Thảm họa kép tại Nhật Bản: Những ký ức khó phai

Đã ba năm trôi qua kể từ ngày xảy ra thảm họa kép khủng khiếp trên đất nước Nhật Bản. Trong ký ức của tôi và của hàng triệu người dân Nhật, hàng triệu triệu người trên hành tinh này đó là những tang thương, mất mát, nỗi thống khổ mà thiên nhiên đã giáng xuống đất nước Nhật, không biết đến bao giờ mới nguôi ngoai.
Theo dõi Baoquocte.vn trên
Vợ chồng Đại sứ Nguyễn Phú Bình cùng đoàn nghệ thuật Hoa Đào trồng cây ở Iwate.

Cuộc họp không bị gián đoạn!

14h00 ngày 11/3/2011, tôi đang tham dự một cuộc họp ở tòa nhà thư viện của Quốc hội ở Tokyo. Chủ tọa cuộc họp là bà Fukuda, phu nhân cựu Thủ tướng Nhật. Cuộc họp có bà Komura, phu nhân cựu Bộ trưởng Ngoại giao cùng phu nhân của một số chính khách, các nhà ngoại giao cao cấp Nhật và phu nhân Đại sứ một số nước châu Á. Bà Fukuda chủ trì một đề tài rất thiết thực và bổ ích cho phụ nữ là biên soạn một cuốn sách cẩm nang "Nhật ký Mẹ và Bé ". Dự án đã được triển khai ở nhiều quốc gia và được đón nhận nồng nhiệt vì lợi ích của nó. Chúng tôi được mời tới dự tọa đàm về nội dung, lợi ích, việc triển khai dư án ở các nước...

Bỗng dưng, chúng tôi cảm thấy chòng chành như ngồi trên thuyền, rồi đèn chùm đung đưa ngày càng mạnh, tiếp theo đến bàn ghế xô đẩy, tòa nhà rung lắc dữ dội. Đã quá quen với những hiện tượng do động đất ở Nhật, nhưng lần này mọi người nhìn nhau hoang mang, mọi người bảo nhau: Lớn quá! Lớn quá! Những người phụ nữ Nhật vẫn còn bình tĩnh nhìn đồng hồ: lúc đó là 14h46 phút. Bảo vệ tòa nhà chạy đi các tầng, các phòng..., mở các cánh cửa. Mỗi khi những tiếng động răng rắc dồn lên do rung lắc lớn thì trong phòng họp mọi người lại bảo nhau chui xuống gầm bàn.Thấy yên yên chủ tọa lại mời họp tiếp! (Tôi cứ nghĩ là sẽ thôi, còn tâm trí đâu mà họp nữa?!). Tôi nhìn ra bức tường ngoài hành lang: những dòng silicon đen giữa các khối đá ốp tường cứ bò ra như những con rắn (vì bức tường bị rung lắc mạnh), trong lòng thấy hoảng sợ: Mình ở đây một mình thế này, không biết sống chết ra sao, còn chồng con nữa ?!...

Hơn 16h00 thì cuộc họp cũng xong. Chúng tôi ra ngoài phố: bầu trời, mặt đất, đường phố... là một màu xám kỳ lạ, mọi người đi lại khẩn trương, nhưng tịnh không một tiếng la hét, không một sự nhốn nháo nào! Tôi gọi cho anh Nghĩa lái xe của Đại sứ quán, nhưng không thể gọi được, gọi về nhà cũng không được... Một lúc sau anh Nghĩa từ xa chạy lại: "Em ra đây từ sớm, ở nhà cũng rung lắc ghê lắm, mọi thứ rơi đổ... Em cứ nghĩ là động đất thế này chắc chị phải tan sớm? Điện thoại không có mạng chị ạ, bây giờ chỉ dùng được máy bàn thôi". Tôi thở phào, yên tâm về tình hình ở nhà, anh em ở cơ quan.

