Tân Phú Tây là một trong những cái nôi của phong trào cách mạng tỉnh Bến Tre, thuộc vùng căn cứ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong những năm tháng kháng chiến Tân Phú Tây được chọn là căn cứ Khu ủy Sài Gòn-Gia Định (Y4), chịu cảnh “bom cày, đạn xới,” là điểm đánh phá ác liệt của địch.
Sau khi đất nước thống nhất, phát huy truyền thống quê hương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tân Phú Tây đã từng bước hàn gắn vết thương chiến tranh để ổn định đời sống người dân, phát triển kinh tế, với quyết tâm thực hiện thành công cuộc "Đồng khởi mới" trong xây dựng, kiến thiết quê hương. Năm 2000, nhân dân và Lực lượng vũ trang nhân dân xã Tân Phú Tây đã được Chủ tịch nước tặng danh hiệu "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân".
Một góc hầm nổi, nơi làm việc của đồng chí Võ Văn Kiệt trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Mỹ. |
Tân Phú Tây có diện tích tự nhiên 965ha, trong đó có 852ha đất sản xuất nông nghiệp. Là một xã thuần nông, người dân ở đây chủ yếu trồng trọt và chăn nuôi với loại cây trồng chủ lực là bưởi da xanh, dừa; chăn nuôi lợn, gà...
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tân Phú Tây Trần Thị Lâm Duyên, thời gian qua, địa phương chú trọng tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tập trung chuyển đổi các loại cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang cây trồng, vật nuôi khác có hiệu quả hơn. Với chủ trương đó, xã từng bước định hình các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực phù hợp với điều kiện chuyển đổi của địa phương; đồng thời khuyến khích người dân áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đến nay, toàn xã có hơn 615ha dừa và gần 225ha cây ăn quả các loại . Ngoài trồng trọt, phong trào chăn nuôi gia súc, gia cầm ở Tân Phú Tây những năm gần đây cũng phát triển khá mạnh, với tổng đàn bò gần 400 con, đàn lợn 15.670 con, đàn dê 770 con và 177.000 con gia cầm.
Trong sản xuất, xã Tân Phú Tây mạnh dạn phát triển rộng rãi các mô hình kinh tế có hiệu quả nhằm tăng thu nhập cho người dân như: Mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học, mô hình bó chổi cọng dừa, mô hình sản xuất bánh phòng chuối, may gia công...
Tại địa phương đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất tập thể thông qua các tổ hợp tác, hợp tác xã kiểu mới như tổ hợp tác chăn nuôi gà thả vườn ở ấp Tân Thuận Ngoài; tổ hợp tác cam sành ấp Tân Lợi; tổ hợp tác nuôi dê sinh sản...
Đến nay, các mô hình sản xuất bước đầu mang lại thành công, từ đó dần thay đổi thói quen sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, đồng thời người dân có điều kiện liên kết, giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong sản xuất nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập và thoát nghèo bền vững.
Bên cạnh đó, xã đã tập trung huy động các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng, thực hiện các công trình, dự án kiên cố hóa trường lớp, y tế và giao thông nông thôn, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên đáng kể. Nhờ vậy, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã Tân Phú Tây từ 8,04% năm 2015, giảm xuống còn 4,9 % hiện nay; thu nhập bình quân đầu người đạt 35,32 triệu đồng/người/năm; hộ giàu chiếm 40,03%, hộ khá chiếm 32,47%.
Theo bà Trần Thị Lâm Duyên, đổi thay rõ nét nhất của địa phương là kinh tế ngày càng đi lên, kết cấu hạ tầng được xây dựng tương đối hoàn chỉnh, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên. Hơn ai hết, người dân địa phương là những người cảm nhận rõ rệt nhất về sự thay da đổi thịt của quê hương mình.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Bí thư Chi bộ kiêm trưởng ấp Tân Thạnh chia sẻ: “Trước đây, việc đi lại của người dân rất khó khăn, từ ngày xã xây dựng nông thôn mới, các con đường liên ấp được bê tông hóa, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân được dễ dàng, thuận tiện hơn. Việc học hành của con em trong xã cũng tốt hơn trước rất nhiều.”
Đặc biệt, nhờ sự nỗ lực, sáng tạo trong lao động, sản xuất và ý thức vươn lên của từng gia đình, cùng với sự đoàn kết một lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, xã Tân Phú Tây đã tạo được động lực mạnh mẽ để có thể chuyển mình ngoạn mục, mà bước tiến đầu tiên là xây dựng thành công xã nông thôn mới vào năm 2016. Đây là xã thứ hai của huyện Mỏ Cày Bắc được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Để thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia và được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, đến nay xã Tân Phú Tây đã huy động tổng nguồn lực hơn 141 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp hơn 63,2 tỷ đồng. Nhiều hộ dân trong xã còn hiến hơn 60.000m2 đất, 357 cây dừa để xây dựng, mở rộng các tuyến đường giao thông, chỉnh trang nhà cửa và các công trình công cộng khác trên địa bàn.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tân Phú Tây Trần Thị Lâm Duyên cho hay để tiếp tục đưa kinh tế của xã phát triển hơn nữa, thời gian tới, Tân Phú Tây tiếp tục thực hiện tốt kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xác định nông nghiệp là chủ yếu của địa phương, đồng thời giữ vững và nâng chất các tiêu chí đạt được trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Ngoài ra, xã Tân Phú Tây tìm giải pháp phát triển sản xuất phù hợp, tạo sinh kế bền vững và nâng cao thu nhập cho người dân, thông qua tổ chức lại sản xuất, liên kết, hợp tác, nhân rộng các mô hình có hiệu quả trong nông nghiệp. Đồng thời, địa phương đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, từng bước hình thành chuỗi giá trị; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, nhất là cải tạo các vườn dừa, vườn tạp kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế, thích ứng với biến đổi khí hậu và thổ nhưỡng của vùng.
Về lâu dài, địa phương thu hút, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp để trở thành địa phương đi đầu trong phát triển công nghiệp của huyện Mỏ Cày Bắc; đồng thời tổ chức lại khu dân cư, hình thành cơ cấu lao động mới theo hướng tăng dần lao động công nghiệp, dịch vụ và giảm tỷ lệ lao động trong nông nghiệp, góp phần thúc đẩy quá trình đô thị hóa tại địa phương, xây dựng Tân Phú Tây ngày càng trù phú, ấm no.