📞

Tháng Năm trên quê hương Bác

QUỲNH ANH 18:00 | 20/05/2022
Vào tháng Năm, mọi nẻo đường về quê Bác dường như nhộn nhịp hơn bởi những chuyến đi ghé về miền tuổi thơ của Người và được hoà chung vào Lễ hội Làng Sen.
Triển lãm ảnh “Đời sen” của nhiếp ảnh gia Trần Bích. (Ảnh: Quỳnh Anh)

Từ một phong trào ca hát về Bác Hồ, về Tổ quốc, về Đảng ra đời năm 1981, Liên hoan Tiếng hát Làng Sen đã được nâng lên thành Lễ hội Làng Sen với quy mô cấp tỉnh và toàn quốc vào dịp sinh nhật Bác năm 2002.

Sau hơn 40 năm, những giá trị tinh thần mà Lễ hội Làng Sen tạo ra có ý nghĩa chính trị, văn hóa, xã hội to lớn, đóng góp sâu sắc vào bảo tồn và tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh.

Sức sống từ lễ hội đặc biệt

Lễ hội Làng Sen ngày càng trở thành một truyền thống văn hóa có sức lan tỏa, quy tụ được lực lượng quần chúng, các tổ chức xã hội và đông đảo các tầng lớp nhân dân mọi miền đất nước tham gia và hưởng thụ các giá trị văn hóa.

Theo ông Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, Lễ hội Làng Sen năm 2022 có ý nghĩa hết sức đặc biệt bởi được tổ chức sau hai năm gián đoạn vì dịch Covid-19. Các chương trình được chuẩn bị công phu, chu đáo, thể hiện lòng biết ơn, thành kính của nhân dân Nghệ An nói riêng và nhân dân cả nước nói chung đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Diễn ra từ ngày 14-28/5, chuỗi hoạt động được tổ chức với quy mô lớn, phong phú cùng sự tham gia chủ trì, phối hợp của nhiều cơ quan, đơn vị, cá nhân trong cả nước.

Bà Trần Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An cho biết, có tới 10 chương trình nghệ thuật văn hóa diễn ra trong khuôn khổ chương trình Lễ hội Làng Sen năm nay như Người Mẹ Làng Sen, Tiếng hát Làng Sen, Cuộc thi Sắc Sen xứ Nghệ…

Đặc biệt, Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc năm 2022 sẽ được tổ chức tại Nhà hát Dân ca Nghệ An (Vinh) và biểu diễn tại các huyện Nam Đàn, Yên Thành và thị xã Cửa Lò từ ngày 17-28/5. Theo Ban tổ chức sẽ có 250 diễn viên của 11 đơn vị với 16 vở diễn tham gia tại liên hoan lần đầu tiên này.

Tôn vinh hình tượng sen

Là hoạt động nổi bật trong khuôn khổ Lễ hội Làng Sen, mới đây, chương trình nghệ thuật Người Mẹ Làng Sen đã được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An tổ chức.

Chương trình diễn ra trang trọng tại Quảng trường Hồ Chí Minh, thành phố Vinh, khắc họa ý nghĩa nhân văn cao quý của hình tượng hoa sen gắn liền với hình tượng người mẹ Hoàng Thị Loan - thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lớn lên ở vùng đất của những làn điệu dân ca, hát ví trữ tình và giàu ý nghĩa nhân văn, được nuôi dạy trong một gia đình gia giáo, bà Hoàng Thị Loan - con gái đầu của thầy đồ nho Hoàng Đường, là người phụ nữ thông minh, nhân hậu, giỏi giang, không ngại nghèo khó, nên duyên với chàng trai mồ côi nghèo ham học Nguyễn Sinh Sắc.

Khu Di tích Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An. (Nguồn: Khu Di tích Kim Liên)

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được sinh ra, nuôi dưỡng trong tình yêu thương, sự dạy dỗ của đấng sinh thành, nhất là từ người mẹ - người phụ nữ đảm đang, chung thủy, hy sinh vì chồng, vì con. Bà đã truyền cho cậu bé Nguyễn Sinh Cung những bài học làm người đầu tiên, nuôi dưỡng trong cậu một tâm hồn đẹp, góp phần quan trọng tạo nên nhân cách Hồ Chí Minh.

Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga, chương trình là lời tri ân sâu sắc đối với thân mẫu của Người. Đây cũng là hoạt động cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII về “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới” trên nền những giá trị văn hóa truyền thống.