Do có kế hoạch hôm sau về Hà Nội, tôi nhờ anh Nghĩa đưa ra khu Shinjuku để mua mấy thứ đồ về nhà. Ôtô của chúng tôi cứ trôi chầm chậm trên đường, nhìn vào màn hình trên xe, tất cả các con đường trên màn hình navigator đều đỏ rực (tắc đường ở khắp nơi). Các cầu trên cao đều bị đóng vì sợ lỡ các trụ cầu bị chấn động, không an toàn. Tàu điện ngầm cũng đóng cửa vì mặt đất vẫn còn dư chấn. Dưới mặt đường là dòng xe nối đuôi nhau nhích từng chút một. Trên vỉa hè hai bên đường là các dòng người xuôi ngược, tiếng giày gõ lộp cộp khẩn trương, khuôn mặt ai cũng lo lắng... Nhưng khắp nơi không hề có một tiếng còi xe thúc giục, không môt tiếng la hét. Tại các trạm điện thoại công cộng, từng hàng người xếp hàng nhẫn nại chờ để gọi điện về nhà, cũng không ai cáu bẳn với ai...

19h00 tối xe chúng tôi mới về đến ĐSQ. Đại sứ và 2 Tổng lãnh sự từ Osaka và Fukuoka đang công tác ở Tokyo cùng các cán bộ của SQ vừa có cuộc họp lúc chiều. Cuôc họp đã bị gián đoạn mấy lần... Lúc đó theo dõi trên truyền hình mới biết là động đất tới 9,1 độ richter kèm theo sóng thần đã xẩy ra trên vùng Tohoku: Sendai, Iwate, Miyagi, Fukushima. Ở Tokyo là hơn 6 độ richter. Rung chấn như vậy, nhưng không một tòa nhà nào ở Tokyo bị ảnh hưởng, chỉ có một nhà kho ở khu Odaiba bị cháy do chập điện. Anh em trong cơ quan đến các nhà trẻ đón con thì thấy tấm biển ghi: "Để bảo đảm an toàn, các cô giáo đã đưa các cháu ra công viên, đề nghị phụ huynh ra đó đón con". Các cô không một ai rời nhiệm sở, dù rất lo lắng cho con mình ở nhà.

Truyền hình đưa tin liên tục và các hình ảnh ở vùng xẩy ra thảm họa: sóng thần tràn vào các thành phố, làng mạc, cuốn đi mọi thứ, người chết, nhà đổ, xe ôtô chỉ như bao diêm cuốn trong dòng nước điên cuồng...Nhưng điều đáng sợ hơn vẫn còn ở phía trước, chẳng ai ngờ ngay hôm sau những tin tức vô cùng lo ngại về rò rỉ phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân ở Fukushima...

Anh em ở cơ quan gần như cả đêm không ngủ, ngồi trực bên Tivi theo dõi tình hình, trả lời điện thoại, liên lạc với cơ quan, gia đình trong nước, với bà con trong cộng đồng, lưu học sinh, lao động...Hầu hết các mạng di động đều bị trục trặc, lúc liên lạc được, lúc gián đoạn nên tâm trạng lo lắng lại tăng gấp bội.

Sáng hôm sau, tôi có một chuyến hành trình dài chưa từng có: từ 7h00 sáng tới 16h00 chiều mới tới được sân bay, trong khi lúc bình thường chỉ hết 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng là cùng. Các con đường cao tốc trên cao, tàu điện ngầm vẫn đóng. Ôtô phải đi trên những con đường nhỏ, không gian vẫn là một màn xám bạc khác thường. Chỉ có những con người là vẫn vậy: lo âu, nhưng vẫn bình tĩnh, không hoảng loạn, không gây xáo trộn, ồn ào...

Sân bay đông nghẹt người vì nhiều chuyến bay bị hủy. Họ để những xe chở đầy chăn, đệm để mọi người dùng, thực phẩm, nước uống đầy đủ, nhà vệ sinh vẫn được lau dọn sạch bong như mọi ngày. Người thì cuốn chăn nằm ngủ, người đọc sách, số trẻ ngồi chơi bài... tất cả điều trong trật tự, yên lặng, nhẫn nại...

Tôi không bay được ngày hôm đó, do lỡ chuyến bay trưa, chuyến bay tối thì chưa rõ có bay được không, đành quay về nhà để đợi chuyến bay hôm sau.

Sứ quán đặt trong "thời chiến"

Chiều ngày 12/3 năm đó, sau khi các phương tiện truyền thông đưa tin và hình ảnh về các vụ nổ khí hydro tại các lò điện hạt nhân, hàng loạt ĐSQ các nước tại Tokyo tuyên bố đóng cửa, ra lệnh sơ tán công dân của mình sang các nước lân cận hoặc về nước, phòng lãnh sự của ĐSQ ta đột nhiên đông khách, không chỉ bà con Việt kiều mà khá đông người nước ngoài đến xin visa nhập cảnh Viêt Nam.

Đại sứ triệu tập họp khẩn cấp, yêu cầu mọi hoạt động của ĐSQ chuyển sang tình trạng "thời chiến". Sau khi xin ý kiến của Bộ, cơ quan cho các phu nhân và trẻ em tạm lánh về Việt Nam. Toàn thể cán bộ, nhân viên ăn cơm "tập thể", làm việc bất kể ngày đêm. Một việc rất khẩn cấp khi đó là quyết định sơ tán các công dân khỏi các vùng có nguy cơ phóng xạ. Theo phân công, người đi thuê ôtô, xin giấy phép (có giấy phép thì mới được đến các vùng có thảm họa và được mua xăng dọc đường), rồi chia nhau đi các cửa hàng thực phẩm để mua mỳ, gạo, nước uống về chuẩn bị đồ ăn để mang theo chuyến đi (lúc đó thực phẩm khan hiếm và bị hạn chế). Hầu hết anh em đều xung phong và cơ quan chọn 9 người đi theo 3 xe cỡ lớn về 3 tỉnh. Sau này, khi mọi việc đã qua, Đại sứ bồi hồi kể lại: Tuy không phải là cuộc tiễn anh em đi vào nơi bom đạn, nhưng nguy cơ phóng xạ là nỗi ám ảnh vô hình, nhất là đối với anh em trẻ chưa có con. Vì vậy, tiễn anh em lên xe mà trong lòng cứ day dứt: Điều gì sẽ xảy ra với anh em sau khi trở về?

Những người ở lại lo tìm kiếm chỗ ở cho gần trăm con người sắp được đón về. Thật may mắn, Hòa thượng Đaichi Yoshumizu và Sư cô Tâm Trí (người Việt Nam) ở chùa Nishin Kutsu khi được thông tin trên, đã mở lòng từ bi, chào đón, săn sóc và cưu mang tất cả 84 con người trong nhiều ngày sau đó.

Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Bộ Ngoại giao... đã theo dõi sát sao, thường xuyên điện thoại cho Đại sứ, thăm hỏi cán bộ nhân viên, lao động, lưu học sinh và bà con Việt kiều và hỏi về nhu cầu của bạn để trong nước chuẩn bị đồ cứu trợ. (Câu chuyện về thời gian này của ĐSQ đã được Đại sứ Nguyễn Phú Bình chia sẻ trong bài báo "Sẻ chia hoạn nạn là bạn chân thành", đăng trên báo Thế giới & Việt Nam, ngày 14/3/2013). Đại sứ quán Việt Nam là một trong số hơn 30 ĐSQ trụ lại Tokyo với đầy đủ "quân số" và hoạt động bình thường (Tokyo có hơn 150 cơ quan đại diện Ngoại giao và các tổ chức quốc tế). Trong những ngày nước sôi lửa bỏng như vậy, thật nghẹn lòng khi nhiều lần Bộ Ngoại giao và các bạn Nhật gọi điện đến Sứ quán để chia sẻ thông tin về cộng đồng người Việt, hỏi thăm xem có khó khăn gì, có cần sự giúp đỡ gì không?

Khi ở Hà Nội, tôi nhận được email của bà Hirashima, cô giáo tiếng Nhật của tôi "Madame Ngân, bà ở đâu rồi? Chúng tôi rất lo lắng..." Tôi thực sự cảm động, vội viết trả lời bà và thăm hỏi tình hình bên đó. Tôi cũng viết mail cho những người bạn Nhật trong Hội Phụ nữ Châu Á - Thái Bình Dương (là tổ chức mà Đại sứ quán ta là thành viên, gắn bó suốt nhiều năm). Trong thư tôi chia sẻ: "...Thật đau đớn khi xem truyề hình hàng ngày, nhìn thấy những mất mát, tang thương đang xẩy ra trên đất Nhật... Mong các bạn sớm vượt qua những đau thương này...”. Các bà trong Ban điều hành viết thư trả lời tôi, cám ơn những chia sẻ. Thư viết: "Chúng tôi phải mạnh mẽ để chịu đựng và nhất định vượt qua hoạn nạn!". Sau này qua chuyện trò, các bạn Nhật tâm sự: Ở đất nước chúng tôi, khi thiên tai xảy ra như cơm bữa, con người chúng tôi đã được giáo dục, được chuẩn bị để đương đầu với thử thách, không hoảng loạn, kêu ca, cùng cộng đồng vượt qua mọi khó khăn, hoạn nạn...

