Việc tăng thuế dự kiến sẽ giúp Nga huy động được thêm khoảng 2,6 nghìn tỷ Ruble (29 tỷ USD) mỗi năm. (Nguồn: Moskva News Agency) |
Nga ghi nhận mức thâm hụt ngân sách tổng hợp khoảng 6,5 nghìn tỷ Ruble (73 tỷ USD) vào năm 2022 và 2023. Quốc gia này đã dự trù ngân sách cho khoản thiếu hụt 1,6 nghìn tỷ Ruble (18 tỷ USD) trong năm nay, tương đương khoảng 0,9% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Tổng thống Nga Putin lên kế hoạch tăng thuế đối với người giàu và doanh nghiệp khi chi phí tài trợ cho chiến dịch quân sự tại Ukraine ngày càng gia tăng và cần một nguồn thu bổ sung.
Bộ Tài chính Nga vừa đề xuất ngưỡng thuế lũy tiến mới dành cho những người có thu nhập cao nhất và tăng thuế doanh nghiệp. Hãng tin Interfax đưa tin, trích dẫn tính toán của Bộ Tài chính, những sửa đổi dự kiến sẽ giúp Moscow huy động được thêm khoảng 2,6 nghìn tỷ Ruble (29 tỷ USD) mỗi năm.
Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov cho biết trong một tuyên bố rằng, “Những thay đổi này nhằm mục đích xây dựng một hệ thống thuế công bằng và cân bằng”, đồng thời cho biết thêm, nguồn vốn bổ sung sẽ củng cố “sự thịnh vượng của kinh tế Nga”.
Các sửa đổi được đề xuất sẽ có hiệu lực từ năm 2025.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề nghị tăng thuế đối với các công ty và cá nhân giàu có ngay trước khi ông bắt đầu nhiệm kỳ thứ năm trong sự nghiệp chính trị - tiến một bước xa hơn khỏi mức thuế thu nhập cố định, vốn là nền tảng cho chính sách kinh tế của ông trong hai thập kỷ đầu nắm quyền.
Mức thuế thu nhập hiện nay là 13% đối với đa số người Nga, một số người có thu nhập cao hơn phải trả mức thuế 15%. Mức thu thuế cao nhất sẽ áp dụng cho thu nhập vượt quá 50 triệu Ruble (560.000 USD).
Còn theo mức thuế lũy tiến mới được đề xuất, người có thu nhập dưới 2,4 triệu Ruble sẽ chịu thuế suất 13%; 2,4 - 5 triệu đóng thuế 15%; 5 - 20 triệu Ruble chịu thuế 18%; từ trên 20 đến 40 triệu Ruble đóng thuế 20%. Mức cao nhất, có thu nhập trên 50 triệu Ruble chịu thuế 22%.
Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov khẳng định, "Đề xuất thuế lũy tiến này sẽ không ảnh hưởng đến đại đa số người dân". Những thay đổi này sẽ ảnh hưởng đến 2 triệu người và sẽ có những khoản giảm trừ cho các gia đình có từ hai con trở lên.
Việc tăng thuế cũng sẽ chỉ ảnh hưởng đến 3,2% lực lượng lao động Nga. Bởi lẽ mức thu nhập 2,4 triệu Ruble đã cao hơn khoảng 3 lần thu nhập trung bình cả nước, ông Siluanov cho biết.
Theo số liệu của công ty tư vấn Frank RG tại Nga, nước này có khoảng 4.000 người có tài sản trên 500 triệu Ruble (5 triệu USD) vào cuối 2023, tăng 60% so với 2022. Giới siêu giàu Nga nắm giữ khối tài sản 145 tỷ USD, tăng 62% so với 2022. Tuy nhiên, khoảng 60-65% tài sản của họ nằm ngoài đất nước.
Trong khi đó, thuế doanh nghiệp sẽ tăng từ 20% lên 25%, sẽ bổ sung khoảng 1,6 nghìn tỷ Ruble (18 tỷ USD) vào ngân sách vào năm 2025 và 11,1 nghìn tỷ Ruble (125,3 tỷ USD) vào năm 2030, theo Interfax.
Bộ Tài Chính Nga cho biết, thuế suất doanh nghiệp có thể tăng do tỷ lệ các công ty có lợi nhuận trong nền kinh tế đang tăng lên. Bộ này cam kết sẽ sử dụng tiền thuế thu thêm để hỗ trợ doanh nghiệp thông qua chi tiêu đầu tư và cơ sở hạ tầng. "Việc tăng thuế lên 25% tương đương như ở Trung Quốc và Iran".
