📞

Thái Nguyên hỗ trợ đồng bào dân tộc phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống

Tâm An 06:48 | 24/03/2022
Baoquocte.vn. Với nhiều chương trình, giải pháp thiết thực đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh cho đồng bào DTTS ở Thái Nguyên đã thu được kết quả tích cực.

Đầu tư có trọng điểm

Tỉnh Thái Nguyên có 51 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó gần 30% là người DTTS. Để thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống xã hội cho bà con trong vùng, thời gian qua, tỉnh xác định sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư của Ðảng, Nhà nước thông qua các Chương trình 135, 134, với số vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng điện, đường, trường, trạm, cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh, đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm ổn định.

Bên cạnh đó, tỉnh đã ban hành những chính sách đặc thù nhằm đẩy nhanh tiến trình phát triển ở những vùng này. Ðiển hình như đề án Phát triển kinh tế - xã hội vùng có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống (Ðề án 2037).

Trong thời gian qua, đời sống của đồng bào DTTS tại Thái Nguyên đã được nâng cao đáng kể. (Nguồn: Báo Thái Nguyên)

Sau 4 năm thực hiện, tỉnh đã sử dụng ngân sách địa phương, huy động doanh nghiệp ủng hộ 117 tỷ đồng để hỗ trợ giống, phân bón, mua bò giống tặng đồng bào; đầu tư cứng hóa đường giao thông từ các xóm, bản có đông đồng bào Mông kết nối với trục đường chính. Chương trình đưa điện về xóm, bản sau gần hai năm triển khai đã giúp toàn bộ số xóm, bản có điện, 99,67% số hộ nông thôn trong tỉnh được dùng điện lưới quốc gia...

Kết thúc giai đoạn 2013 – 2020, toàn tỉnh Thái Nguyên đã có 12 xã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn; năm 2019, có 19/63 xã và 75/94 xóm đặc biệt khó khăn hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 (là tỉnh đứng thứ nhất toàn quốc); trong giai đoạn 2016 - 2020, Thái Nguyên đã xóa 76/76 xóm bản thiếu điện, “trắng điện” lưới quốc gia…

Không chỉ tập trung phát triển kinh tế, tỉnh còn chú trọng đầu tư phát triển giáo dục, chăm sóc sức khỏe, tạo điều kiện để đồng bào DTTS tiếp cận các dịch vụ công; kịp thời có các chính sách đặc thù đầu tư cho vùng DTTS như đề án phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản có nhiều đồng bào dân tộc H’Mông sinh sống, với số vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng để làm đường giao thông, cấp điện, cấp nước, hỗ trợ sản xuất, chăn nuôi, trồng cây ăn quả…

Điển hình thành công có thể kể đến Bản Tèn, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ. Đây là một trong số các thôn, bản được hưởng lợi từ Đề án “Phát triển kinh tế, xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống” của tỉnh Thái Nguyên.

Ông Dương Văn Minh - Bí thư Chi bộ Bản Tèn - cho biết, với gần 150 hộ đồng bào dân tộc Mông, Bản Tèn từng là một trong những bản khó khăn nhất tỉnh Thái Nguyên, gần 100% số hộ thuộc diện nghèo.

Nhờ được tỉnh đầu tư trường học, kéo điện lưới quốc gia về từng hộ; hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, đến nay, toàn bộ 15 xóm, bản ở Bản Tèn đã được được đầu tư đường bê tông, với tổng chiều dài hơn 42 km, 16 lớp học, 7 nhà văn hóa, 3 công trình nước sinh hoạt tập trung. Tất cả các xóm, bản đều có điện lưới quốc gia với tổng vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng.

Thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo

Trong Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ 20, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định: Ðặc biệt quan tâm xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS; thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng dân cư trên địa bàn...

Để thực hiện tốt mục tiêu, giải pháp mà tỉnh đưa ra là: Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách xã hội, giải quyết việc làm, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là ở vùng DTTS, miền núi.

Triển khai chủ trương này, các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã và đang thực hiện những giải pháp cụ thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. Bên cạnh đó, Ban Dân vận tỉnh ủy Thái Nguyên cũng đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tăng cường chỉ đạo các địa phương đối thoại, gặp gỡ, bám sát cơ sở, nhất là vùng đồng bào DTTS để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, tìm cách tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ đồng bào phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống.

Thái Nguyên luôn chú trọng bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS. (Nguồn: Báo Dân vận)

Theo lãnh đạo Sở Thương binh và Xã hội Thái Nguyên, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh tiếp tục gắn giảm nghèo bền vững với xây dựng nông thôn mới; lồng ghép các dự án hỗ trợ xây dựng nông thôn mới với mô hình giảm nghèo và các chính sách an sinh xã hội; đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn việc làm, đào tạo nghề với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu hàng năm giảm 1% hộ nghèo trở lên.

Trên cơ sở những kết quả tích cực đã đạt được giai đoạn vừa qua, thời gian tới, Thái Nguyên sẽ tập trung triển khai, thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; tiếp tục khơi dậy tinh thần đoàn kết các dân tộc và nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS và miền núi; nhân rộng mô hình kinh tế tại vùng sâu, vùng xa.

Đồng thời chú trọng bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS; nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, công tác chăm sóc sức khoẻ cho người dân; tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách của Đảng, Nhà nước vùng DTTS và miền núi, chú trọng làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ là người DTTS cũng như cán bộ đến công tác tại các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn...