📞

Thanh niên hành động thực hiện chuyển đổi số Quốc gia

Diệu Linh 22:19 | 31/12/2022
Công cuộc chuyển đổi số quốc gia là việc cần, việc khó mà đoàn viên, thanh niên phải là lực lượng xung phong đi đầu.
Đoàn viên, thanh niên là một trong những lực lượng quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia. (Nguồn: Vinaphone)

Mới đây, trong khuôn khổ Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, nội dung chuyển đổi số quốc gia đã được đưa ra bàn luận rất sôi nổi.

Trích Báo cáo Đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam công bố ngày 21/4/2022 của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư và Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures, theo Thạc sĩ Vũ Trí Tuấn, giảng viên khoa Khoa học Quản lý, Bí thư Đoàn trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, năm 2021, các startup Việt Nam huy động được hơn 1,4 tỷ USD, đứng thứ ba Đông Nam Á.

Việt Nam có 4 “kỳ lân” bao gồm VNG, VNLife, MoMo và Sky Mavis. Trong đó, VNG là kỳ lân công nghệ đầu tiên của Việt Nam bắt đầu với việc phát hành trò chơi trực tuyến.

Trong khi đó, VNPay của VNLife trở thành kỳ lân thứ 2 với khoản đầu tư 300 triệu USD từ GIC Singapore và Softbank của Nhật. Momo trở thành kỳ lân sau vòng series E cuối năm 2021 sau khi Mizuho Bank cùng nhóm các nhà đầu tư quốc tế đầu tư 200 triệu USD vào startup này. Và Sky Mavis với tựa game NFT chạy trên nền tảng blockchain Axie Infinity với 2,6 triệu người chơi là “kỳ lân” thứ 4.

Với 1 số thành tựu kể trên ở Việt Nam, và từ kinh nghiệm chuyển đổi số quốc gia của các nước trên thế giới, chúng ta có thể thấy chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu của Việt Nam. Chính vì vậy “Chuyển đổi số” là một trong những nội dung lớn được nhấn mạnh nhiều lần trong Nghị quyết Đại hội XIII. Theo đó, "đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số” là một trong những nội dung về Định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 và “Thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số” là một trong những nội dung thuộc Nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII.

Ban Chấp hành Trung ương (BCH TW) Đảng vừa ban hành Nghị quyết 29 về tiếp tục đẩy mạnh Công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ sẽ rút ngắn quá trình Công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở nước ta. Và đến năm 2030, tỉ trọng kinh tế số sẽ đạt khoảng 30% GDP.

Đại hội XIII của Đảng cũng đã xác định nội dung của chuyển đổi số quốc gia trong những năm tới là: “Công nghệ số sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số; làm thay đổi phương thức quản lý nhà nước, mô hình sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đời sống văn hóa, xã hội”. Như vậy, chuyển đổi số quốc gia được thực hiện trên ba phương diện cơ bản là (1) Xã hội số, (2) Kinh tế số và (3) Chính phủ số.

Với tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, tổ chức tập hợp của các lực lượng trẻ ở nhiều lĩnh vực, nhiều ngành nghề sẽ có những đóng góp là mũi nhọn vào công cuộc chuyển đổi số quốc gia ở các phương diện cụ thể như sau:

Đoàn viên là sinh viên là lực lượng đã và đang đóng góp trực tiếp vào phương diện Kinh tế số và xã hội số. Sinh viên có thể coi là lực lương tri thức trẻ, đang đi đầu trong các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo về chuyển đổi số trong các lĩnh vực đời sống, gắn với các cơ chế chính sách hỗ trợ ươm tạo ngay từ các cơ sở giáo dục và các chương trình đầu tư mạo hiểm để tạo ra thêm những “kỳ lân công nghệ”.

Kinh tế số là hoạt động kinh tế sử dụng công nghệ số và dữ liệu số làm yếu tố đầu vào chính, sử dụng môi trường số làm không gian hoạt động chính, sử dụng công nghệ thông tin - viễn thông để tăng năng suất lao động, đổi mới mô hình kinh doanh và tối ưu hóa cấu trúc nền kinh tế.

Đoàn viên là thanh niên công chức, viên chức đã và đang đẩy mạnh phát triển xã hội số và đặc biệt là đầy mạnh các cơ sở dữ liệu tạo nền tảng cho chính phủ số được đẩy mạnh triển khai, đây là điều kiện tiên quyết để triển khai chính phủ số.

Song hành là Đoàn viên thanh niên trong lực lượng vũ trang thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu VNeID đảm bảo “đúng-đủ-sạch-sống” liên thông với các cơ sở dữ liệu khác, trong đó có cơ sở dữ liệu của chính bản thân tổ chức đoàn (như App Thanh niên, ứng dụng Sinh viên Việt Nam…) sẽ tạo điều kiện để triển khai Chính phủ số và mở ra cánh cửa cho các dịch vụ công trực tuyến được sử dụng hiệu quả thực sự, đảm bảo hiệu quả, minh bạch; đồng thời cho phép các dịch vụ giá trị gia tăng của các đối tác công – tư được cung cấp trên nền tảng dữ liệu chung, làm tăng tỉ lệ người dùng sử dụng các dịch vụ thường xuyên và làm “giàu” dữ liệu hơn nữa. Đây cũng là điều kiện cho một xã hội số đích thực được hình thành với nhiều tiện ích về giáo dục, y tế, bảo hiểm… được cung cấp cho người dân, trong đó có thanh niên.

Với Đoàn viên thanh niên đang hoạt động trong các doanh nghiệp, có thể thấy rằng tiềm năng lớn nhất cho lực lượng này đóng góp vào phát triển kinh tế số, hoàn thiện xã hội số chính là việc đẩy mạnh hỗ trợ người dân tiếp cận với thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt, với những tác động tích cực trực tiếp lên các lĩnh vực kinh tế số có tốc độ phát triển cao nhất trong thời gian ngắn – trung hạn.

Với mạng lưới phủ khắp toàn quốc và một tổ chức thống nhất với năng lực thực thi từ trung ương tới địa phương, tổ chức Đoàn hoàn toàn có khả năng hợp tác với các Ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng để phát triển các mô hình ngân hàng số, mở rộng quy mô tập khách hàng trẻ để hỗ trợ các mô hình tài chính toàn diện; cũng như phối hợp với các doanh nghiệp Nhà nước lẫn tư nhân như Viettel, VNPost, Mobifone, FPT… nhằm hỗ trợ tiêu thụ nông sản nói riêng và các sản phẩm Made in Vietnam nói chung trên các nền tảng thương mại điện tử trực tuyến nội địa.

Chuyển đổi số giúp ngành nông nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp - (Nguồn: Báo Tài nguyên và môi trường)

Đối với Đoàn viên thanh niên khối nông thôn, việc áp dụng những ứng dụng đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số vào xây dựng nông thôn mới với các hoạt động cụ thể như phát triển nông nghiệp số, quảng bá các sản phầm OCOP… là các thế mạnh của lực lượng này đóng góp và phát triển phương diện kinh tế số và xã hội số.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã từng dặn dò “Thanh niên phải là những người xung phong đi đầu trong thực hiện chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; phải là những người đầu tiên, tích cực nhất trong hội nhập sâu rộng với thế giới".

Công cuộc chuyển đổi số quốc gia là việc cần, việc khó mà đoàn viên, thanh niên phải là lực lượng xung phong đi đầu. Để có xã hội số, chính phủ số, chúng ta phải có các tổ chức đoàn số. Để có công dân số, công dân đám mây, chúng ta phải có đoàn viên số.