Còn những người lính đang tham gia chiến dịch quân sự tại Ukraine sẽ được miễn trừ nộp thuế, theo Bộ Tài chính.
Để mức thuế mới có hiệu lực, đề xuất sẽ phải được quốc hội thông qua và sau đó được Tổng thống Vladimir Putin phê duyệt. Bộ Tài chính Nga cho biết, đề xuất này đã được nộp lên chính phủ và có thể sẽ được Hạ viện phê duyệt trước mùa Hè này.
Được biết, vào ngày 7/5, trong phát biểu nhậm chức nhiệm kỳ thứ 5, Tổng thống Putin đã gửi lời cảm ơn đến người dân Nga và khẳng định ưu tiên hàng đầu của ông là đảm bảo an ninh và lợi ích quốc gia, đảm bảo lợi ích của nhân dân Nga, bao gồm cả những cư dân trên "vùng đất lịch sử của Nga". Ông dường như đề cập đến 4 tỉnh Ukraine đã sáp nhập vào Nga cuối năm 2022.
"Chúng ta sẽ tự quyết định vận mệnh của nước Nga, vì thế hệ ngày nay và những thế hệ trong tương lai. Tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay và trở nên ngày càng mạnh mẽ. Tôi cam kết rằng lợi ích và an toàn của người dân Nga sẽ luôn là ưu tiên cao nhất", Tổng thống Putin phát biểu.
Năm 2023, kinh tế Nga có tốc độ tăng trưởng ấn tượng được thúc đẩy nhờ chi tiêu nhà nước kỷ lục 32 nghìn tỷ Ryble (346 tỷ USD), phần lớn trong số đó dành cho quốc phòng. Sản lượng công nghiệp tăng 3,6%; sản xuất tăng trưởng ở mức 7,5% và sản xuất liên quan đến quân sự tăng trưởng ở mức hai con số.
Năm 2024, chi tiêu dự báo sẽ tiếp tục tăng, dự kiến là 36,5 nghìn tỷ Ruble (395 tỷ USD), hơn một phần ba trong số đó sẽ dành cho lĩnh vực quốc phòng và các khoản thanh toán khác nhau cho chiến dịch quân sự.
Việc đặt nền kinh tế trong tình trạng xung đột quân sự đã khiến sản xuất công nghiệp và chỉ số PMI (chỉ số kinh tế được sử dụng để đo lường hoạt động trong ngành sản xuất và dịch vụ) tăng vọt. Lĩnh vực sản xuất, được đánh dấu bằng mức tăng trưởng mạnh mẽ 9,5% trong tháng 10 năm ngoái, tiếp tục được thúc đẩy bởi “hoạt động quân sự đặc biệt”, góp phần mở rộng các ngành công nghiệp như kỹ thuật, hóa học và luyện kim.
Hoạt động đầu tư cũng tăng vượt kỳ vọng, ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 13,3%. Tỷ lệ thất nghiệp của Nga thấp nhất mọi thời đại, ở mức 2,9% và tỷ lệ người Nga sống dưới mức nghèo khổ giảm xuống còn 9,8%.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov mới đây cũng cho biết, chi tiêu cho Bộ Quốc phòng Nga và lĩnh vực an ninh của nước này đang tiếp tục tăng lên, có thể chiếm 6,7% GDP - gần các mức ghi nhận vào thời Liên Xô ở giai đoạn cao điểm chiến tranh lạnh những năm 1980.
Về mặt kinh tế, Nga đang phải đối mặt với ba thách thức: Thứ nhất, chi ngân sách cho cuộc xung đột ở Ukraine; Thứ hai, duy trì mức sống của công dân Nga; và thứ ba, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo bà Alexandra Prokopenko, học giả không thường trú tại Trung tâm Á-Âu Carnegie Nga và nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu Đông Âu và quốc tế, việc đạt được mục tiêu thứ nhất và thứ hai sẽ đòi hỏi chi tiêu cao hơn, điều này sẽ thúc đẩy lạm phát và do đó cản trở việc đạt được mục tiêu thứ ba. Nếu xung đột quân sự Nga-Ukraine kết thúc trong vòng hai năm tới thì nền kinh tế Nga có đủ điều kiện để phục hồi nhanh chóng. Tuy nhiên, về lâu dài, các biện pháp trừng phạt vẫn được áp dụng trong tương lai gần sẽ khiến kinh tế nước này rơi vào tình trạng trì trệ.