Khi phong trào ủng hộ Nhật Bản được phát động tại Việt Nam đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ. Số tiền đóng góp lên đến trên 15 triệu USD, nhiều chưa từng có trong các phong trào quyên góp từ trước tới nay. Các bạn Nhật rất cảm động vì tấm lòng của người dân Việt Nam. Tấm pano lớn ghi lời cám ơn của ĐSQ Nhật Bản ở phố Liễu Giai để trước cửa Sứ quán suốt nhiều tháng trời.

Trước tấm lòng nhiệt thành của ta, các bạn Nhật đề nghị gửi một số hàng cứu trợ như quần áo lót các cỡ, khăn tắm, khăn mặt... chuyển qua ĐSQ ta đến Bộ Ngoại giao Nhật. Sau đó, các kiện hàng được chuyển đến các tỉnh bị thảm họa. Sau này, chúng tôi được xem những hình ảnh hàng cứu trợ được đặt trong các gian lều bạt, được phân loại và đặt trên kệ hàng.Người dân cầm các giỏ nhựa đến nhặt những thứ cần, vừa đủ cho nhu cầu của gia đình mình, không thấy ai lấy nhiều!

Sự sống hồi sinh

Thời gian dần trôi. Tháng 6/2011, vợ chồng tôi cùng cán bộ ĐSQ và đại diện Thông tấn xã, Đài Tiếng nói Việt Nam đi thăm một số tỉnh đã xảy ra thảm họa. Đáp tàu cao tốc đi lên phía Đông Bắc, rồi đi ô tô men theo dải bờ biển. Đã nhiều lần xem qua truyền hình, nhưng lần này chứng kiến tận mắt mới thấy hết sự khủng khiếp của tai họa, con người chỉ như một chiếc lá mỏng manh giữa đại dương cuồng nộ... Những đống xác ô tô được gom lại, chất cao như núi, có thành phố bị sóng thần quét qua chỉ còn trơ lại những xác nhà không còn một chiếc cửa nào. Những con tàu bị sóng đánh dạt sâu vào đất liền, nằm úp trên mái nhà, trên đồi cao. Những con đê biển bằng bê tông dày mà có nhiều khúc bị xé toạc. Một con tàu lớn như tòa nhà 5-6 tầng bị sóng thúc cắm sâu vào thân đê bê tông. Chúng tôi chứng kiến những người công nhân đang khoan từng chút một để gỡ dần con tàu khổng lồ đó ra khỏi thân đê.

Đến thăm thành phố Miyako, ông Thị trưởng và ban lãnh đạo đón tiếp chúng tôi vẫn trong trang phục lao động. Thành phố vẫn là môt đại công trường mà công cuộc tái thiết không biết tới khi nào mới xong, còn những mất mát về con người thì bao giờ mới nguôi ngoai được? Ông Thị trưởng còn rất trẻ, chừng ngoài 40 tuổi, trắng trẻo và thư sinh. Mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt, kể lại: Nơi chúng tôi đang ngồi là khu làm việc của lãnh đạo thành phố, tầng 2 của tòa nhà. Ngày sóng thần ập đến nước dâng ngập hết đến sàn tầng 2, vặn xoắn cây cầu vượt ở quảng trường phía trước. Khủng khiếp nhất là cơn sóng thần lừ lừ tiến vào, vì con đê chắn sóng cao lớn nên mọi người ở trong đê vẫn không biết gì về tai họa đang tới, rồi cả biển nước đó như từ trên trời đổ ập xuống, cuốn phăng đi tất cả...

Chúng tôi đến Iwate, thành phố lân cận. Tại đây chúng tôi được mời trồng cây lưu niệm và dự buổi biểu diễn của đoàn nghệ thuật Hoa Đào từ thành phố Hồ Chí Minh sang. Lãnh đạo của thành phố cho biết chúng tôi là những vị khách nước ngoài đầu tiên đến thăm sau khi xảy ra thảm họa. Phía bạn chọn cho vợ chồng tôi trồng cây Nemuno, một loại cây có hoa nở ra một chùm ba, tượng trưng cho gia đình: cha, mẹ và con cái, với khát vọng sự sống sẽ tái sinh trên mảnh đất này. Vợ chồng tôi trồng cây ở giữa, anh chị em diễn viên đoàn văn công trồng 2 cây ở 2 bên. Sau này tôi được thông báo là những cây đó đã lên xanh tốt và trổ hoa cùng với sự hồi sinh của mảnh đất, con người nơi đây.

