TIN LIÊN QUAN | |
Vì sao thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam vẫn ì ạch? | |
Tiền mặt tiếp tục khẳng định vị thế vững chắc |
Tại Tọa đàm “Thúc đẩy thanh toán điện tử (TTĐT) trên toàn quốc” được tổ chức mới đây, ông Đặng Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, giao dịch không dùng tiền mặt không đồng đều giữa các mảng thanh toán, trong thương mại điện tử thì thanh toán COD (giao hàng nhận tiền) vẫn phổ biến hơn cả.
Người tiêu dùng Việt vẫn thích tiền mặt
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, sáu tháng đầu năm 2019, số lượng giao dịch không dùng tiền mặt tăng lên 30%, giá trị giao dịch không dùng tiền mặt tăng 18%. Trong năm 2019, Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng TTĐT số 1 thế giới.
Theo thống kê, Việt Nam hiện có hơn 150 công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ - tài chính (fintech), chủ yếu là mảng TTĐT và có hơn 20 công ty trong lĩnh vực tiền mã hóa và các khoản nợ thanh toán. Vì là thị trường mới, độ phủ sóng Internet rộng, tỷ lệ người dân sử dụng smartphone có kết nối Internet cao nên việc phát triển thương mại điện tử nói chung và TTĐT nói riêng ở Việt Nam còn rất nhiều dư địa phát triển.
Tuy nhiên, hiện hầu hết giá trị giao dịch TTĐT và số lượng giao dịch tập trung vào một số loại hình đơn giản, cơ bản như chuyển tiền, thanh toán tiền điện thoại, điện, nước, truyền hình.
Trong khi đó, nhìn sang các nước trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Philippines hay Singapore đều có bước đi sớm, mở rộng cửa để phát triển fintech và đã có khoảng cách khá lớn với Việt Nam.
Câu hỏi đặt ra là, tại sao người tiêu dùng Việt vẫn thích thanh toán tiền mặt? Theo các chuyên gia, có nhiều lý do, bên cạnh thực tế rằng TTĐT chưa nhanh, chưa thuận tiện thì người dùng còn e ngại về rủi ro có thể gặp phải với khoản tiền của mình.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Trung Kiên - Tổng Giám đốc Tổng công ty Dịch vụ số Viettel cho rằng, thanh toán bằng tiền mặt chỉ mất vài giây với mỗi giao dịch thì TTĐT mất thời gian hơn, phải khai báo mã xác thực, xác nhận chuyển tiền và các thao tác cần độ chính xác tuyệt đối. Đó là một trong những lý do khiến TTĐT chưa được ưa thích.
Đồng quan điểm, ông Trần Tuấn Anh - Giám đốc điều hành Shopee nhận định, không đơn giản là thói quen của người tiêu dùng mà là sự trải nghiệm TTĐT chưa thực sự thuận lợi bằng dùng tiền mặt. Quy trình xây dựng ví điện tử còn nhiều rào cản. Ví dụ, trên ứng dụng thanh toán ví điện tử, nếu tích hợp ví điện tử theo quy định thì phải trải qua tám bước, thách thức sự kiên nhẫn của khách hàng.
Tạo trải nghiệm, tăng an toàn
Cũng như nhiều nước trên thế giới, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi công nghệ mới. Bên cạnh ngân hàng truyền thống, sẽ có ngân hàng điện tử, các đơn vị trung gian thanh toán. Việc TTĐT qua ngân hàng hoặc qua các phương tiện khác sẽ trở nên phổ biến và phát triển.
Xu hướng này buộc các quốc gia phải tìm cách bắt kịp, bởi “cuộc chơi” thanh toán không chỉ gói gọn trong biên giới quốc gia.
Vì vậy, để có thể chuyển đổi giữa thanh toán COD sang TTĐT, thay đổi thói quen tiêu dùng tiền mặt của người dùng, ông Đặng Hoàng Hải cho rằng, ngoài việc tuyên truyền về lợi ích của việc TTĐT thì cần phải tạo ra trải nghiệm cho người sử dụng dịch vụ. Và những trải nghiệm đó phải dễ dàng sử dụng, bảo vệ lợi ích của người dân, bảo đảm an toàn tài khoản.
“Phải để người dùng thấy các tranh chấp thương mại điện tử được giải quyết nhanh chóng, bảo vệ lợi ích người dùng, đồng nghĩa, doanh nghiệp phải đảm bảo khách hàng không bị mất tiền do rủi ro giao dịch”, ông Hải nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng nên có các chính sách khuyến mại, tạo động lực cho khách hàng sử dụng dịch vụ TTĐT và thấy được lợi ích từ việc này. Ngoài ra, vấn đề quản lý TTĐT cũng đặt ra những đòi hỏi cấp thiết. Tại Tọa đàm trên, ông Phùng Anh Tuấn - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, cần tối ưu hóa các kênh, phương tiện cho TTĐT để người dùng có thể sử dụng, cần có những phương tiện thay thế cho tiền mặt và sử dụng một cách rất dễ dàng, không cần giấy tờ, không cần phải xếp hàng.
Hiện nay, thanh toán bằng tài khoản viễn thông (Mobile Money) đang là xu hướng chung của thế giới. Theo ông Phạm Trung Kiên, tài khoản viễn thông khá phù hợp với Việt Nam, nơi tỷ lệ dân số có tài khoản ngân hàng còn tương đối thấp. Mobile Money không cạnh tranh với ngân hàng mà còn là cơ hội rất lớn cho ngành ngân hàng. Bởi theo ông Kiên, việc thanh toán bằng Mobile Money áp dụng với các đơn hàng có giá trị nhỏ, những món hàng rất ít người sử dụng tài khoản ngân hàng để thanh toán.
“Khi tạo cho người dân thói quen rút điện thoại ra trả tiền cho những món hàng giá trị nhỏ thì dần dần, đối với những món hàng có giá trị lớn như xe máy, ô tô…, người dân sẽ điện tử hóa và khi đó, cách duy nhất là ngân hàng”, ông Kiên tin tưởng.
Được biết, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ xây dựng, sửa đổi, bổ sung hành lang pháp lý cho hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động thanh toán nói riêng, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, trong đó tập trung vào ngân hàng số, thanh toán số.
Thương mại điện tử là xu hướng toàn cầu và tất nhiên, dịch vụ nào cũng có những rủi ro và lợi ích đi kèm, quan trọng là người tiêu dùng cần được trải nghiệm, làm chủ các ứng dụng và tự đánh giá về những lợi ích mà nó mang lại.
| Mobile Payment - nhân tố thúc đẩy nền kinh tế không tiền mặt Sáng 6/11, Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2017 (VEPF) với chủ đề "Mobile Payment - nhân tố thúc đẩy nền kinh tế ... |
| Thúc đẩy thanh toán điện tử Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục ... |
| Mua hàng không trả tiền - tương lai của thẻ tín dụng vô hình Bạn đi vào cửa hàng, chọn những gì bạn cần để vào giỏ hàng và cứ thế mang đi. Đây không phải là một vụ ... |