Tháng Sáu, bên cạnh cái nóng gay gắt của mùa Hạ là sự tăng nhiệt bởi các hội nghị thượng đỉnh, hội nghị quốc tế dồn dập. Một trong những chủ đề xuyên suốt, từ các Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7), Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đến Hội nghị An ninh quốc tế Moscow lần thứ 9… là các thách thức an ninh toàn cầu và ổn định chiến lược.
Thách thức an ninh toàn cầu và ổn định chiến lược chiếm sóng truyền thông quốc tế thời gian vừa qua. |
Mối quan tâm chung
An ninh thế giới đứng trước nhiều mối đe dọa. Từ nguy cơ chạy đua vũ trang quy mô lớn, phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt, vũ khí sinh học, tội phạm quốc tế, tội phạm trên không gian mạng, khủng bố đến biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19…
Sự phát triển các hệ thống vũ khí chiến lược mới có thể làm thay đổi cán cân quyền lực quân sự. Học thuyết quân sự, nhất là của các cường quốc, xác định các tình huống chiến tranh, kể cả sử dụng vũ khí hạt nhân. Đòn tiến công, đánh trả bằng vũ khí hạt nhân có thể đưa ra dựa trên những tin tức tình báo chưa được kiểm chứng đầy đủ, tính toán chiến lược sai lầm.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoygu bày tỏ lo ngại thế giới đang lao vào một cuộc đối đầu mới, nguy hiểm hơn nhiều thời Chiến tranh Lạnh. Mỹ và NATO tìm cách mở rộng liên minh, đối tác trên các địa bàn chiến lược nhằm vào Nga, Trung Quốc.
Trung Quốc, Nga liên thủ với nhau, liên kết với Iran, Belarus, hỗ trợ Venezuela, Myanmar…, những quốc gia bị Mỹ và phương Tây trừng phạt. Trong các liên minh, liên kết đó, các quốc gia bị đẩy vào tình trạng buộc phải chọn bên, dù muốn hay không.
Trật tự thế giới bị đe dọa bởi hệ thống pháp luật quốc tế “đứt gãy”, vai trò của các tổ chức quốc tế liên quan đến vấn đề an ninh thế giới, khu vực bị suy giảm và việc các cường quốc áp đặt luật chơi.
Các mối đe dọa, thách thức an ninh toàn cầu tác động đến sự ổn định chiến lược, môi trường hòa bình, ổn định của thế giới, khu vực. Vì thế, thách thức an ninh toàn cầu và ổn định chiến lược là nối quan tâm chung của toàn cầu, là chủ đề nổi bật trong các hội nghị cấp cao, chiếm sóng truyền thông quốc tế.
Lăng kính nhiều màu
Là mối quan tâm chung, nhưng nhận thức về thách thức an ninh toàn cầu và ổn định chiến lược có những điểm khác biệt, thậm chí là đối lập. Bên này quy cho bên kia là nguyên nhân dẫn đến mất ổn định chiến lược. Mỹ và phương Tây xác định Nga, Trung Quốc là thách thức, mối đe dọa an ninh, trật tự thế giới. Cái trật tự do Mỹ và phương Tây giữ vai trò lãnh đạo, chi phối, mang lại lợi ích cho họ.
Nhiều nước muốn duy trì một trật tự đa cực, cân bằng hơn, dựa trên luật pháp quốc tế, các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc. Trong hệ thống trật tự thế giới, Liên hợp quốc giữ vai trò trung tâm, các tổ chức quốc tế khác và tổ chức khu vực có vai trò quan trọng.
Tuyên bố chung Thượng đỉnh Nga-Mỹ tại Geneva ngày 16/6 về ổn định chiến lược khẳng định “tuân thủ nguyên tắc không thể có bên nào thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân và không bao giờ được khơi lên cuộc chiến tranh như vậy”.
Hai bên cam kết khởi động cuộc đối thoại toàn diện, cụ thể, tích cực về nội dung ổn định chiến lược “…chúng tôi cố gắng tạo lập cơ sở nền tảng cho kiểm soát vũ khí và các biện pháp giảm thiểu rủi ro trong tương lai”.
Qua các hội nghị, tuyên bố, nội hàm ổn định chiến lược ngày càng rõ hơn. Đó là, duy trì ổn định hệ thống các mối quan hệ quốc tế dựa trên nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, nhằm đối phó với các mối đe dọa, thách thức an ninh chung.
