📞

Thái Lan hướng tới nông nghiệp bền vững

08:00 | 03/03/2018
Chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu, ông Arthayudh Srisamoot, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Quốc tế (Bộ Ngoại giao Thái Lan) cho biết, Thái Lan xác định tiếp cận và thúc đẩy nông nghiệp tăng trưởng một cách toàn diện với sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ từ các Bộ, ban, ngành.

Một trong bốn ưu tiên được chủ nhà Việt Nam đề xuất trong Năm APEC 2017 là bảo đảm an ninh lương thực và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Ông nhận định như thế nào về ưu tiên này?

Tôi cho rằng việc Việt Nam đề xuất ưu tiên này vào chương trình nghị sự của Năm APEC 2017 là phù hợp và kịp thời. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương chịu tác động của thiên tai lớn nhất trong các khu vực trên thế giới. Tác động biến đổi khí hậu hiện nay diễn ra rất nhanh trên cả mức dự kiến, khiến vấn đề bảo đảm an ninh lương thực, thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu càng trở nên nóng bỏng.

Mô hình hợp tác xã do nông dân làm chủ và quản lý đã thực hiện ở Thái Lan trong 50 năm qua.

Phát triển bền vững, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp cũng là điều quan trọng và cần được các chính phủ quan tâm. Như bạn đã biết, phần lớn người dân châu Á sống ở vùng nông thôn, chủ yếu làm nông nghiệp, thu nhập bấp bênh. Vì vậy, muốn nền kinh tế phát triển cân bằng, chúng ta không nên chỉ chú trọng đến lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ mà cần phải chú ý nhiều hơn đến nông nghiệp.

Ngoài biến đổi khí hậu, đâu là thách thức lớn nhất đang cản trở tăng trưởng nông nghiệp bền vững ở châu Á và các nền kinh tế APEC?

Theo tôi, sự giới hạn của các nguồn tài nguyên thiên nhiên như đất, nước, năng lượng… hay những hạn chế về nhân lực, giá lao động tăng cao đang là lực cản đối với sự phát triển của nền nông nghiệp ở một số nền kinh tế APEC. Ngày càng ít người quan tâm đến việc đầu tư và làm việc trong lĩnh vực này.

APEC bao gồm các nền kinh tế có nền nông nghiệp phát triển và đang phát triển, là khu vực có điều kiện thuận lợi để hình thành chuỗi liên kết, chuỗi giá trị sản xuất vùng và khu vực. Tuy nhiên, sự khác biệt về trình độ sản xuất, nguồn lực, công nghệ và thị trường cũng đang tạo ra các rào cản đối với việc hình thành chuỗi liên kết sản xuất vùng.

Ruộng bậc thang ở Chiangmai, Thái Lan

Để thúc đẩy nông nghiệp tăng trưởng, Thái Lan đã đối phó với những thách thức này như thế nào?

Chúng tôi xác định tiếp cận và thúc đẩy nông nghiệp tăng trưởng toàn diện cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các ngành nông nghiệp cho đến lâm nghiệp, tài nguyên – môi trường… Cách tiếp cận này không chỉ áp dụng cho ngành nông nghiệp mà cho tất cả các ngành khác như công nghiệp hay dịch vụ. Chúng tôi cần sự hợp tác và phối hợp giữa các bên liên quan. 

Tại Thái Lan, chúng tôi đang cố gắng tạo ra nhiều đổi mới trong lĩnh vực nông nghiệp, chú trọng nhiều hơn đến vai trò của những người làm nông nghiệp, khuyến khích họ tiếp cận thị trường quốc tế thông qua việc sử dụng Internet để đẩy mạnh thương mại điện tử (e-commerce)...

Ngoài ra, chúng tôi cũng xây dựng mạng lưới các tổ chức, viện nghiên cứu, trường đại học, những người làm nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp… để trang bị thêm kiến thức, thông tin cho nông dân. Giống như Việt Nam, nông dân Thái Lan thường có học vấn tương đối thấp, ít có điều kiện tiếp cận thông tin, cập nhật các phương thức sản xuất, công nghệ mới. Thông qua mạng lưới liên kết này, người nông dân có thể bổ sung các phương thức canh tác, những tiêu chuẩn, quy định mới liên quan đến phát triển nông nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Việc tiếp cận nguồn vốn đầu tư trong nông nghiệp rất quan trọng. Các cơ quan xúc tiến đầu tư của Thái Lan thường có những hoạt động giúp đỡ nông dân tiếp cận nguồn tài trợ, đầu tư vào các sản phẩm, công nghệ nông nghiệp mới.

Có thể nói, công nghệ thông tin và kỹ thuật số đang đóng vai trò ngày càng quan trọng đối với ngành nông nghiệp, các địa phương và khu vực nông thôn, giúp người nông dân tiếp cận tốt hơn với thị trường quốc tế.

Tôi muốn chia sẻ một kinh nghiệm hay trong làm nông nghiệp của Thái Lan. Mô hình hợp tác xã do nông dân làm chủ và quản lý đã được chúng tôi thực hiện trong 50 năm qua. Với mô hình hợp tác xã, người nông dân cùng hợp tác để tiết kiệm chi phí như thuê chung máy kéo để sử dụng tại nhiều nông trại, thuê chung nhà kho để lưu trữ các nông sản…

Ngoài ra, việc tiếp cận nguồn vốn đầu tư trong nông nghiệp cũng rất quan trọng. Các cơ quan xúc tiến đầu tư của Thái Lan thường xuyên có những hoạt động giúp đỡ nông dân tiếp cận nguồn tài trợ nhằm đầu tư vào các sản phẩm, công nghệ nông nghiệp mới.

Ông đánh giá thế nào về chương trình nghị sự của APEC năm nay?

Chương trình nghị sự của Việt Nam rất toàn diện vì nó bao gồm nhiều vấn đề, từ thương mại, kinh tế, tài chính tới kết nối, thịnh vượng và phát triển của người dân trong khu vực.

Xin cảm ơn ông!

(thực hiện)