Đây là một chương trình trực tuyến do các Hiệp hội ủng hộ nạn nhân chất độc da cam dioxin Việt Nam (Collectif Vietnam-Dioxin) tổ chức, kéo dài 36 giờ từ 14h ngày 9/8 đến 3h ngày 11/8 (giờ Việt Nam), bao gồm các cuộc tọa đàm, nói chuyện, chiếu phim tài liệu, phỏng vấn… nói về hậu quả chất độc da cam dioxin ở Việt Nam và kêu gọi nhân dân toàn thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân chất độc hóa học này ở Việt Nam.
Gần 50 tình nguyện viên, hầu hết là thanh niên Việt kiều tại Pháp, đã đầu tư gần 2 tháng để chuẩn bị những hoạt động phong phú cả về nội dung và hình thức nghệ thuật.
Chương trình là một thành công lớn đã thu hút hàng trăm nghìn người xem, theo dõi và bày tỏ cảm xúc trên mạng xã hội.
Bà Trần Tố Nga, Việt kiều hiện đang sinh sống tại Pháp, kiện các công ty hóa chất Mỹ cung cấp chất độc hóa học cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh, gây ra thảm họa về sức khỏe cho bà và các con của bà. (Nguồn: VOV) |
Ban tổ chức đã nhận được 7.300 chữ ký ủng hộ vụ kiện của bà Trần Tố Nga, một Việt kiều hiện đang sinh sống tại Pháp, kiện các công ty hóa chất Mỹ cung cấp chất độc hóa học cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh, gây ra thảm họa về sức khỏe cho bà và các con của bà. Bên cạnh đó, 5.400 Euro đã được quyên góp cho quỹ ủng hộ nạn nhân chất độc da cam dioxin Việt Nam.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp, các thanh niên Việt kiều đã có ý tưởng rất sáng tạo trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 bùng phát và đã biến ý tưởng đó thành hiện thực. Việc làm này là tấm gương về tình yêu quê hương đất nước cho các bạn trẻ mang trong mình dòng máu Việt Nam.
Mặc dù là những người không trực tiếp sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, nhưng việc làm của các bạn trẻ thể hiện sự gắn bó với nguồn cội, tinh thần nhân đạo cao cả, chia sẻ nỗi đau và sự mất mát với gần 5 triệu nạn nhân chất độc da cam dioxin ở trong nước.
Đại sứ Nguyễn Thiệp nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam vẫn luôn nỗ lực hết mình nhằm khắc phục hậu quả chiến tranh, trong đó có vấn đề liên quan đến chất độc da cam dioxin. Hơn 3 triệu hécta đất rừng đã bị chất độc này phá hủy và hậu quả của nó để lại không chỉ đối với thiên nhiên mà cả với sức khỏe của nhiều thế hệ người Việt Nam sau này.
Để bảo vệ sức khỏe người dân, từ năm 2019, Việt Nam đã cấm hoàn toàn việc sử dụng các sản phẩm hóa chất có nguồn gốc từ dioxin hay glyphosate. Ngoài ra, Việt Nam còn đẩy mạnh phối hợp với Mỹ thực hiện việc tẩy độc ở các khu vực còn ô nhiễm nặng hiện nay, trong đó có sân bay Biên Hòa và sân bay Đà Nẵng.
Trong những năm vừa qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp luôn đồng hành với cuộc đấu tranh pháp lý cam go giành lại lẽ phải cho các nạn nhân chất độc da cam dioxin, trong đó có bà Trần Tố Nga, nạn nhân trực tiếp cuối cùng đứng ra khởi kiện đòi lại công lý cho chính bản thân mình và cho các nạn nhân khác.
Đại sứ quán đã hỗ trợ trực tiếp và vận động các nguồn tài trợ cho vụ kiện kéo dài từ năm 2014 đến nay; giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn luật sư tham gia vụ kiện về Việt Nam làm việc và phối hợp với Hội nạn nhân chất độc da cam dioxin Việt Nam; phối hợp với các cơ quan chính quyền Pháp và các hội đoàn tổ chức nhiều hoạt động ủng hộ vụ kiện; vận động quyên góp ủng hộ về vật chất cho các nạn nhân.
Trong phiên tòa thứ 19 cuối tháng 6 vừa qua về vụ kiện của bà Trần Tố Nga, thẩm phán đã quyết định mở phiên xử tại tòa đại hình Evry vào ngày 12/10. Với bà Trần Tố Nga, cuộc đấu tranh pháp lý này là cơ hội cuối cùng để cho thảm họa da cam dioxin không bị rơi vào quên lãng.