Tổng thống Nga Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Brazil đầu năm 2019. (Nguồn: THX) |
Xích lại gần nhau
Tháng trước, Oriana Skylar Mastro, chuyên gia nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quốc tế Freeman Spogli tại Đại học Stanford (Mỹ), đã nhận định rằng hợp tác Nga-Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương sẽ đe dọa vai trò và tầm ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực lớn hơn nhiều so với từng quốc gia riêng rẽ.
Ông Mastro nhấn mạnh, hai cuộc tập trận hải quân gần đây được tổ chức giữa Nga và Trung Quốc – cuộc tập trận đầu tiên có sự tham gia của Nam Phi diễn ra hồi tháng 11/2019 ở ngoài khơi Cape Town và cuộc tập trận thứ hai là với Iran diễn ra một tháng sau đó ở Vịnh Oman - là bằng chứng cho thấy hai "gã khổng lồ" Á-Âu đang tăng cường trọng tâm vào khu vực Ấn Độ Dương.
Tin liên quan |
Nga tham dự G7: 'Phép thử' cho 'tình bạn' Nga-Trung Quốc |
Bên cạnh đó, tháng 11/2020, Nga đã thông qua dự thảo thỏa thuận thành lập một căn cứ hải quân ở Port Sudan, trên bờ Biển Đỏ của Sudan, cửa ngõ trực tiếp đi ra Ấn Độ Dương.
Hãng thông tấn Nga TASS đưa tin căn cứ này, ngoài tính chất phòng thủ và duy trì hòa bình ổn định trong khu vực, sẽ được sử dụng để sửa chữa tàu thuyền, cung cấp tiếp tế và làm nơi nghỉ ngơi cho lực lượng hải quân Nga.
Về phần Trung Quốc, nước này đã thành lập căn cứ hải quân đầu tiên ở nước ngoài tại Djibouti vào năm 2017, và hải quân nước này được cho là đã tăng cường hoạt động ở khu vực Ấn Độ Dương trong 3 thập kỷ qua.
Trong bài phân tích đăng trên tờ The Interpreter của Viện Lowy, chuyên gia Mastro cho rằng mặc dù đại dịch Covid-19 có lẽ đã làm giảm tốc độ can dự quân sự giữa Nga và Trung Quốc, song các cuộc tập trận trên đã báo hiệu mong muốn hợp tác của Moscow và Bắc Kinh trong khu vực.
“Quan trọng hơn, các cuộc tập trận đó cho thấy các cường quốc khu vực như Nam Phi và Iran, cũng như các quốc gia khác, hoan nghênh vai trò ngày càng tăng của Trung Quốc và Nga”, chuyên gia này nhấn mạnh:
Năm 2019, Vinay Kaura, Giáo sư về các vấn đề quốc tế và an ninh tại Trung tâm Nghiên cứu Hòa bình và Xung đột ở Ấn Độ, nói rằng phạm vi hợp tác chính trị và an ninh đang phát triển giữa Trung Quốc và Nga là một thách thức đối với Ấn Độ, trong bối cảnh “New Delhi và Bắc Kinh không có các mối quan hệ êm thấm”.
Còn trong một bài viết đăng trên Tạp chí Ấn Độ về các vấn đề châu Á, Giáo sư Kaura nhận định rằng Bắc Kinh đang tiến hành một chiến dịch tinh vi để mở rộng tầm ảnh hưởng của họ ở Nam Á và khu vực Ấn Độ Dương.
Trò chơi quyền lực của Nga
Một nhà phân tích đã chỉ ra việc Nga đề xuất xây dựng căn cứ trên Biển Đỏ ở Port Sudan là một bước ngoặt quan trọng trong sự hồi sinh của nước này với tư cách một cường quốc, như thời Liên Xô cũ khi Moscow sở hữu các căn cứ hải quân ở Nam Yemen, Somalia và Ethiopia, qua đó cho phép họ có vị trí và vai trò quan trọng ở Bán đảo Arab và vùng Sừng châu Phi.
Trong một bài bình luận đăng trên trang của Viện Royal United Services (Anh), Samuel Ramani – chuyên gia Quan hệ quốc tế tại Trường St Antony thuộc Đại học Oxford (Anh) - cho rằng với việc chỉ có một căn cứ hải quân lớn trong khu vực như hiện nay (ở Syria), căn cứ ở Biển Đỏ sẽ “giúp cho Moscow sớm được công nhận là lực lượng hải quân hùng mạnh và làm sống lại những ký ức lịch sử về vị thế siêu cường của Liên Xô”.
Dmitry Stefanovich, nhà nghiên cứu của Trung tâm An ninh Quốc tế tại Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, nhận định việc hải quân Nga muốn vươn ra toàn cầu, bao gồm cả Ấn Độ Dương, là điều hoàn toàn tự nhiên.
Ông nói thêm rằng các hành động của Mỹ chống lại Nga và Trung Quốc là nguyên do chính dẫn đến “mức độ hợp tác chưa từng có” giữa Moscow và Bắc Kinh.
Theo ông Stefanovich, tuy sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương ngày càng thách thức vai trò chiến lược của Ấn Độ trong khu vực, nhưng Nga lại đang cố tránh ngả về một bên nào.
“Nga vẫn là nhà cung cấp tất cả các loại công nghệ, trong đó gồm quân sự, đồng thời là trung gian hòa giải có thể giúp xoa dịu xung đột giữa Bắc Kinh và New Delhi”, ông Stefanovich cho hay.
Chuyên gia này cũng nói thêm rằng Nga và Trung Quốc sẽ tìm kiếm những cách thức mới để hợp tác hơn nữa ở Ấn Độ Dương.