Đoàn nghệ thuật Hoa Đào là một nhóm nghệ sỹ của TP. Hồ Chí Minh, có chị Hải Phượng, anh Tấn, chị Kim Luyên, các bạn múa, nhạc cụ, chừng mươi người. Đoàn sang biểu diễn tại Nhật hàng năm, từ năm 2000, với sự bảo trợ của Hội đồng Hòa bình và Hữu nghị Nhật -Việt, do cựu Thủ tướng Murayama sáng lập nên. Tiền thu được từ biểu diễn hàng năm đều được dành để ủng hộ các nạn nhân bị chất độc da cam ở Việt Nam. Năm đó, phía ta quyết định đi biểu diễn miễn phí tại các vùng bị thảm họa để góp một phần nhỏ bé, khích lệ tinh thần người dân nơi đây.

Đúng buổi tối đoàn biểu diễn thì ở khu dân cư có một cuộc họp quan trọng, bàn bạc để quyết định sẽ tái thiết thành phố ven biển này hay chuyển sang môt khu đất cao. Các gia đình phân công đàn ông đi họp, còn các mẹ, các chị được đi xem nghệ thuật. Đoàn nghệ thuật hết sức nhỏ gọn nhưng nhờ tài năng của nghệ sỹ, sự đồng cảm giữa nghệ sỹ và công chúng nên đã làm nên một buổi biểu diễn tuyệt vời, một món quà tinh thần thật sự ý nghĩa cho bà con nơi đây. Chúng tôi cũng đã không cầm được nước mắt khi thấy những người phụ nữ quên đi thực tại, chăm chú thưởng thức nghệ thuật Việt Nam với sự háo hức và cặp mắt long lanh ướt... Cuối buổi diễn khán giả và nghệ sỹ lại nắm chặt tay nhau, ôm nhau, quệt nước mắt... Bà con luôn nói lời cảm ơn đoàn từ xa xôi tới đây với tấm lòng vô cùng ấm áp, sẻ chia.

Ban tổ chức đưa chúng tôi đi thăm khu nhà tái định cư do chính phủ xây dựng cho người dân. Gọi là nhà tạm, nhưng chỗ ăn ở khá đàng hoàng. Mỗi nhà tuy nhỏ bé nhưng đều có đủ tiện nghi. Chúng tôi bước vào khu nhà trẻ. Các cô giáo tươi cười đón khách đưa đi thăm phòng học, khu bếp, phòng ngủ... tất cả đều ngăn nắp, gọn gàng, đặc biệt là nơi nào cũng sạch bóng, từ sàn nhà, tường, rèm cửa, chăn đệm tới dụng cụ nhà bếp. Không thể nghĩ đây chỉ là nơi ở tạm. Người Nhật với bản tính cần cù, chịu khó trong hoàn cảnh nào họ cũng tạo dựng nên những gì tốt đẹp cho bản thân, cho cộng đồng. Bọn trẻ thật đáng yêu, quấn quýt theo khách. Được chăm nuôi cẩn thận, bé nào cũng hồng hào, xinh đẹp.

Chúng tôi ra bờ biển. Trên vách núi dựng đứng sát biển có những vạch sơn lớn được đánh dấu vào đá. Bạn giải thích cho chúng tôi: Những vạch này ghi lại mực nước khi sóng thần chồm lên núi cao. Nhìn những vạch dấu cao chơi vợi trên núi mới hình dung được sự khủng khiếp của thiên tai. Các vạch dấu có ghi lại năm tháng và độ cao cho thấy, gần như là quy luật, mỗi thế kỷ lại có một cơn đại hồng thủy như vậy. Và chúng tôi cũng hiểu vì sao cuộc họp của khu dân cư đã quyết định không tái thiết lại khu dân cư trên khu đất ven biển này nữa, mà di chuyển vào sâu hơn, lên các đồi cao.

