Tọa đàm “Chuyển đổi số - Tư duy và hành động” do Đoàn Thanh niên Bộ Ngoại giao tổ chức, ngày 7/10. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Trong bối cảnh hiện nay, nhằm hướng tới xây dựng một “nền ngoại giao toàn diện, hiện đại” thì cần phải có tư duy chuyển đổi số mạnh mẽ, một sự đổi mới trong triển khai ngoại giao số. Thanh niên ngoại giao, với vai trò tiên phong, xung kích, có khả năng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số, được kỳ vọng tạo sức bật mới trong quá trình chuyển đổi số của ngành Ngoại giao.
Từ nền tảng vững chắc
Thế hệ trẻ ngành Ngoại giao may mắn được thừa hưởng nhiều thành tựu to lớn của một nền ngoại giao Việt Nam giàu truyền thống, gắn liền với những năm tháng hào hùng của dân tộc, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của nước ta.
Ngày nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 191 quốc gia trên thế giới, có quan hệ kinh tế - thương mại và đầu tư với hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ; xây dựng được mạng lưới 17 đối tác chiến lược và 13 đối tác toàn diện, trong đó có toàn bộ các nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các nước thành viên ASEAN, mạng lưới bạn bè và đối tác quan trọng ngày càng được mở rộng và hợp tác hiệu quả.
Chúng ta đã tổ chức thành công các hoạt động ngoại giao tầm cỡ thế giới như Năm APEC Việt Nam 2017, Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần thứ hai tại Hà Nội năm 2019; đảm nhận trọng trách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020-2021, Chủ tịch ASEAN 2020 và vừa trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025… qua đó góp phần củng cố vững chắc và nâng cao vai trò, vị thế của đất nước trên trường quốc tế, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực và trên thế giới.
...đến những nhiệm vụ mới của thời đại
Tầm nhìn và khát vọng to lớn của dân tộc thể hiện trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. Đây chính là sứ mệnh của thế hệ trẻ ngày nay - thế hệ được lựa chọn, có khả năng đạt “độ chín” đúng vào thời điểm cốt lõi để hiện thực hóa mục tiêu 2045.
Đại hội Đảng lần thứ XIII khẳng định, động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là: khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực…
Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 cũng xác định một trong các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngoại giao là “Xây dựng nền ngoại giao từng bước hiện đại, chuyên nghiệp, thích ứng năng động trong tình hình mới”, đặt ra yêu cầu “nâng cao bản lĩnh, phẩm chất, năng lực, tính chuyên nghiệp, hiện đại, đổi mới sáng tạo của đội ngũ làm công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; chủ động thích ứng trước chuyển biến của tình hình quốc tế”.
“Ngoại giao hiện đại” không đơn thuần là ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông tin để thích ứng và phát huy những thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, mà còn là quá trình đổi mới toàn diện, không chỉ ở Bộ Ngoại giao mà còn ở tất cả các cơ quan làm công tác đối ngoại trong hệ thống chính trị; trong đó, khâu “xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, chuyên nghiệp, đổi mới sáng tạo” là nhân tố có ý nghĩa quyết định.
“Ngoại giao hiện đại” không đơn thuần là ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông tin để thích ứng và phát huy những thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, mà còn là quá trình đổi mới toàn diện, không chỉ ở Bộ Ngoại giao mà còn ở tất cả các cơ quan làm công tác đối ngoại trong hệ thống chính trị |
Sức bật mới của thanh niên
Năm 2018, phát biểu tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng căn dặn cán bộ ngành Ngoại giao: “Càng hội nhập sâu với thế giới, chúng ta càng cần có các nhà ngoại giao có bản lĩnh chính trị; đủ trình độ, uy tín, phong cách để sánh vai với các nước, bạn bè quốc tế; toàn tâm, toàn ý vì sự nghiệp. Một nhà ngoại giao giỏi trước hết phải là một nhà chính trị giỏi, luôn lấy lợi ích của quốc gia, của chế độ làm kim chỉ nam trong hành động. Nhà ngoại giao luôn ghi nhớ rằng, phía sau mình là Đảng, là đất nước, là nhân dân. Phải tự tin, vững vàng, kiên định và khôn khéo”.
