📞

Tết Thingyan không... té nước ở Myanmar

ROGER NGUYEN 15:20 | 08/02/2021
TGVN. Nếu như Việt Nam có Tết Nguyên đán thì Tết té nước (hay Tết Thingyan) là ngày lễ đặc biệt nhất đối với người Myanmar. Ðây cũng là kỳ nghỉ dài nhất trong năm. Tết thường bắt đầu vào ngày 13/4 dương lịch hàng năm và kết thúc khi bước sang năm mới vào ngày 17/4.
Với người Myanmar, mỗi khi hoa Padauk tỏa sắc vàng khắp nơi là một cái tết nữa lại về.

Người Myanmar quan niệm rằng cứ mỗi khi hoa Padauk nở - đúng sau trận mưa đầu tiên giữa tháng Tư - là một cái tết nữa lại về. Dưới ánh nắng tháng Tư chói chang, tất cả các cây hoa Padauk đua nhau khoe sắc vàng trên các tuyến phố, tạo thành khung cảnh rất đẹp và rất đặc trưng của đất nước chùa Vàng Myanmar.

Cái Tết đầu tiên

Tôi vẫn nhớ như in cái Tết té nước đầu tiên ở Myanmar năm 2012. Đó là lúc tôi hiểu tại sao lại gọi là Tết té nước khi nhìn thấy dọc các tuyến phố chính người ta dựng các đài té nước rất hoành tráng và quy mô, rất nhiều vòi nước đã được chuẩn bị sẵn để những người tham gia có thể té nước từ trên cao xuống người và xe cộ đi trên đường.

Trên đài té nước, xen giữa những lúc cao điểm phun, bắn, và té nước xối xả, vào những khung giờ đặc biệt, người ta tổ chức biểu diễn các điệu múa truyền thống của người Myanmar, trong đó ấn tượng nhất là điệu múa Thingyan, với sự tham gia của hàng chục, thậm chí có lúc lên đến hàng trăm thiếu nữ Myanmar trên nền nhạc các bài hát về Tết Thingyan.

Tết Thingyan ở Myanmar.

Tết té nước cũng là dịp để các nam thanh nữ tú có dịp gặp gỡ và làm quen với nhau. Những câu chuyện tình trong Tết té nước theo đó cũng đi vào thơ ca và các bài hát. Nhiều người nước ngoài khi đến với Myanmar dịp Tết té nước thường biết đến bài hát “Thingyan Moe” (Mưa Thingyan). Nhưng với tôi, bài hát rất ấn tượng là “Shar Pon Taw Min Thar Gyi” (Đi tìm nữ hoàng của lòng tôi).

Bài hát kể về một chàng trai gặp được một cô gái xinh đẹp trong tết té nước Thingyan. Đắm say sắc đẹp và điệu nhảy Yein aka (điệu nhảy tết Thingyan) của cô gái, chàng trai đã xin địa chỉ của cô gái và viết vào một mảnh giấy. Nhưng do bị té nước, tờ giấy bị ướt và dòng chữ nhòe đi. Tết té nước năm sau, chàng trai đi khắp các đài té nước để tìm cô gái nhưng không tìm thấy cô. Bài hát là nỗi lòng của chàng trai gửi tới cô gái và cũng là niềm mong mỏi chờ đợi đến ngày Tết té nước hàng năm được gặp lại người con gái ấy.

Tết té nước cũng là dịp để các nam thanh nữ tú có dịp gặp gỡ và làm quen với nhau.

Góc sôi động…

Trước khi đến Myanmar, tôi vẫn nghĩ rằng do theo đạo Phật, người dân nước này sống khá khép kín. Tuy nhiên, tôi đã thay đổi cách nghĩ sau khi trải qua Tết té nước ở đây. Khác với dân Việt Nam, dịp Tết, người Myanmar không tụ tập ở nhà. Đa số người dân đổ ra đường trên những chiếc xe tải nhỏ, mang theo những thùng phi nước đá lạnh, bật nhạc rất lớn và nhảy múa trên xe, hoặc trên những đài té nước. Tết té nước thường kéo ba ngày liên tục (13-16/4), là ba ngày cuồng nhiệt nhất.

Ngay tại nhà, người dân cũng chuẩn bị những đài té nước nhỏ, và không thiếu những chiếc thùng phi lớn, có khi cho cả đá lạnh vào, và dùng mọi phương tiện có thể, từ vòi phun, đến ca, cốc, chậu… và phun, té, đổ vào những người đi qua trước nhà. Người Myanmar tin rằng nước sẽ giúp gột rửa những sai lầm, điều xấu, bệnh tật xảy ra trong năm qua, và mang lại may mắn, sức khỏe, nguồn lực và khí thế tươi mới.

