Nguy cơ từ thừa cân, béo phì
Trong xã hội hiện đại, tình trạng thừa cân, béo phì ở người trưởng thành đang có xu hướng ngày càng phổ biến và trở thành một trong những thách thức lớn đối với chương trình chăm sóc sức khỏe ở mọi quốc gia. Đây trở thành yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh không lây nhiễm như các bệnh tim mạch (tăng huyết áp, đột quỵ, xơ vữa và tắc mạch vành, nhồi máu cơ tim), nguy cơ đái tháo đường dạng 2 và một số bệnh ung thư (như ung thư túi mật, ung thư vú, ung thư đại tràng, ung thư tiền liệt tuyến và ung thư thận)… Chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể) càng lớn, nguy cơ mắc bệnh và nguy cơ tử vong càng cao.
Ước tính năm 2014, toàn thế giới có khoảng 1,9 tỷ người trưởng thành bị thừa cân (tương đương với 39% dân số), trong đó có 600 triệu người bị béo phì. Như vậy số người thừa cân, béo phì hiện nay đã tăng gấp hơn hai lần so với năm 1980. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chi phí cho quản lý và điều trị thừa cân, béo phì có thể lên đến 2% - 7% tổng chi phí cho chăm sóc y tế của các nước phát triển.
Ở Việt Nam, tỷ lệ người trưởng thành bị thừa cân, béo phì chiếm khoảng 25% dân số. Dù chưa phải là nước có tỷ suất thừa cân và béo phì cao trên thế giới (tăng từ 5% lên 13% trong giai đoạn từ 1980-2013, trong khi con số này trên thế giới là từ 30% lên 37%), nhưng tốc độ gia tăng số lượng người béo phì nhanh chóng. Điều này dẫn đến các chi phí cho quản lý và điều trị thừa cân, béo phì chiếm tỷ lệ lớn trong chi phí cho chăm sóc y tế, trong đó bao gồm các chi phí trực tiếp, gián tiếp và chi phí cơ hội.
Phòng chống ra sao?
Theo GS. Christopher Murray, Giám đốc Viện Health Metrics and Evaluation (Mỹ), “béo phì gây ảnh hưởng đến tất cả mọi người dù ở bất cứ đâu, lứa tuổi nào, mức sống ra sao". Do đó, phòng chống thừa cân, béo phì là một trong những ưu tiên cấp bách hàng đầu của mỗi quốc gia, không chỉ với các nước phát triển mà còn đối với cả những nước đang phát triển như ở Việt Nam.
Nguyên nhân căn bản của tình trạng thừa cân, béo phì là do sự mất cân bằng giữa lượng calore đưa vào cơ thể và lượng calore được sử dụng. Các nhà dịch tễ học nhận định, xu hướng gia tăng tỷ lệ thừa cân, béo phì trong cộng đồng hiện nay chủ yếu là do gia tăng tiêu thụ các thực phẩm giàu năng lượng, có hàm lượng chất béo cao cùng thói quen ít hoạt động thể lực, lười vận động. Đây là hậu quả của các thay đổi về mặt kinh tế, xã hội và môi trường sống. Bên cạnh đó, vấn đề thiếu hụt các chính sách hỗ trợ kịp thời, đồng bộ trong lĩnh vực y tế, nông nghiệp, giao thông, quy hoạch đô thị, kinh doanh thực phẩm chế biến sẵn, giáo dục, quảng cáo, tiếp thị... cũng trở thành những nguyên nhân làm tăng tỷ lệ thừa cân, béo phì trong dân số. Ngoài ra, yếu tố gia đình như cùng thói quen, có gene béo phì di truyền... cũng khiến các thành viên trong gia đình có nguy cơ mắc bệnh này.
Theo WHO, có hai cách tiếp cận chính trong phòng chống thừa cân béo phì là phòng ngừa tăng cân và thúc đẩy giảm cân. Đối với mỗi cá nhân, để chủ động phòng thừa cân, béo phì thì cần duy trì cân nặng hợp lý; hạn chế ăn các loại chất béo, nhất là chất béo bão hòa; hạn chế ăn đường và muối; tăng cường ăn rau và trái cây. Đồng thời, người dân nên thường xuyên hoạt động thể lực, ít nhất 150 phút/tuần đối với người trưởng thành...
Theo WHO, thừa cân và béo phì là tình trạng tích lũy mỡ quá mức hoặc không bình thường tại một vùng cơ thể hay toàn thân đến mức ảnh hưởng tới sức khỏe. Theo đó, BMI được tính bằng cân nặng (kg) chia cho bình phương của chiều cao (mét) để đánh giá tình trạng dinh dưỡng của người trưởng thành. Theo khuyến nghị chung của WHO, một người trưởng thành khỏe mạnh, dinh dưỡng hợp lý, BMI của họ dao động trong giới hạn nhất định từ 18.5 – 24.9. Nếu BMI #25 thì được coi là thừa cân, BMI #30 thì là béo phì.
Minh Phương