Mới đây, tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII diễn ra vào tháng 12/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắn nhủ thế hệ trẻ: “Nói đến xung kích của tuổi trẻ trong phong trào hành động cách mạng, tôi muốn nhấn mạnh và nhắn gửi tới thế hệ trẻ cả nước hai chữ “tiên phong”; đề nghị thanh niên tiên phong đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo”.
Chính vì vậy, đối với mỗi cán bộ ngoại giao trẻ, là những thanh niên ngoại giao có sức trẻ, nhiệt huyết thì càng cần phải tiên phong, tiên phong trong tạo sức bật mới-là động lực của sự đổi mới, phát triển.
Đầu tiên, dù trong bối cảnh khó khăn thử thách nào, thanh niên cũng cần phải nuôi dưỡng cho mình những “khát vọng cao đẹp”. Khát vọng có thể hiểu một cách đơn giản đó là những nhu cầu, mong đợi của mỗi cá nhân vào những điều tốt đẹp, tích cực mà họ muốn đạt được. Khát vọng của thanh niên ngoại giao là đóng góp cho sự nghiệp đối ngoại, tiếp tục nâng cao vị thế của đất nước, phát huy vai trò quốc tế của thanh niên Việt Nam. Mỗi khát vọng nhỏ sẽ góp phần hiện thực hóa khát vọng lớn lao của dân tộc là trở thành một quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
Hai là, thanh niên ngoại giao không ngừng học tập, rèn luyện, làm chủ công nghệ, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số, tham gia phát triển ngoại giao số, kinh tế số, xã hội số; thay đổi phương thức quản lý nhà nước, mô hình sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đời sống văn hóa, xã hội, hội nhập quốc tế trên mọi không gian, nền tảng, đặc biệt là nền tảng số.
Ở thời điểm hiện tại, các công nghệ dựa trên nền tảng số và mạng Internet như kết nối vạn vật (IoT), điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI) hay dữ liệu lớn và sự ra đời của các mạng xã hội phổ biến như Twitter, Facebook, Instagram, LinkedIn... cùng với xu thế chuyển đổi số, phát triển kinh tế số đã cung cấp thêm những công cụ mới cho các hoạt động ngoại giao được nhanh hơn, đến được nhiều nhóm đối tượng hơn và có thể giúp các cơ quan ngoại giao thực hiện quy trình tiếp nhận phản hồi - điều chỉnh chính sách một cách linh hoạt và thích ứng hơn. Thanh niên ngoại giao cần phải tiên phong nắm bắt và làm chủ những công cụ, nền tảng này.
Muốn làm được điều đó, thanh niên ngoại giao trước hết phải hiểu tường tận về đất nước, về bản thân và các công nghệ có tính ứng dụng cao trong đời sống. Đối với đất nước, cần thực sự am tường lịch sử đất nước, tìm hiểu đất nước trong bản đồ địa chính trị, địa kinh tế khu vực và toàn cầu, hiểu những điểm mạnh cũng như những điểm còn cần tập trung khắc phục. Thêm vào đó, thanh niên ngoại giao cũng cần có khả năng tự học, tự rèn luyện, tự tu dưỡng, tự tin, tự chịu trách nhiệm để trở thành nguồn lao động chất lượng cao, đi đầu nắm bắt xu hướng, trở thành người thừa kế trung thành sự nghiệp đối ngoại của Đảng và dân tộc với trí tuệ và tay nghề cao, đạo đức, sức sáng tạo và lối sống trong sáng, sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần cường tráng.
Đây chính là thời điểm vàng để thanh niên ngoại giao thể hiện được bản lĩnh và tư duy của mình, đặc biệt là tư duy của thời đại số, hấp thụ những tinh hoa tri thức, công nghệ, khoa học; dám nghĩ, dám làm, không sợ thất bại; dần nắm giữ chìa khóa công nghệ, hiện thực hóa những ý tưởng sáng tạo, khẳng định mình không thua kém các thế hệ đi trước và vững bước tới tương lai.