Nga-Trung Quốc triển khai tập trận ở Ấn Độ Dương tháng 12/2019. (Nguồn: Reuters) |
Tượng trưng hay thực chất?
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tăng cường sự hiện diện ở Ấn Độ Dương bằng cách mở rộng quan hệ hàng hải với các nước như Sri Lanka và Maldives, đồng thời gia tăng hạm đội tàu ngầm và hàng không mẫu hạm.
Tuy nhiên, Zhiqun Zhu - Chủ nhiệm khoa Quan hệ quốc tế tại Đại học Bucknell ở Mỹ và cũng là chuyên gia về chính sách đối ngoại của Trung Quốc và các vấn đề Đông Á, người từng viết cuốn Một thập kỷ quan trọng: Chính sách đối ngoại của Trung Quốc 2008-2018 - cho rằng việc Trung Quốc hợp sức với Nga tiến hành các cuộc tập trận chung chủ yếu nhằm đáp trả các cuộc diễn tập thường xuyên và quyết đoán hơn của Washington ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời khẳng định hợp tác Nga-Trung “chỉ mang tính biểu tượng hơn là thực chất”.
Tháng 11 vừa qua, Mỹ cùng với Ấn Độ, Nhật Bản và Australia trong khuôn khổ liên minh Bộ Tứ mới được tái khởi động, đã tiến hành các cuộc tập trận hải quân chung ở Ấn Độ Dương. Đây không chỉ như các cuộc tập trận trên biển, trên không thông thường, mà còn có cả sự tham gia của tàu sân bay USS Nimitz.
Trong chương trình This Week in Asia, Zhiqun Zhu nói rằng Trung Quốc và Nga có thể là đối tác chính trị và ngoại giao, nhưng “khó mà trở thành đồng minh chiến lược”. Theo ông, Nga đã không ủng hộ một cách rõ ràng lập trường của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông và eo biển Đài Loan (Trung Quốc), đồng thời sẽ rất khó để trông đợi Moscow viện trợ cho Bắc Kinh nếu Trung Quốc tham gia vào một cuộc xung đột quân sự với Mỹ.
Ông nhấn mạnh: “Nhận thức được tầm ảnh hưởng toàn cầu và sức mạnh kinh tế hạn chế của mình, Nga cũng không bỏ tất cả trứng vào một giỏ. Các mối quan hệ quân sự nồng ấm của nước này với Ấn Độ rõ ràng không được Bắc Kinh hoan nghênh”, đồng thời đề cập việc Nga bán vũ khí cho Ấn Độ và mối quan hệ hợp tác quốc phòng lâu đời giữa hai nước.
Ông nói thêm rằng việc Nga bán các vũ khí chiến lược cho Ấn Độ vào thời điểm căng thẳng biên giới Ấn Độ-Trung Quốc leo thang đã đặc biệt gây thất vọng cho Bắc Kinh. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta không nên cường điệu sự gần gũi trong quan hệ Nga-Trung Quốc hiện nay”.
Vai trò chiến lược của Ấn Độ
Mặc dù Ấn Độ tỏ ra quan ngại về việc Nga và Trung Quốc ngày càng tăng cường lợi ích các cuộc tập trận ở Ấn Độ Dương, nhưng Giáo sư Swaran Singh - Giám đốc Trung tâm Chính trị Quốc tế, Tổ chức và Giải trừ Quân bị tại Đại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi – khẳng định rằng Ấn Độ đã chọn cách đáp trả bằng cách xích lại gần Mỹ và các đồng minh khác.
Theo “hành động cân bằng can dự với tất cả các nước lớn” này, ông Singh cho hay Ấn Độ tiếp tục can dự với Nga và Trung Quốc thông qua các nền tảng khu vực như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và khối BRICS (gồm 5 nền kinh tế mới nổi hàng đầu là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).
Và mặc dù vẫn thận trọng trước sự hiện diện ngày càng mở rộng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương, New Delhi “không thấy điều gì đáng lo ngại” trong các cuộc tập trận hải quân Nga-Trung Quốc với các quốc gia ven biển như Nam Phi và Iran, đặc biệt là với “lợi thế địa lý và hải quân hùng mạnh của Ấn Độ ”.
Cũng bày tỏ sự hoài nghi về mọi hình thức hợp tác an ninh Nga-Trung Quốc ở Ấn Độ Dương, ông Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại Rand Corporation cho rằng các cuộc tập trận hải quân giữa hai nước chủ yếu mang tính biểu tượng và đã ít nhiều thành công trong việc trao đổi về chiến thuật, kỹ thuật và thủ tục (TTP) hoặc nâng cao khả năng tương tác.
Theo ông Grossman, không giống như Trung Quốc, Nga đang thiếu nguồn lực để phục vụ “các vấn đề quan trọng hơn”.
| Lãnh đạo Nga-Trung Quốc bày tỏ tinh thần 'sẵn sàng hợp tác sâu rộng' TGVN. Ngày 28/12, Văn phòng báo chí của Điện Kremlin cho biết, trong cuộc điện đàm cùng ngày với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận ... |
| Hợp tác quân sự Nga-Trung Quốc: Đánh tiếng với Mỹ; không ảo tưởng sẽ bớt găng, tăng dịu TGVN. Một năm rưỡi sau cuộc tuần tra chung đầu tiên, Nga-Trung Quốc đã thực hiện tuần tra chung ở khu vực biển miền Tây ... |
| Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng đưa mối quan hệ với Nga lên một kỷ nguyên mới TGVN. Ngày 18/11, Ủy viên Quốc vụ, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định, Bắc Kinh sẵn sàng mở rộng ý nghĩa chiến lược ... |