Bà Hà Thị Nga chia sẻ: “Cuộc đời Mẹ Hoàng Thị Loan giản dị, thanh khiết như đóa sen đời, vượt lên bao gian khó vẫn kết hoa, khoe sắc, ngát hương thơm. Bởi vậy, Người Mẹ Làng Sen là hình ảnh tượng trưng cho những bà mẹ Việt Nam trên khắp mọi miền Tổ quốc đã và đang cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Dịp này, triển lãm ảnh Đời sen đầy tâm huyết của nhà nhiếp ảnh Trần Bích cũng được trưng bày tại đền thờ Trung Sơn (xã Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An) và Quảng trường Hồ Chí Minh.

Các tác phẩm ảnh được trưng bày tại triển lãm có nội dung về hoa sen – vẻ đẹp vừa thanh cao vừa giản dị, ở môi trường nào cũng vươn lên, khẳng định sức sống mãnh liệt. Triển lãm được công chúng đánh giá cao về chất lượng nội dung và nghệ thuật. Cũng lấy cảm hứng từ sen, Lễ hội áo dài Sen do Sở Văn hóa - Thể thao TP. Hồ Chí Minh tổ chức vào ngày 18/5 trình diễn các bộ sưu tập áo dài độc đáo do nhiều nhà thiết kế nổi tiếng thực hiện, là món quà đặc biệt mà thành phố mang tên Bác gửi tặng người dân quê Bác.

Điểm hẹn Kim Liên, Nam Đàn

Những ngày này, trong không khí của bối cảnh bình thường mới, hàng nghìn người dân trên khắp cả nước đã đến thăm quê Bác trong dịp sinh nhật lần thứ 132 của Người.

Về thăm Khu di tích lịch sử Kim Liên, du khách được tham quan không gian một làng Việt cổ bình yên, dân dã, tận mắt chứng kiến ngôi nhà nhỏ cùng những kỷ vật gắn bó suốt thời niên thiếu của Bác Hồ.

Du khách cũng được chiêm ngưỡng các không gian kiến trúc mới như khu hành lễ, nhà lưu trữ và trưng bày các tài liệu, hiện vật liên quan đến cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bà Phạm Thị Lan (quê Hà Nam) cho biết, lần đầu bà đến Kim Liên là những năm còn học sinh, đi theo đoàn của nhà trường. Sau này lập gia đình, hầu như năm nào bà Lan cũng cùng con cháu về thăm quê Bác dịp sinh nhật của Người.

Huyện Nam Đàn kỳ vọng trong thời gian diễn ra Lễ hội Làng Sen sẽ đón lượng khách tương đương hoặc đông hơn dịp 30/4-1/5 vừa qua (khoảng 54.000 người).

Để đạt mục tiêu đó, huyện đã xây dựng hệ thống kết nối giao thông hoàn chỉnh giữa các điểm di tích rất thuận lợi cho du khách từ Cửa Lò-thành phố Vinh đến Nam Đàn, từ Kim Liên sang đền Chung Sơn lên chùa Đại Tuệ về khu di tích vua Mai, khu lưu niệm quốc gia đặc biệt chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu, khu di tích đặc biệt quốc gia về kiến trúc nghệ thuật của đình Hoành Sơn.

Coi đây là dịp khởi động lại du lịch Nam Đàn sau đại dịch Covid-19, ông Vương Hồng Thái-Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn cho biết, huyện đã chỉ đạo các ngành phối hợp thật tốt công tác phục vụ, vệ sinh môi trường xanh-sạch-đẹp và đảm bảo an ninh trật tự tại lối vào các khu di tích.

Trong thời gian diễn ra Lễ hội Làng Sen, huyện Nam Đàn tăng cường kiểm tra chặt chẽ về an toàn thực phẩm, tuyên truyền người dân thực hiện nếp sống văn minh trong bán hàng, thể hiện thái độ thân thiện nghĩa tình mến khách.

Điểm nổi bật năm nay là Nam Đàn rất quan tâm đến du lịch trang trại sinh thái trải nghiệm với nhiều điểm thu hút du khách như Eo gió, thung Pheo, trang trại sinh thái xã Nam Nghĩa, các homestay tại Kim Liên và một số điểm du lịch trải nghiệm khác cùng các vùng hồ đập có cảnh đẹp để du khách nghỉ ngơi cắm trại.

Ông Vương Hồng Thái cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi đang xây dựng các thương hiệu, phục vụ tốt cho du lịch như các sản phẩm đặc sắc về sen, sắn dây, chanh, ẩm thực Nam Đàn... để thu hút thêm nhiều du khách về quê Bác”.