Xây dựng các mối quan hệ ổn định, có các cơ chế bảo đảm khả năng dự báo và giải quyết một cách hiệu quả mâu thuẫn, bất đồng nảy sinh, thông qua đối thoại, thỏa thuận, nhất là về kiểm soát vũ khí chiến lược.
Sự đối đầu Mỹ, Nga; chạy đua phát triển lực lượng vũ trang, vũ khí chiến lược, triển khai các hoạt động quân sự cùng với đồng minh, đối tác, trên các khu vực là nhân tố tác động lớn nhất đến ổn định chiến lược toàn cầu. Do đó, giảm nguy cơ đối đầu, xung đột, ngăn chặn không để quan hệ Mỹ, Nga xuống đáy là nội dung cốt lõi trong ổn định chiến lược toàn cầu.
Tại Hội nghị thượng đỉnh ngày 16/6 ở Geneva, Nga và Mỹ cam kết khởi động cuộc đối thoại toàn diện, cụ thể, tích cực về nội dung ổn định chiến lược. (Nguồn: Getty) |
Tìm khả thi trong bất khả thi
Tổng thống Joe Biden và người đồng cấp Putin chấp nhận gặp gỡ thượng đỉnh, ra Tuyên bố chung về ổn định chiến lược. Cấp làm việc của Nga và Mỹ tiếp tục triển khai chuẩn bị đối thoại chiến lược sau Hội nghị.
Moscow đề xuất sáng kiến nhằm giảm căng thẳng giữa Nga và NATO; đề xuất đối thoại giữa Nga và Liên minh châu Âu, được Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hưởng ứng.
Dù chưa có kết quả, chưa được sự đồng thuận, nhưng đó là những tín hiệu tốt, tia sáng cuối đường hầm. Các đối thủ hàng đầu còn gặp gỡ, đối thoại được, thì mọi chuyện tưởng như không thể vẫn có thể diễn ra.
Với tương quan giữa các thế lực và cục diện hiện nay, tìm kiếm ưu thế tuyệt đối là việc khó. Con đường khả dĩ nhất là đối thoại, đàm phán, hợp tác cùng có lợi. |
Thông điệp của Tổng thống Putin gửi Hội nghị An ninh quốc tế Moscow lần thứ 9 nhấn mạnh, để chống lại các mối đe toàn cầu, đòi hỏi sự thống nhất nỗ lực của tất cả các quốc gia.
Công việc tập thể này cần thực hiện trên cơ sở luật pháp quốc tế, mục tiêu và nguyên tắc Hiến chương Liên hợp quốc.
Các nỗ lực cân bằng an ninh cần tính đến tất cả các yếu tố ảnh hưởng đến ổn định chiến lược. Ý chí chính trị và sự sẵn sàng thỏa hiệp có thể mang lại kết quả tích cực.
Các bên cần minh bạch trong chiến lược, chính sách quốc phòng, an ninh, nhất là việc tham gia và tuân thủ đầy đủ các hiệp ước, thỏa thuận về kiểm soát vũ khí chiến lược, triển khai lực lượng, hoạt động quân sự trên các khu vực…
Với tương quan giữa các thế lực và cục diện hiện nay, tìm kiếm ưu thế tuyệt đối, nhất là trong cuộc chiến tranh hạt nhân là việc khó, nếu không muốn nói là không thể. Con đường khả dĩ nhất là đối thoại, đàm phán, hợp tác cùng có lợi.
Đối thoại chiến lược là bước mở đầu cần thiết, cách thức hiệu quả nhất trong bối cảnh phức tạp hiện nay. Các bên có thể lắng nghe quan điểm của nhau về những vấn đề khác biệt, về mối đe dọa, tạo cơ sở xây dựng lòng tin, cùng tìm kiếm lợi ích chung.
Thông qua đối thoại, đàm phán, các bên xây dựng các cơ chế kiểm soát rủi ro, bất đồng, kiểm soát vũ khí chiến lược... và trên cơ sở kết quả đối thoại, đàm phán, cùng phối hợp, hợp tác triển khai.
Khi các bên đối thoại, đàm phán, hợp tác, phối hợp với nhau, thì rủi ro có thể được quản lý, xung đột có cơ hội được kiểm soát, ổn định chiến lược có thể được duy trì.