Khách du lịch chụp ảnh bên các bức tượng đá nửa người tưởng niệm thảm họa núi bùn năm 2006, tại huyện Sidoarjo, Indonesia. (Nguồn: Reuters) |
Ngày 9/5/2006, núi lửa bùn Lusi bất ngờ phun trào tại một cánh đồng ở vùng dân cư đông đúc Sidoarjo của Indonesia khiến hàng trăm gia đình phải di dời, khoảng 10 người thiệt mạng và gây ra một thảm họa sinh thái kỳ lạ hàng đầu trong lịch sử. Theo thời gian, dòng bùn đã được kiểm soát trong phạm vi 1km2 quanh vùng đất bị phá hủy. Tới nay, núi lửa Lusi vẫn phun trào và bùn được dẫn dòng để chảy vào con sông Kali Porong gần đó.
Trên cánh đồng, bùn đã khô cạn, hàng trăm tác phẩm điêu khắc đá hình người được đặt cùng với tượng đài tưởng niệm thảm họa năm 2006. Trong số đó, đặc biệt nhất là bức tượng khổng lồ của Aburizal Bakrie – vị Tộc trưởng của dòng tộc Bakrie, được đặt ngay gần một ngôi mộ bằng đá khắc dòng chữ “Tổ quốc mãi không quên”.
Giờ đây, nơi này đã trở thành một điểm du lịch hấp dẫn ở Indonesia, nơi du khách có thể chứng kiến những hậu quả khắc nghiệt của thiên tai. “Tôi đã xem rất nhiều tin tức trên truyền hình nhưng khi được chứng kiến tận mắt, tôi vẫn bất ngờ với hậu quả mà thiên tai gây ra. Nếu đây là một điểm du lịch thì phải gọi nó là điểm du lịch bi thảm”, cô Wisnu Titik Kartiani, một du khách cho biết.
Ông Sumono, một người dân của ngôi làng thuộc huyện Sidoarjo, từng là công nhân nhà máy. Sau vụ phun trào, ông mất kế sinh nhai và hiện đang làm nghề xe ôm chở khách du lịch, bán video thiên tai để kiếm sống. “Cũng nhờ có khách đến tham quan mà chúng tôi có cơ hội để kiếm sống. Sau vụ thiên tai năm đó, kiếm được việc gì làm ra tiền là chúng tôi cũng mừng rồi”, ông Sumono tâm sự.
Theo Wahyu Sutopo - một quan chức của huyện Sidoarjo, Chính phủ Indonesia cũng đã hỗ trợ một phần chi phí cho các nạn nhân của vụ thảm họa. Tới nay, khoảng 90% nạn nhân đã nhận được các khoản hỗ trợ. Đồng thời, chính phủ của đảo quốc này cũng đang xem xét tìm cách để bảo tồn thiên tai như là một phần của lịch sử của Indonesia.
Thu Trang (theo Channel News Asia)