📞

Tháng Hành động vì trẻ em: Thu hút trẻ em vui hè trong thư viện

10:32 | 23/06/2018
Vào mùa hè, các bậc phụ huynh lại lo lắng việc trông nom con em trong khi bận đi làm. Nắm bắt được tâm lý ấy, hệ thống thư viện công cộng trên cả nước đã tích cực đổi mới để thu hút thế hệ trẻ, tạo sân chơi lành mạnh cho các em vào dịp hè.  

Hệ thống thư viện công cộng là thiết chế quan trọng để triển khai văn hóa đọc, góp phần xây dựng xã hội học tập theo tinh thần Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ giai đoạn 2014-2020” (ban hành theo Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 27/01/2014) và Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” (ban hành theo Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15/3/2017).

Đổi mới không gian đọc cho thiếu nhi

Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Thư viện công cộng hiện đang là hệ thống chủ yếu đảm bảo thực hiện, cung cấp dịch vụ thư viện cho người dân, phối hợp trao đổi tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ với các thư viện khác trên địa bàn. Trong những năm qua, thư viện công cộng ở địa phương phối hợp với thư viện các trường phổ thông, cơ sở giáo dục, cung văn hóa thiếu nhi, nhà văn hóa thiếu nhi xây dựng tài liệu phù hợp với khả năng, tâm sinh lý, lứa tuổi trẻ em, tổ chức phòng đọc, mượn tài liệu dành riêng cho trẻ em. Đến nay, 100% thư viện tỉnh đã có bộ phận riêng phục vụ thiếu nhi.

Ngay từ đầu quý II/2018, các hoạt động phục vụ thiếu nhi đến thư viện dịp hè đã được các thư viện địa phương chuẩn bị sẵn sàng. 63/63 thư viện tỉnh, thành củng cố cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp với bạn đọc nhí, bố trí cán bộ có kinh nghiệm và kỹ năng phục vụ thiếu nhi.

100% thư viện tỉnh đã có bộ phận riêng phục vụ thiếu nhi. (Nguồn: Thư viện Nam Định)

Các phòng đọc dành cho thiếu nhi đã ở nhiều thư viện được nâng cấp sửa chữa, hướng tới mô hình hiện đại, thân thiện. Phòng đọc được thiết kế với không gian mở, không vách ngăn, tận dụng ánh sáng tự nhiên, trang trí nhiều hình ảnh, màu sắc sinh động. Nhiều thư viện xây dựng không gian đa chức năng - có không gian nghe nhạc, phòng chiếu phim để thiếu nhi có thể đọc, nghe, xem và chơi, từ đó kích thích sự sáng tạo, tinh thần ham học của trẻ như Thư viện Quốc gia Việt Nam, Thư viện tỉnh Phú Thọ, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thư viện Khoa học tổng hợp thành phố Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh…

Nhiều thư viện đơn giản hóa thủ tục cấp thẻ và thay đổi phương thức cấp thẻ cho bạn đọc, cho phép đăng ký thẻ trực tuyến qua website thư viện tỉnh, thành phố như: Thư viện Hà Nội, Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Thư viện các tỉnh Yên Bái, Quảng Ninh, Đồng Tháp, Cà Mau…

Đa dạng hóa hoạt động

Ngoài các hoạt động truyền thống như: đọc tại chỗ; mượn về nhà; tra cứu các cơ sở dữ liệu điện tử, truy cập Internet, các thư viện còn tổ chức nhiều sinh hoạt chuyên đề, hoạt động hướng dẫn, trang bị kỹ năng cho thiếu nhi. Có thể kể đến hoạt động hướng dẫn kỹ năng sử dụng máy tính và các phần mềm thông dụng, tra cứu thông tin; hướng dẫn kỹ năng, phương pháp đọc sách, báo phục vụ học tập, nghiên cứu và giải trí. Ngoài ra, các thư viện còn có sinh hoạt câu lạc bộ bạn đọc theo chủ đề, câu lạc bộ đọc sách cùng em; tọa đàm, giới thiệu sách, cuộc thi lựa chọn đại sứ văn hóa đọc, viết cảm nhận… phù hợp với lứa tuổi.

Nhiều thư viện có không gian để thiếu nhi có thể đọc, nghe, xem và chơi. (Nguồn: aFamily)

Các thư viện tổ chức nhiều hoạt động triển lãm sách mới, triển lãm chuyên đề; tọa đàm chuyên đề, giao lưu văn hóa, văn nghệ, cùng các trải nghiệm thú vị. Điển hình là chương trình “Hè vui cùng Câu lạc bộ khoa học ứng dụng-STEM” của Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng; các hoạt động phát triển năng khiếu “Tập làm họa sĩ”, “Nhà hùng biện tý hon”, “Tập làm ca sĩ”, “Rung chuông vàng”, “Đại sứ văn hóa đọc Thủ đô” của Thư viện Hà Nội, Thư viện tỉnh Điện Biên, Bình Dương. Các thư viện tỉnh Hải Dương, Quảng Bình, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Tháp… tổ chức cho các em kể chuyện sách, vẽ tranh theo sách; Câu lạc bộ tiếng Anh, làm sản phẩm thủ công diễn ra tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, Thư viện Hà Nội, Thư viện Khoa học tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Thư viện tỉnh Quảng Ninh, Bình Dương...

Nhiều thư viện phát động chương trình thi kể chuyện theo sách thường niên ngay từ đầu hè với các chủ đề “Cùng đọc sách hay, hè vui khám phá”, “Hè vui cùng sách”, “Hè vui đọc sách - Thắp sáng ước mơ”, “Hè vui cùng thư viện”… Nhiều tỉnh, thành phố gắn cuộc thi với các sự kiện của địa phương “Thiếu nhi Thủ đô làm theo 5 điều Bác Hồ dạy” (Thư viện Hà Nội); “Danh nhân Ninh Bình” Kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt (Thư viện tỉnh Ninh Bình), “Chúng em kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” (Thư viện tỉnh Sơn La), “Sách - trường học và gia đình” (Thư viện tỉnh Quảng Ninh)...

Thư viện lưu động cũng là một hướng đi mới trong việc đổi mới phương thức phục vụ thiếu nhi dịp hè. Từ những chuyến xe thư viện lưu động đa phương tiện, sách đã đến gần hơn với bạn đọc nhỏ tuổi, đặc biệt là thiếu nhi vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn khi điều kiện được tiếp cận sách, báo chưa nhiều.

Công tác luân chuyển sách, báo từ thư viện tỉnh/thành về các thư viện quận, huyện, phòng đọc sách xã cũng được các thư viện tỉnh, thành phố tăng cường triển. Mỗi xe thư viện lưu động có hơn 3.000 cuốn sách, máy tính sách tay và máy chủ, máy chiếu, vô tuyến, tài liệu điện tử, sách nói, thiết bị phục vụ người khiếm thị. Xe thư viện lưu động không chỉ mang kiến thức, công nghệ thông tin mà còn mang cả niềm vui, niềm hy vọng đến với các em.

Hệ thống thư viện công cộng đang đóng góp tích cực vào việc hình thành thói quen đọc sách cho trẻ em ngay từ lứa tuổi sớm nhất. Đến thư viện đọc sách, trải nghiệm các hoạt động góp phần  hỗ trợ việc học cho các lứa tuổi học sinh ở các cấp độ khác nhau, nâng cao sự sáng tạo ở trẻ em và thanh thiếu niên. Trong dịp hè, thư viện công cộng với nhiều tiện tích thực sự là lựa chọn tốt cho trẻ em.

(theo TTXVN)