Những câu chuyện cảm động về tình người trong thảm họa thiên tai được truyền hình, báo đài đưa tin khắp nơi trong và ngoài nước Nhật. Khi có yêu cầu vào khu lò phản ứng hạt nhân để xử lý sự cố, nhiều kỹ sư, công nhân lớn tuổi đã xung phong. Trước khi đi làm nhiệm vụ, họ đã chào từ biệt gia đình với một tâm thế sẵn sàng hy sinh... Có bác sỹ trẻ lăn lộn cứu chữa người dân suốt những ngày xảy ra hiểm họa, chỉ trở về nhà với người vợ trẻ và đứa con đầu lòng mới sinh khi tình hình đã tạm yên. Nhiều két sắt với tiền, tài sản quý đươc giao nộp cho chính quyền. Ở một khu nhà vệ sinh công cộng, người ta tìm thấy một túi ny lông đen, trong đựng số tiền 10 triệu yên (tương đương 130 ngàn đô la Mỹ) với một mảnh giấy ghi "Tôi đã già, không cần tiêu đến số tiền này. Xin gửi để chia sẻ cho những gia đình cần đến nó". Người chủ của số tiền đã chọn cách ủng hộ như vậy, vì không muốn tiết lộ danh tính. Những dòng người xếp hàng nhẫn nại để nhận nước uống, lương thực, không chen lấn, ồn ào, xô đẩy...

Mùa hè năm đó, trong một chuyến đi địa phương đến thành phố Oita, Đại sứ và Tổng lãnh sự Vũ Văn Mừng đã đến thăm cựu Thủ tướng Murayama. Khi nói đến thảm họa vừa xảy ra. Đại sứ tỏ lòng khâm phục tính cách, ý chí, tình người của người dân Nhật... Ngài cựu Thủ tướng trả lời giản dị: "Tôi nghĩ ai trong hoàn cảnh đó cũng sử xự như thế!". Khi hỏi các bạn Nhật: làm sao họ có thể giữ được bình tĩnh như thế khi thảm họa bất ngờ xảy ra? Nhiều bạn trả lời: "Ai mà không sợ, nhưng nếu mình tỏ ra hoảng loạn thì sẽ làm ảnh hưởng lây sang người khác, chỉ làm cho mọi thứ rối ren thêm!"

Tháng 11 của năm không thể nào quên đó, chúng tôi kết thúc nhiệm kỳ công tác. Chúng tôi xin đến chào từ biệt Vua và Hoàng hậu. Thời gian đó Vua đang nằm điều trị tại bệnh viện. Hoàng hậu tiếp vợ chồng chúng tôi trong khu Hoàng cung. Theo lễ nghi Hoàng cung, mỗi buổi tiếp như vậy được diễn ra trong 20 phút. Hoàng hậu trong trang phục nền nã, nhìn hơi giống một chiếc áo dài của Việt Nam với một bông hoa Sen nhẹ nhàng bên tà áo, bà thật đẹp, cao sang, phúc hậu... Cuộc chuyện trò đề cập tới nhiều chủ đề, từ mối quan hệ giữa hai nước, hai nền văn hóa, tới những thăm hỏi thân tình... Chúng tôi nói đến hình ảnh của Vua và Hoàng hậu trong những bộ quần áo giản dị đến thăm hỏi người dân ở những khu trại tị nạn trong những ngày sau thảm họa đã không chỉ an ủi được người dân mà gây xúc động cho bao người. Hoàng hậu trả lời nhỏ nhẹ: "Chúng tôi cũng chỉ biết làm như vậy để làm dịu bớt nỗi đau khổ cho người dân của chúng tôi...". Hai người thị tòng tiến lại và cúi đầu, 20 phút đã hết. Hoàng hậu không nói gì, tiếp tục trò chuyện. Buổi hôm đó chúng tôi được tiếp kiến Hoàng hậu tới 35 phút, gần gấp đôi thời gian cho phép. Theo quy định của Hoàng cung, khách không được xin chụp ảnh với Vua và Hoàng hậu. Sau buổi tiếp, Hoàng hậu đã tặng cho vợ chồng tôi bức ảnh chân dung của ông bà với hai chữ ký tặng.

Đã xa đất nước Nhật được hơn 2 năm trời. Một đất nước gây ấn tượng cho mọi du khách với bàn tay và khối óc con người đã kiến tạo nên những công trình kiến trúc kim cổ hài hòa, thiên nhiên tươi đẹp, cuộc sống tử tế bình an cho mọi người... Ngay cả những thảm họa thiên tai cũng đem lại cho thế giới nhiều bài học, những thán phục, những ký ức, những ấn tượng không thể nào phai.

