
Ông Cà Văn Hịch, ở bản Co Pục, xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La cho biết: “Đàn ông là người trụ cột trong gia đình mới được đến bàn thờ tổ tiên gọi là “nả hóng” để quét dọn sạch sẽ, thay bát hương, sắp xếp lại những thứ trên bàn thờ, để lên đó nải chuối, đĩa trầu cau, các loại hoa trái và bánh kẹo. Nhà nào, nhà nấy đều có hai cây mía buộc dựng đứng hai bên bàn thờ, để tượng trưng cho sự sinh sôi, sang năm mới làm ăn phát đạt”.
Tối 29, người Thái bắt đầu gói bánh chưng, và đó cũng là thứ bánh không thể thiếu trong mâm lễ cúng tổ tiên của người Thái. Sáng 30, các nhà luộc bánh chưng, chế biến thịt lợn và chuẩn bị các đồ vật để cúng lễ tổ tiên. Người Thái quan niệm, cỗ cúng Tết phải đầy đủ, nhiều thịt, nhiều cá... thì tổ tiên mới phù hộ cho làm nương được mùa, cái bụng mới no quanh năm.
Người Thái trước đây, vào đêm 30 kiêng đi đâu xa một mình, vì cho rằng đêm cuối năm (mự đắp pì, đắp bườn) là lúc ma thức dậy, đi đâu sẽ bị ma ám hại. Thường thì vào tối tất niên (29 hoặc 30), gia đình thịt hai con gà, một con để cúng tổ tiên, một con dùng để gọi hồn cho mọi người trong nhà.
Ông Cà Chung, người nghiên cứu về văn hoá Thái cho biết: “Để gọi hồn, thầy cúng lấy của mỗi người một chiếc áo, bó lại một đầu với nhau, vắt lên vai, tay thầy cầm bó đuốc hoặc một thanh củi đang cháy, rồi mang ra đầu bản gọi hồn ba lần, sau đó về chân cầu thang lại gọi một lần nữa. Xong việc, thầy cúng đích thân buộc một sợi chỉ đen vào tay mỗi thành viên gia đình để trừ tà, sợi chỉ đó phải để tự đứt, nếu dựt đứt thì chủ nhân dễ bị ốm”.
Đêm 30 Tết, đồng bào Thái thức trọn một đêm để đón Giao thừa, thường cả nhà không ai ngủ, đèn luôn sáng, hương nhang không được để tàn và chú ý nghe ngóng xem trong đêm ấy, con gì kêu trước để phán đoán vận hạn cho năm mới. Cũng trong đêm Giao thừa, lúc chuyển sang ngày mồng Một của năm mới, đồng bào dọn mâm đặt lên bàn thờ cúng cho ông bà ăn cơm trước bản, trước mường.
Khi cúng tổ tiên nhà mình xong, đồng bào dọn mâm khác để cúng các vị thần trong nhà mình như: Ông thần bếp, bà thần giữ cháu trong nhà và ông thần thổ dưới cầu thang… Sáng mùng Một, mọi người dậy sớm đi múc nước mới ở giếng hay ở mó đầu bản để lấy lộc năm mới. Người đi múc nước sẽ rửa mặt bằng nước năm mới tại suối hay mó rồi gánh nước về để cả nhà rửa mặt. Họ quan niệm rằng, nước là điều may mắn, đem lại sự sống, sự tốt tươi, sang năm mới thu hoạch nhiều cái mới. Ống nước cúng tổ tiên (bẳng nặm tông) cũng phải thay nước mới. Những ngày Tết, đồng bào Thái kiêng quét nhà, vì sang năm mới họ không cho bất kỳ một thứ gì trong nhà đi ra.
Ông Cà Chung cho biết thêm: “Trong những ngày đầu năm mới, mọi người đặc biệt quan tâm đến lời ăn tiếng nói, cách ứng xử với hàng xóm láng giềng, bạn bè và người thân trong gia đình. Ai cũng vui vẻ, hồ hởi, thân tình trong không khí ấm áp của mùa xuân, mọi người không chửi mắng nhau, không nói năng tục tằn thô lỗ, không đòi nợ nhau, không nói xấu nhau.... Ai cũng sợ to tiếng thì sẽ bị dông cả năm”.
Trong mấy ngày Tết, mỗi nhà sẽ tổ chức ăn Tết vào một ngày mời anh em họ hàng và hàng xóm thân thuộc. Trong bữa tiệc, người ta chúc tụng, cầu cho nhau sức khoẻ và may mắn trong cuộc sống. Các hoạt động văn hóa văn nghệ và các trò chơi dân gian ngày Tết bắt đầu diễn ra từ ngày mùng 1 Tết cho tới mùng 10. Sau đó, đồng bào bắt tay vào cồng việc đồng áng, cầu năm mới mưa thuận gió hoà, làm ăn thuận lợi.
Nghĩ về xu hướng du lịch nước ngoài trong dịp nghỉ Tết Trong những năm gần đây, nhiều người chọn cách thưởng thức kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán bằng cách xuất ngoại du lịch làm dấy ... |
Người Singapore đón Tết Nguyên đán Tết Nguyên đán là Tết cổ truyền của người Singapore nên người dân nơi đây rất coi trọng những ngày này. |
Tết Cộng đồng Việt ấm áp tại Tây Ban Nha Chiều ngày 22/1, tại thủ đô Madrid, Đại sứ quán Việt Nam tại Tây Ban Nha tưng bừng tổ chức đón Tết nguyên đán Đinh ... |