Tuy nhiên, không chỉ té nước, người Myanmar còn nồng nhiệt mời khách ăn những món truyền thống trong ngày lễ quan trọng này. Phổ biến nhất là món chè “Mote Lone Yay Paw” - món ăn nhẹ được nấu từ bột nếp, muối, đường thốt nốt và cơm dừa, tạo nên một hương vị rất Myanmar không lẫn vào đâu được.

Nếu đến Myanmar đúng dịp Tết Thingyan, du khách sẽ không thể cưỡng nổi mong muốn ngồi lên xe tải, trong tiếng nhạc sôi động, cùng nhảy múa, té nước, ăn chè với người dân và cùng đi vòng quanh thành phố.

Người Myanmar tin rằng nước sẽ giúp gột rửa những sai lầm, điều xấu, bệnh tật.

Góc yên tĩnh

Khác với sự ồn ào trên những khu phố, nhiều người Myanmar chọn thời điểm nghỉ lễ Thingyan để tham dự khoá tu mùa Hè. Những người theo đạo Phật Myanmar quan niệm ít nhất một lần trong đời họ sẽ tham dự khoá tu, thiền tại các thiền viện. Trước khi đến lễ hội té nước, những người dự định tham dự khoá tu thiền sẽ đăng ký với các thiền viện để tham dự khóa thiền vào dịp này. Khoá tu thường kéo dài từ năm đến bảy ngày. Trong những trường thiền, những người tham dự sẽ được các vị thiền sư của Myanmar hướng dẫn cách hành thiền đúng cách để xóa đi những căng thẳng, lo lắng trong công việc.

Bên cạnh đó, vào ngày đầu tiên của Năm mới (17/4), người dân Myanmar thường mặc trang phục truyền thống (Longyi) đến ngôi chùa lớn nhất tại khu vực mình sinh sống để cầu may. Tại Yangon, người dân thường đến ngôi chùa vàng nổi tiếng Shwe Dagon, biểu tượng cho giá trị văn hóa của Myanmar. Sau đó, người dân Myanmar thường đến thiền viện để cúng dường và sẽ được các vị sư cầu phúc và giảng những lời răn của đức Phật.

Tại gia đình, người Myanmar cho rằng ngày đầu Năm mới nên làm việc tốt, và việc phổ biến nhất mà giới trẻ hay làm là gội đầu hoặc cắt móng tay, móng chân cho người già, cha mẹ để tỏ lòng hiếu thảo.

Người Myanmar cho rằng ngày đầu Năm mới nên làm việc tốt.

Tết thời Covid-19

Tháng Tư năm 2020 là cái Tết Thingyan thứ tám tôi trải qua ở đất nước Myanmar và tôi có thêm một cái tết khó quên.

Năm nay, đa số người dân Myanmar đã ở trong nhà thay vì đổ ra đường. Những con phố ở Yangon thỉnh thoảng mới có một bóng xe ô tô, ngoài đường rất ít người đi bộ. Tháng Tư là lúc Myanmar vừa phát hiện những người nhiễm Covid-19 đầu tiên và Chính phủ nước này đã phải ban hành lệnh “Stay at Home” (Ở nhà) trong dịp Tết, cũng như hoãn tổ chức các sự kiện tụ tập đông người để tránh lây lan dịch bệnh. Những ngôi chùa, thiền viện, vốn tập trung đa số người dân trong dịp Tết Thingyan, cũng phải đóng cửa.

Đường phố vắng đài phun nước, không âm nhạc, không có bài hát Thingyan Moe và cả điệu múa Thingyan của các cô gái. Myanmar lặng lẽ trải qua Tết té nước trong niềm mong mỏi dịch bệnh sẽ qua mau. Và người dân Myanmar, cũng như tôi, cùng những người nước ngoài khác ở trên khắp đất nước Myanmar, đều ngậm ngùi nhớ về những mùa Tết té nước ồn ào, náo nhiệt, đầy hân hoan của những năm chưa có Covid-19.

Người Myanmar cho rằng, ngày đầu Năm mới nên làm việc tốt, và việc phổ biến nhất mà giới trẻ hay làm là gội đầu hoặc cắt móng tay, móng chân cho người già, cha mẹ để tỏ lòng hiếu thảo.