📞

Thanh niên mũ nồi xanh Việt Nam: Mang hình ảnh ‘Bộ đội cụ Hồ’ hội nhập quốc tế

Diệu Linh 06:51 | 27/03/2023
Với tinh thần không ngại khó khăn, nguy hiểm, các chiến sĩ trẻ mũ nồi xanh Việt Nam luôn được lãnh đạo Liên hợp quốc, chỉ huy các Phái bộ, đồng nghiệp quốc tế đánh giá cao, và được người dân bản địa chào đón, tín nhiệm.
Các chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam thuộc Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 tham gia khám chữa bệnh thiện nguyện tại Bệnh viện đa khoa Bentiu, bang Unity. (Nguồn: FB/Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 Việt Nam)

Tuổi trẻ nhiệt huyết

Từ năm 2014, khi Việt Nam lần đầu triển khai sĩ quan đi thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ) cho đến nay, hơn 500 lượt cán bộ, nhân viên đã được cử đi thực hiện nhiệm vụ ở hình thức cá nhân như Sĩ quan tham mưu, Quan sát viên Quân sự, Sĩ quan điều phối… và trong đội hình đơn vị Đội Công binh, Bệnh viện dã chiến cấp 2.

Trong lực lượng này, có gần 50% là cán bộ, đoàn viên thanh niên, đảng viên trong độ tuổi sinh hoạt đoàn. Đây cũng là lực lượng xung kích, nòng cốt trong thực hiện mọi nhiệm vụ của đơn vị.

Hiện nay, lực lượng gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc của Việt Nam có 2 Chi đoàn thực hiện nhiệm vụ tại các Phái bộ: Chi đoàn Bệnh viện dã chiến cấp 2 tại Nam Sudan, Chi đoàn Đội Công binh tại Phái bộ UNISFA, khu vực Abyei.

Mặc dù là các đơn vị đặc thù, hoạt động trong môi trường làm việc, sinh hoạt, công tác còn nhiều khó khăn, nhưng các tổ chức đoàn luôn hoạt động sôi nổi, hiệu quả. Trong công tác đoàn và phong trào thanh niên, đã xây dựng nhiều mô hình thiết thực giữa đoàn viên thanh niên và hội viên phụ nữ như mô hình Tổ Kỹ mộc, tái chế vật liệu thành đồ dùng học tập tặng trẻ em, tham gia tu sửa trường học, đường sá, hệ thống cung cấp nước sạch.

Bên cạnh đó là các Tổ y tế cơ động khám chữa bệnh tại các trại tị nạn; Tổ nông lâm hướng dẫn người dân canh tác, trồng trọt; Tổ Thầy giáo mũ nồi xanh hỗ trợ dạy học các em nhỏ không có điều kiện đến trường; Tổ nghệ thuật dàn dựng các tiết mục văn nghệ, các món ăn truyền thống tham gia giao lưu trong các sự kiện đặc biệt tại Phái bộ để quảng bá văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

Những chiến sĩ trẻ đi thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc sinh ra khi chiến tranh đã lùi xa; đến khi triển khai tới các Phái bộ, được trực tiếp chứng kiến những cảnh loạn lạc, ly tán, mất mát đau thương do xung đột, nội chiến, đói nghèo, lạc hậu tại các quốc gia Châu Phi, họ thực sự cảm nhận được giá trị của nền hòa bình, độc lập của Tổ quốc và cũng càng thêm tự hào về lịch sử dân tộc, truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Đội Công binh Việt Nam hỗ trợ thực hiện nhiều công trình, dựng nhà kiên cố, giúp phụ nữ, trẻ em ở Abyei vượt qua khó khăn. (Nguồn: Cục GGHB)

Đó cũng chính là nguồn động lực lớn lao để các chiến sĩ trẻ với tinh thần xung kích, nhiệt huyết, luôn quyết tâm đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt và xuất sắc các nhiệm vụ được giao; cùng chung tay với đồng nghiệp các nước để kiến tạo, gìn giữ môi trường hòa bình và giúp người dân bản địa từng bước khắc phục khó khăn. Bên cạnh đó, hoàn thành tốt nhiệm vụ, cũng chính là góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, ngay từ thời bình và bằng các biện pháp hòa bình.

Không ngại khó, ngại khổ

Thực hiện nhiệm vụ tại các quốc gia châu Phi xa xôi, không chỉ có khó khăn về điều kiện sinh hoạt, khí hậu, dịch bệnh, an ninh chính trị, mà còn đòi hỏi những kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế đa bản sắc văn hóa.

Thực tế cho thấy, các quân nhân trẻ đã được đào tạo bài bản và có phương pháp làm việc khoa học, hiệu quả tại đơn vị, tiếng Anh tốt, có thể đảm nhiệm và hoàn thành tốt nhiệm vụ tại Phái bộ GGHB LHQ đối với cả triển khai vị trí cá nhân, hoạt động độc lập hoặc trong đội hình đơn vị. Khả năng thích nghi nhanh, năng động trong công việc, luôn chủ động tự học, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ…

Chia sẻ với Báo Thế giới & Việt Nam, Đại uý Ngô Xuân Tùng, Trợ lý chính trị, Phó Bí thư Đoàn cơ sở Cục Gìn giữ hòa bình cho biết, Đối với các Phái bộ gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc, nhiệm kỳ công tác thông thường là 12 tháng, cũng có những trường hợp đặc biệt, như các vị trí trúng tuyển làm việc tại Trụ sở LHQ hay vị trí sĩ quan điều phối nhiệm kỳ 2 năm hoặc dài hơn (hiện nay Việt Nam có 4 sĩ quan công tác tại các vị trí có nhiệm kỳ công tác từ 2 năm trở lên).

