Nhỏ Bình thường Lớn

Thái Lan ‘quay cuồng’ trong ‘cơn bão’ phục hồi du lịch

Thái Lan hiện đã dỡ bỏ các hạn chế đi lại liên quan đến dại dịch Covid-19 nhằm thu hút khách du lịch, nhưng việc phục hồi du lịch xứ sở Chùa Vàng không phải là chặng đường bằng phẳng.
Thái Lan ‘quay cuồng’ trong ‘cơn bão’ phục hồi du lịch
Chặng đường phục hồi ngành du lịch của Thái Lan không hề dễ dàng. (Nguồn: PEXELS/JAVON SWABY)

Ngày 1/7, Thái Lan chính thức ban hành quy định mới, dỡ bỏ hầu như toàn bộ các hạn chế trong đại dịch với du khách nước ngoài, nhờ vậy đã giúp hồi sinh thương mại qua biên giới, với số người nước ngoài nhập cảnh qua các cửa khẩu đường bộ tăng mạnh trở lại, đạt mức cao nhất trong vòng hai năm qua.

Các nước có số công dân đến du lịch Thái Lan nhiều nhất là Ấn Độ, Singapore, Malaysia, Việt Nam và Mỹ. Các nước Malaysia, Lào, Campuchia, Việt Nam và Trung Quốc có số du khách nhập cảnh vào Thái Lan qua đường bộ nhiều nhất.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha bày tỏ lạc quan về triển vọng hồi phục của ngành du lịch của Xứ sở chùa Vàng sau khi nhận được thông tin dự báo Thái Lan có thể thu hút gần 10 triệu triệu lượt du khách quốc tế với doanh thu 1.270 tỷ Baht (tương đương 35,7 tỷ USD) trong năm 2022.

Mục tiêu là điểm đến cao cấp

Phát biểu nhân sự kiện quảng bá du lịch tại sân bay Suvarnabhumi (Bangkok), ngày 4/7, Phó Thủ tướng Thái Lan Anutin Charnvirakul cho rằng, các khách sạn, doanh nghiệp hay bệnh viên tư nhân của nước này nên hạn chế giảm giá sâu để thu hút khách du lịch. Thay vào đó, ông cho rằng, nên tập trung vào việc nâng cao giá trị của đất nước, để Thái Lan trở thành điểm du lịch cao cấp.

Trong sáu tháng đầu năm nay, Thái Lan đón khoảng 2 triệu du khách nước ngoài. Điều này cho thấy, ngành du lịch Thái Lan đang có dấu hiệu hồi sinh khá ổn định sau khoảng thời gian bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19.

Phó Thủ tướng Anutin Charnvirakul khẳng định: “Chúng ta không thể để du khách đến Thái Lan vì giá rẻ. Thay vào đó, họ nên nói ‘vì nơi đây rất phù hợp’. Đó chính là điểm mấu chốt giúp chúng ta nâng cao giá trị”.

Phó Thủ tướng Anutin Charnvirakul lấy ví dụ về cách kinh doanh của thương hiệu thời trang cao cấp nổi tiếng thế giới Louis Vuitton rằng: “Hãy giữ vững vị thế. Hãy bán sản phẩm cao cấp. Càng đắt, càng có nhiều khách hàng. Nếu không, Louis Vuitton sẽ không bán được bất kỳ sản phẩm nào”.

Thái Lan được biết đến là một địa điểm du lịch nổi tiếng châu Á. Trước đại dịch 2019, nước này đã đón khách du lịch đến tham quan với con số kỷ lục là gần 40 triệu du khách, thu về 1,91 nghìn tỷ Baht, tương đương 11% tổng sản phẩm quốc nội.

Năm 2020, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, lượng du khách đến nước này giảm còn 6,7 triệu người và thậm chí còn 428.000 người vào năm 2021, mặc dù giới chức xứ xở Chùa Vàng đã có những động thái điều chỉnh nới lỏng các yêu cầu kiểm dịch. Dự kiến, trong năm 2022, Thái Lan sẽ đón khoảng 10 triệu lượt khách quốc tế.

Đầu năm nay, Thái Lan đã khởi động chương trình cấp thị thực dài hạn cho người nước ngoài giàu có và các lao động có tay nghề cao, bám sát kế hoạch thu hút du khách chi tiêu cao, bất chấp những thiệt hại lớn về việc làm và kinh doanh trong lĩnh vực du lịch trong thời kỳ đại dịch.

Thái Lan ‘quay cuồng’ trong ‘cơn bão’ phục hồi du lịch
Thái Lan chính thức ban hành quy định mới, dỡ bỏ hầu như toàn bộ các hạn chế trong đại dịch với du khách nước ngoài. (Nguồn: Bangkokpost)

Kế hoạch định giá kép

Thời gian tới, khách quốc tế có thể sớm phải coi Thái Lan là một điểm đến đắt đỏ hơn, khi chính phủ nước này đang có kế hoạch nâng giá khách sạn lên như mức hai năm trước để hỗ trợ ngành du lịch Thái Lan phục hồi nhanh hơn.

Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan yêu cầu các chủ khách sạn thực hiện cơ cấu thuế quan kép. Theo đó, các khách sạn được yêu cầu ngừng áp dụng chương trình giảm giá đối với khách quốc tế, nhưng vẫn áp dụng với khách nội địa.