Lê Thiếu Ngân
(Phu nhân cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Phú Bình)



 

Đọc thêm

Phục hồi và bảo tồn Pháp Lam Huế

Phục hồi và bảo tồn Pháp Lam Huế

Pháp Lam Huế - một loại hình nghệ thuật trang trí đặc sắc là một di sản có giá trị đặc biệt, không thua kém bất kỳ di sản nào ...
Giá tiêu hôm nay 24/12/2024: Nhu cầu thế giới ảm đạm tác động tới thị trường trong nước, kỳ vọng từ Trung Quốc

Giá tiêu hôm nay 24/12/2024: Nhu cầu thế giới ảm đạm tác động tới thị trường trong nước, kỳ vọng từ Trung Quốc

Giá tiêu hôm nay 24/12/2024 tại thị trường trong nước đi ngang ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 144.000 - 145.500 đồng/kg.
Giá vàng hôm nay 24/12/2024: Giá vàng trong nước và thế giới ngược chiều, giao dịch ‘mỏng’, BRICS ấp ủ kế hoạch 'được bảo chứng bằng vàng'

Giá vàng hôm nay 24/12/2024: Giá vàng trong nước và thế giới ngược chiều, giao dịch ‘mỏng’, BRICS ấp ủ kế hoạch 'được bảo chứng bằng vàng'

Giá vàng hôm nay 24/12/2024, Giá vàng trong nước tăng trong khi thế giới giảm nhẹ. BRICS ấp ủ loại tiền kỹ thuật số được bảo chứng bằng vàng.
Điện thăm hỏi về thiệt hại do bão Chido gây ra tại Mozambique

Điện thăm hỏi về thiệt hại do bão Chido gây ra tại Mozambique

Chủ tịch nước Lương Cường gửi điện thăm hỏi khi được tin về cơn bão Chido đổ bộ vào miền Bắc Mozambique gây thiệt hại về người và tài sản.
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski

Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski

Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá cao những đóng góp tích cực và nỗ lực của Đại sứ Andrew Goledzinowski cho việc thúc đẩy quan hệ hai nước thời ...
Mỹ 'ra đòn' mới với ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc, vì lo điều này

Mỹ 'ra đòn' mới với ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc, vì lo điều này

Ngày 23/12, Mỹ tuyên bố sẽ mở cuộc điều tra về các chính sách của Trung Quốc đối với ngành công nghiệp bán dẫn.
Đưa văn hóa và sản phẩm mỹ nghệ Việt Nam đến các thị trường mới

Đưa văn hóa và sản phẩm mỹ nghệ Việt Nam đến các thị trường mới

Công ty Rattan House tích cực giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa và thủ công mỹ nghệ Việt Nam tại Brunei Darussalam và một số thị trường mới.
Thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm và khát vọng đưa ngành thủy sản Việt Nam vươn tầm thế giới

Thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm và khát vọng đưa ngành thủy sản Việt Nam vươn tầm thế giới

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng tham dự và phát biểu tại Lễ mừng xuất khẩu ngành thủy sản Việt Nam đạt 10 tỷ USD.
Việt Nam đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch Nhóm châu Á-Thái Bình Dương tại các tổ chức quốc tế ở Vienna

Việt Nam đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch Nhóm châu Á-Thái Bình Dương tại các tổ chức quốc tế ở Vienna

Đại sứ Vũ Lê Thái Hoàng khẳng định Việt Nam sẽ hợp tác chặt chẽ với các thành viên của Nhóm và nỗ lực hoàn thành tốt trọng trách của mình.
Lãnh đạo Ủy ban Biên giới quốc gia thăm và chúc mừng các đơn vị Bộ Quốc phòng

Lãnh đạo Ủy ban Biên giới quốc gia thăm và chúc mừng các đơn vị Bộ Quốc phòng

Trong các ngày 20-21/12, đoàn công tác Uỷ ban Biên giới quốc gia đến thăm, chúc mừng các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng.
Giao lưu bóng đá kết nối người Việt ở Saudi Arabia

Giao lưu bóng đá kết nối người Việt ở Saudi Arabia

Đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabia tổ chức chương trình giao lưu bóng đá tăng cường kết nối người Việt đang sinh sống, làm việc tại Riyadh.
Thống đốc tỉnh Niigata, Nhật Bản nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

Thống đốc tỉnh Niigata, Nhật Bản nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

Thống đốc tỉnh Niigata Hanazumi Hideyo nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có nhiều đóng góp cho quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản
Singapore đã bắt giữ và xét xử kẻ sát hại công dân người Việt

