Đến Ấn Độ, ngoài Bồ Đề Đạo Tràng - Bodh Gaya, du khách Việt Nam khó có thể bỏ qua chuyến du lịch đến Varanasi, nơi được coi là vùng đất thánh của các tín đồ Hindu giáo và Phật giáo để được chiêm ngưỡng khúc sông Hằng đặc biệt.
Theo quan niệm của đạo Hindu, được tắm trên dòng Hằng sẽ giúp rửa sạch tội lỗi và được chết ở sông Hằng sẽ giúp thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử. Bên bờ sông Hằng, Manikarnika Ghat ở Varanasi cũng chính là nơi hỏa thiêu thiêng liêng nơi đất thánh, một điểm du lịch thu hút du khách.
Theo tư vấn của hướng dẫn viên du lịch người địa phương, đoàn chúng tôi chọn đi thuyền trên sông với giá 200 Rupee (70.000 đồng) một người để du ngoạn cảnh sông Hằng và tận mắt chứng kiến nghi lễ hỏa thiêu độc đáo của người Ấn Độ.
Đoàn du khách Việt Nam mua chim bồ câu thả phóng sinh, cầu phước lành trước khi tận hưởng vẻ đẹp và chứng kiến nghi lễ hỏa thiêu trên dòng sống Hằng huyền thoại này.
Một thi thể vừa được hỏa thiêu xong, đội thiêu xác nghỉ ngơi trước khi bắt đầu thiêu một thi thể khác đã được chuẩn bị xong bên cạnh. Chi phí thiêu xác tùy theo cách và từng địa điểm. Thiêu bằng lò điện là có giá rẻ nhất. Giá thiêu xác bằng củi sẽ đắt hơn nhiều và địa điểm càng gần sông càng đắt. trung bình là 100.000 – 1.200.000 Rupee (khoảng 36 – 40 triệu đồng), bao gồm củi lửa và thầy cúng làm các thủ tục để đưa người chết về miền cực lạc.
Chiếc thuyền đang đưa củi vào khu hỏa thiêu bên sông. Giá củi ngày càng đắt đỏ hơn, kéo theo giá thành hỏa thiêu bằng gỗ ngày một tăng. Loại gỗ được sử dụng trong nghi lễ thiêu xác là gỗ trầm hoặc đàn hương, hai loại gỗ có mùi thơm khi đốt cháy.
Người điều khiển tàu trên sông Hằng cho biết: “Hằng ngày, có khoảng 240 người được hoả táng rồi rắc tro xuống dòng sông huyền thoại này".
Bên cạnh dòng sông là đền Scindia Ghat, phía dưới là nơi mọi người thường tắm theo truyền thống của đạo Hindu.
Các thành viên của đoàn du khách phóng sinh chim bồ câu.
Bé gái bán hoa và nến hoa đăng cho du khách trên sông Hằng.
Nghi thức thả hoa đăng để cầu một năm mới tốt lành.
Các gia đình quyền quý của Ấn Độ cũng thường lui tới nơi này để hành lễ.
Tác giả cùng các tín đồ Phật giáo bên khúc sông Hằng linh thiêng, nơi được coi là vùng đất thánh của các tín đồ Hindu giáo và Phật Giáo.