Thái Lan công bố dự luật bảo vệ người dân khỏi lừa đảo trực tuyến. Ảnh minh họa. (Nguồn:antoanthongtin.vn) |
Dự luật này sẽ buộc các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động và ngân hàng phải chịu trách nhiệm về hành vi cẩu thả khi để khách hàng của họ bị lừa đảo, thắt chặt kiểm soát việc gửi tin nhắn ngắn có đính kèm liên kết và hạn chế hơn nữa quyền sở hữu thẻ SIM điện thoại.
Theo Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng DES Prasert Chantararuangthong, dự luật này nhằm sửa đổi Nghị định về Tội phạm mạng và hiện đang được Hội đồng Nhà nước xem xét kỹ lưỡng.
Dự luật cũng nhằm tăng hình phạt đối với những người bán thông tin cá nhân của khách hàng mà không được sự đồng ý của họ, từ 1 năm tù lên 5 năm; yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động phải theo dõi chặt chẽ những người gọi điện thực hiện hơn 100 cuộc gọi mỗi ngày từ cùng một số điện thoại và hạn chế quyền sở hữu thẻ SIM ở mức chỉ 5 thẻ cho mỗi người.
Những người gửi tin nhắn ngắn có đính kèm liên kết cũng sẽ được yêu cầu đăng ký với các nhà cung cấp dịch vụ để ngăn chặn những kẻ lừa đảo thực hiện hành vi lừa đảo bằng tin nhắn giả mạo.
Theo Bộ Kinh tế và Xã hội Số, hơn 739.000 khiếu nại về gian lận trực tuyến đã được nộp lên cảnh sát từ ngày 1/3 đến 30/11 năm nay, với số tiền thiệt hại ước tính lên tới hơn 77 tỷ baht (2,2 tỷ USD).
Bộ này cũng cho biết hầu hết các khiếu nại liên quan đến gian lận bán hàng trực tuyến, gian lận việc làm, tống tiền qua điện thoại, gian lận cho vay và gian lận quà tặng miễn phí.
Tương tự, tình trạng lừa đảo trực tuyến ở Việt Nam đang ngày càng gia tăng về mức độ tinh vi và quy mô. Theo ghi nhận của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong 9 tháng năm 2024 đã tiếp nhận hơn 22.200 phản ánh về trường hợp lừa đảo trực tuyến do người dùng Internet gửi về Cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam, trong đó hơn 80% vụ việc liên quan đến chiếm đoạt tài sản thông qua các hình thức lừa đảo kỹ thuật số như giả mạo ngân hàng, ví điện tử và lừa đảo đầu tư.
Có tới 70% các trường hợp lừa đảo đến từ các nền tảng mạng xã hội như Zalo và Facebook.
Việt Nam đang nỗ lực hợp tác với các tổ chức quốc tế để chia sẻ dữ liệu về các xu hướng tấn công và triển khai các giải pháp ngăn chặn, đồng thời nỗ lực xây dựng hành lang pháp lý vững chắc, đẩy mạnh đào tạo nhân lực và phát triển các chiến lược an ninh mạng quốc gia rõ ràng. Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách và chương trình để đối phó với lừa đảo trực tuyến.