Singapore đã bắt giữ và xét xử kẻ sát hại công dân người Việt

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cập nhật một số thông tin liên quan đến vụ việc công dân người Việt bị sát hại tại Singapore.
Đại sứ quán Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ bảo hộ công dân tại Syria trong trường hợp khẩn cấp

Đại sứ quán Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ bảo hộ công dân tại Syria trong trường hợp khẩn cấp

Đại sứ quán Việt Nam tại Iran kiêm nhiệm Syria sáng 8/12 cảnh báo công dân Việt Nam không nên đến Syria vào thời điểm này.
Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023: Để chính sách song hành với thực tiễn bảo đảm quyền của người di cư

Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023: Để chính sách song hành với thực tiễn bảo đảm quyền của người di cư

Theo Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023 cho thấy những kết quả đạt được trong xây dựng hoàn thiện chính sách liên quan đến di cư.
Đại diện Phái đoàn IOM: Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023 phản ánh nỗ lực thúc đẩy di cư an toàn

Đại diện Phái đoàn IOM: Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023 phản ánh nỗ lực thúc đẩy di cư an toàn

Theo Quyền Trưởng đại diện Phái đoàn IOM, Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023 đã góp phần củng cố vị thế quốc gia đi đầu trong việc triển khai Thỏa thuận GCM.
Công bố Hồ sơ Di cư Việt Nam với nhiều nội dung mới lần đầu tiên được cập nhật

Công bố Hồ sơ Di cư Việt Nam với nhiều nội dung mới lần đầu tiên được cập nhật

Sáng ngày 29/10, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao Việt Nam phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tổ chức Hội thảo công bố Hồ sơ Di cư Việt Nam 2023.
Công dân Việt Nam tại Trung Đông cần chủ động tìm nơi trú ẩn

Công dân Việt Nam tại Trung Đông cần chủ động tìm nơi trú ẩn

Theo thông tin mới nhất từ cơ quan đại diện Việt Nam tại khu vực Trung Đông, các công dân Việt Nam hiện vẫn đang an toàn.
Tìm hiểu các nguyên tắc trong việc lựa chọn thực đơn chiêu đãi đối ngoại

Tìm hiểu các nguyên tắc trong việc lựa chọn thực đơn chiêu đãi đối ngoại

Chiều 22/3, đã diễn ra sinh hoạt chuyên đề với chủ đề 'Các nguyên tắc trong việc lựa chọn thực đơn chiêu đãi đối ngoại'.
Khám phá văn hóa giao tiếp của đất nước vạn đảo Indonesia (Phần 2)

Khám phá văn hóa giao tiếp của đất nước vạn đảo Indonesia (Phần 2)

Là một quốc gia Đông Nam Á, Indonesia gần gũi với Việt Nam, nhưng nước này có 86% dân số theo Hồi giáo tạo nên khác biệt trong văn hoá giao tiếp.
Khám phá văn hóa giao tiếp của đất nước vạn đảo Indonesia (Phần 1)

Khám phá văn hóa giao tiếp của đất nước vạn đảo Indonesia (Phần 1)

Là quốc gia Đông Nam Á nên Indonesia gần gũi với Việt Nam, nhưng 86% dân số nước này theo Hồi giáo tạo nên khác biệt trong văn hoá giao tiếp.
Những điều cần biết để không bỡ ngỡ khi đến xứ sở hoa tulip Hà Lan

Những điều cần biết để không bỡ ngỡ khi đến xứ sở hoa tulip Hà Lan

Khi gặp một người Hà Lan bất kì, thật khó để nhận xét về địa vị hay khả năng tài chính của họ thông qua vẻ bề ngoài...
Đôi điều cần biết về văn hóa giao tiếp ở Bỉ - 'trái tim của châu Âu'

Đôi điều cần biết về văn hóa giao tiếp ở Bỉ - 'trái tim của châu Âu'

Cùng khám phá đôi nét về văn hóa giao tiếp và con người Bỉ để hiểu rõ hơn về đất nước được coi là 'trái tim châu Âu' qua bài viết dưới đây!
Những nước nào có Ngày Quốc khánh trong tháng 12?

Những nước nào có Ngày Quốc khánh trong tháng 12?

Trong tháng 12 có 12 quốc gia kỷ niệm Ngày Quốc khánh, bao gồm Romania, Lào, UAE, Thái Lan, Phần Lan, Burkina Faso, Kenya, Bhutan, Niger, Qatar...
Phiên bản di động