Phát ngôn viên của chính phủ, bà Traisuree Taisaranakul cho rằng: "Điều này nhằm duy trì các tiêu chuẩn của chúng tôi về giá cả và dịch vụ đối với khách du lịch nước ngoài. Việc du lịch đến Thái Lan với giá rẻ có thể ảnh hưởng đến nhận thức về thương hiệu du lịch của đất nước chúng tôi".

Bà cũng cho biết thêm, các chương trình giảm giá trong đại dịch Covid-19 vẫn sẽ được duy trì đối với khách nội địa nhằm duy trì đà phát triển du lịch trong nước. Các khách sạn tại các điểm đến “hot” của Thái Lan như Bangkok, Phuket, Krabi, Koh Samui sẽ tiếp tục chương trình giảm giá khủng để thu hút khách sau đại dịch khi tỷ lệ lấp đầy phòng lên khoảng 30%.

Tuy nhiên, với kế hoạch chính phủ đưa ra dường như khiến các chủ khách sạn tại Thái Lan lo ngại. Các chủ khách sạn cho rằng, động thái này là “không thực thế” và yêu cầu chính phủ cần có các chương trình khuyến mại hiệu quả giúp thúc đẩy tâm lý muốn đi du lịch của mỗi người.

Chủ tịch Hiệp hội khách sạn Thái Lan, bà Marisa Sukosol Nunbhakdi cho biết, ý tưởng về định giá kép là không thực tế khi giá phòng thay đổi linh hoạt dựa trên điều kiện thị trường. Khách sạn các hạng khác nhau sẽ phải sử dụng các chiến lược khác nhau để định giá, nếu nhu cầu tăng, thì giá phòng sẽ tự động tăng.

Bà Marisa nói thêm: “Các chủ khách sạn đều muốn cho thuê với mức giá cao hơn và hợp lý hơn nhằm đạt được lợi nhuận lớn hơn, nhưng điều đó không dễ để thực hiện khi tình trạng cạnh tranh ngày càng gay gắt và nhất là khi cung vượt quá cầu”.

Ngoài kế hoạch cho thị trường du lịch quốc tế, chính phủ Thái Lan có thể thực hiện các chiến dịch trong nước với các mức giá đặc biệt dành cho người dân nước này, nhằm thúc đẩy du lịch nội địa.

Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn phía Nam Thái Lan, ông Suksit Suvunditkul cho biết, thông thường các khách sạn sẽ chiết khấu cho người bản địa và để mức giá bình thường cho khách nước ngoài. Tuy nhiên, hiện nay các chủ khách sạn không thể tăng giá lên mức như 2 năm trước do nhu cầu hiện quá ít.

Ông cho biết, giá phòng hiện tại ở Phuket vẫn thấp hơn 30-40% so với giá năm 2019 và có thể sẽ không phục hồi hoàn toàn trong mùa cao điểm tới. Một nửa khách sạn trên đảo hiện vẫn đóng cửa, trong khi đó, lượng khách du lịch tăng trở lại chỉ bằng 30% so với trước đại dịch.

Thay vào đó, ông cho rằng, chính phủ vẫn nên thúc giục các nhà điều hành lữ hành tập trung vào thị trường nội địa. Kế hoạch trợ giá khách sạn “We Travel Together” vẫn nên tiếp tục cho đến hết năm nay để duy trì đà phát triển du lịch nội địa. Bởi nếu giá phòng tăng có thể thúc đẩy người dân địa phương đi du lịch nước ngoài.

Phản ứng trước đề xuất định giá kép, Chủ tịch Hội đồng Du lịch Krabi, bà Charintip Tiyaphorn cho biết, vấn đề nhạy cảm này có thể tạo ra một hình ảnh tiêu cực, bởi theo bà, mọi người cần được đối xử bình đẳng và các thông tin liên quan đến vấn đề này cần thật sự rõ ràng.

Các khách sạn ở Krabị đã giảm giá ít nhất 50% so với mức 2019. Bà cho biết, trong quý IV năm nay, lượng đặt phòng dự kiến sẽ đạt mức trước đại dịch.

Hiện nay, mặc dù chính phủ nước này dự đoán có khoảng gần 10 triệu lượt khách quốc tế đến trong năm nay, song đến nay vẫn chưa rõ kế hoạch mới của chính phủ nhằm thu hút khách du lịch nước ngoài đến Thái Lan sẽ thực hiện như thế nào.

Tăng giá, tính phí cao hơn người bản địa liệu có khả thi và nó sẽ tác động đến những người nước ngoài sống tại Thái Lan như thế nào? Đây sẽ là một câu hỏi đặt ra đối với các nhà chức trách Thái Lan trong việc phục hồi ngành du lịch xứ sở Chùa Vàng.

Phục hồi du lịch Đông Nam Á: Những ‘điểm sáng’ đầu tiên

Phục hồi du lịch Đông Nam Á: Những ‘điểm sáng’ đầu tiên

Sáu tháng đầu năm 2022, lượng du khách quốc tế đến một số quốc gia Đông Nam Á gia tăng mạnh mẽ. Tuy nhiên, con ...

Thái Lan: Kinh tế Chiang Mai hồi sinh nhờ hoạt động du lịch, Phuket kỳ vọng vào du khách Ấn Độ

Thái Lan: Kinh tế Chiang Mai hồi sinh nhờ hoạt động du lịch, Phuket kỳ vọng vào du khách Ấn Độ

Kể từ ngày 1/7, Thái Lan dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế nhập cảnh, đặc biệt, các yêu cầu về thẻ thông hành (Thailand ...