Đại úy Ngô Xuân Tùng (khi đó là Thượng úy) cùng các đồng nghiệp trong các chuyến tuần tra, làm việc với chính quyền và người dân địa phương. (Ảnh: NVCC)

Thậm chí, do thời điểm thực hiện nhiệm vụ, dịch bệnh Covid diễn biến rất phức tạp, các chuyến bay quốc tế đều bị hủy bỏ, nhiều chiến sĩ còn phải kéo dài thời gian công tác hơn tới gần 20 tháng mới có chuyến bay về nước.

“Mỗi vị trí công tác đều có những kỷ niệm riêng, đó là những khoảng thời gian rất đặc biệt mà chúng tôi không thể nào quên. Đó có thể là những lần nguy hiểm khi trực tiếp đối mặt với thái độ dữ tợn các nhóm vũ trang với súng pháo đã lên đạn; hoặc cũng có thể là những cách vượt lên sự khó khăn trong điều kiện sống, sinh hoạt còn thiếu thốn”, anh Tùng nói.

Lan hoả hình ảnh Bộ đội cụ Hồ

Trong 8 năm qua, hình ảnh những sỹ quan quân đội nhân dân Việt Nam ở độ tuổi thanh niên lên đường làm nhiệm vụ GGHB đã và đang trở thành một hình mẫu của tuổi trẻ nhiệt huyết, tiên phong. Họ là một trong những lực lượng nòng cốt gửi gắm những nét đẹp của thanh xuân, của tuổi trẻ vào sứ mệnh "đặc biệt" – sứ mệnh GGHB LHQ, góp phần lan toả hình ảnh đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trong mắt bạn bè quốc tế.

Các chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam luôn nhận được sự chào đón của người dân bản địa.

Đối với hình thức cá nhân, năm 2014, từ 2 sĩ quan Quân đội đầu tiên đi làm sĩ quan liên lạc tại Phái bộ Nam Sudan, đến nay, chúng ta đã cử 81 lượt sĩ quan hoạt động độc lập trên các cương vị sĩ quan tham mưu tác chiến, sĩ quan tham mưu huấn luyện, sĩ quan trang bị, sĩ quan phân tích thông tin tình báo, sĩ quan quân lương, quan sát viên quân sự tại Phái bộ Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, khu vực Abyei và Trụ sở LHQ.

Đối với hình thức đơn vị, từ tháng 10/2018 đến nay, Việt Nam đã triển khai 4 BVDC cấp 2 tới Nam Sudan. BVDC cấp 2 của ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được chỉ huy Phái bộ đánh giá cao, tiếp tục khẳng định được năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm cao, là chỗ dựa tin cậy về chăm sóc sức khỏe cho nhân viên LHQ tại địa bàn, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp. Sự đóng góp này đã được LHQ ghi nhận. Phó Tổng thư ký LHQ và Cố vấn Quân sự của Tổng Thư ký LHQ gửi thư cảm ơn Chính phủ Việt Nam.

Tháng 5/2022, Việt Nam cử Đội công binh đầu tiên với 184 sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp và gần 2.000 tấn trang thiết bị sang Phái bộ UNISFA tại khu vực Abyei. Sau hơn 03 tháng triển khai, Đội công binh Việt Nam đã nhanh chóng ổn định và bắt tay ngay vào công việc, được Chỉ huy Phái bộ đánh giá là "đang làm thay đổi diện mạo của Phái bộ GGHB LHQ tại Abyei".

Bên cạnh đó, các chiến sĩ còn tiên phong trong việc xây dựng môi trường làm việc xanh sạch đẹp, thân thiện với môi trường với điểm nhấn là các vườn tăng gia, các khuôn viên cây xanh và chiến lược giảm rác thải nhựa.

Chi hội phụ nữ và Đoàn thanh niên Đội Công binh số 1 Việt Nam phối hợp hướng dẫn người dân bản địa trồng rau xanh cải thiện cuộc sống.

Hình ảnh “Bộ đội cụ Hồ” thời kỳ mới trong môi trường làm việc quốc tế luôn được lãnh đạo Liên hợp quốc, chỉ huy các Phái bộ, đồng nghiệp quốc tế đánh giá cao, và luôn được người dân bản địa chào đón, tín nhiệm.

Một trong những dấu ấn lớn nhất đó chính là việc giúp người dân địa phương khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống thông qua các hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ người dân địa phương khắc phục khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống.

Đây là điểm rất đặc biệt của lực lượng mũ nồi xanh Việt Nam, xuất phát từ tinh thần tương thân tương ái của người Việt Nam, từ chức năng đội quân công tác của Bộ đội Cụ Hồ.

Chi đoàn Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 Việt Nam tham gia giao hữu thể thao với các đơn vị bạn.

"Có những lần chúng tôi đi thực hiện nhiệm vụ tại các khu vực dân cư, người dân bản địa vẫy tay chào và nói Việt Nam-good, Việt Nam-good (Việt Nam rất tốt, người Việt Nam rất tốt). Một đồng nghiệp của tôi kể: 'Người dân bản địa nói Xin chào bằng tiếng Việt, mặc dù chúng tôi không hề dạy họ, mà họ đã tự học thông qua những lần đơn vị đến làm công tác thiện nguyện, giúp đỡ người dân'. Điều đó cho thấy sự ghi nhận, tín nhiệm của người dân địa phương đối với những Chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam", Đại úy Tùng chia sẻ.