Điểm du lịch canh nông Que Garden, P. 10, Tp. Đà Lạt, Lâm Đồng. |
Nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”
Thời gian qua, với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, lãnh đạo thành phố Đà Lạt phải liên tục kiểm tra, đôn đốc các phường, xã triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch, đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện, đảm bảo mục tiêu vừa chống dịch vừa chăm lo phát triển kinh tế - xã hội. Chính sự quyết liệt và đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, nền kinh tế - xã hội Đà Lạt năm 2021 đã có bước phát triển tương đối ổn định, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp không bị ngưng trệ, gián đoạn.
Theo đó, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố Đà Lạt tính đến ngày 31/12/2021 đạt 1.421 tỷ đồng, đạt 98% kế hoạch và bằng 93% so với cùng kỳ năm trước; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 14.044 tỷ đồng, đạt 95% so với kế hoạch, bằng 109% so cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 84,44 triệu USD, đạt 81,2% kế hoạch và 103,34% so với cùng kỳ; tổng lượng khách du lịch đạt hơn 1,970 triệu lượt, đạt 49,3% so với kế hoạch.
Thành phố tiếp tục khẳng định thế mạnh là vùng chuyên canh rau lớn nhất cả nước khi cung cấp hàng nghìn tấn rau, củ, quả cho người dân cả nước trong đợt dịch vừa qua, góp phần đáng kể vào tăng trưởng chung của nền kinh tế địa phương.
Mặt khác, công tác quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị, quản lý, bảo vệ rừng được chỉ đạo quyết liệt. Xây dựng cơ bản được quan tâm thực hiện, trong đó tập trung đến công tác giải phóng mặt bằng nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công. Hạ tầng đô thị cũng được quan tâm đầu tư, góp phần tác động tích cực trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Công tác cải cách hành chính được thực hiện quyết liệt, việc giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai và cấp phép xây dựng có nhiều chuyển biến tích cực. Trên lĩnh vực văn hóa, xã hội cũng có nhiều bước chuyển biến mạnh mẽ. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục giữ vững và ổn định. Chính sách an sinh xã hội được quan tâm thực hiện có hiệu quả, kịp thời hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Đối với công tác phòng, chống dịch bệnh, Đà Lạt luôn đặt mục tiêu chống dịch lên hàng đầu với phương châm “khoanh vùng truy vết nhanh, tấn công dập dịch thần tốc”, tuyệt đối không lơ là, chủ quan. Lãnh đạo Thành phố đã kịp thời chỉ đạo triển khai các biện pháp khoanh vùng, truy vết, dập dịch nhanh, hiệu quả để tránh lây lan ra cộng đồng. Đồng thời, tập trung thực hiện công tác truyền thông, tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19 đến người dân địa phương. Đến nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn về cơ bản đã tạm thời được khống chế, đảm bảo an toàn cho cộng đồng.
Để tạo bước phát triển đột phá trong những tháng còn lại của năm 2021, ông Tôn Thiện San – Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt cho biết, trên tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP về quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, Đà Lạt đã công bố cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn để từng bước đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới. Thành phố quyết tâm giữ vững địa bàn an toàn, ổn định trong trạng thái bình thường mới, không để xảy ra các ổ dịch, đợt dịch lớn gây đổ vỡ hệ thống y tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội, đời sống dân sinh; tận dụng việc thực hiện Nghị quyết để tiếp tục gia tăng, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh trên nền tảng địa bàn an toàn đã có và tái khởi động lại một số dịch vụ đã bị đứt gãy. Tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, người lao động “vừa chống dịch, vừa sản xuất” tại các nhà máy, xí nghiệp, góp phần đồng hành với các cấp chính quyền hoàn thành “mục tiêu kép” vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Phát huy lợi thế trong tình hình mới
Sau khi Nghị quyết 128/NQ-CP được ban hành, Đà Lạt đã bắt đầu mở cửa và khôi phục một số hoạt động nhằm phát huy thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện bình thường mới. Theo đó, sau thời gian “đóng băng” do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, hoạt động du lịch của Đà Lạt đã khởi động trở lại. Ngành du lịch Thành phố đang nỗ lực tìm cách khắc phục khó khăn, thận trọng trong việc mở cửa đón khách để vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch vừa phục hồi phát triển ngành kinh tế “xương sống” của địa phương.
Đến hiện tại, nhiều điểm tham quan, khu du lịch tại Đà Lạt đã bắt đầu mở cửa đón khách trở lại. Tuy lượng khách tham quan còn hạn chế, chủ yếu là người dân địa phương, nhưng đó là tín hiệu khả quan cho thấy du lịch, một lĩnh vực thế mạnh của Thành phố, đang dần hồi phục. Bên cạnh đó, tận dụng thời gian tạm ngưng hoạt động, các khách sạn, cơ sở lưu trú tại Đà Lạt đã được đầu tư, nâng cấp, các điểm tham quan, khu du lịch cũng được chỉnh trang, cải tạo cơ sở vật chất, qua đó góp phần tạo diện mạo mới, thu hút khách tham quan.
Để ngành du lịch phát triển ổn định và bền vững hơn sau dịch, thành phố Đà Lạt cũng chủ trương phát triển những sản phẩm du lịch phù hợp với trạng thái bình thường mới, lấy chất lượng làm trọng tâm, đồng thời nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch gắn với phát triển kinh tế về đêm. Ngành du lịch Thành phố cũng tuân thủ nghiêm hướng dẫn của cơ quan y tế, tổ chức các hoạt động du lịch một cách linh hoạt, thích ứng, hiệu quả với diễn biến tình hình thực tế phòng, chống dịch nhằm xây dựng du lịch thành một ngành kinh tế du lịch an toàn.
Bên cạnh du lịch, Đà Lạt còn là trung tâm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (CNC) của cả nước. Với định hướng tập trung đầu tư phát triển một nền nông nghiệp toàn diện, Đà Lạt đã có bước phát triển vượt bậc về nông nghiệp CNC và được xem là trung tâm sản xuất nông nghiệp hiện đại tiên phong của cả nước. Hiện, diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn đạt gần 7.000 ha. Mỗi ngày, Đà Lạt cung ứng hàng nghìn tấn nông sản cho TP.HCM và các tỉnh lân cận.
Trước những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, ngành nông nghiệp Đà Lạt đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm hạn chế thiệt hại và bước đầu “sống chung” một cách an toàn với dịch bệnh. Trong đó, địa phương khuyến khích người dân và doanh nghiệp điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, đối tượng sản xuất phù hợp với nhu cầu thị trường, mở rộng các mô hình sản xuất ứng dụng CNC. Thực hiện chuyển đổi một phần diện tích trồng rau, hoa ngắn ngày và rau ăn lá sang trồng các loại rau ăn củ để gia tăng thời gian bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ. Song song tăng cường năng lực chế biến, liên kết tiêu thụ, bảo quản sản phẩm,….để ổn định đầu ra, qua đó tiếp tục phát huy những lợi thế có được trong lĩnh vực nông nghiệp để thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương vượt qua khó khăn, tiến tới phát triển an toàn, bền vững.