Thanh toán không tiền mặt lên ngôi, khi đi chợ chỉ cần...điện thoại để quét mã. (Nguồn: Vietnamnet) |
Mua củ hành, mớ rau vài nghìn cũng quét mã
Không phải chỉ dịp Tết này, thói quen không dùng tiền mặt của chị Đỗ Thị Thanh Vân ở Đại Kim (Hoàng Mai, Hà Nội) đã duy trì gần 2 năm nay.
Chị tâm sự, tất cả các khoản thu nhập hàng tháng của vợ chồng chị đều được công ty chuyển vào tài khoản. Song trước kia, ngoài những khoản tiền cố định như điện, phí chung cư, tiền học phí cho con, cước điện thoại... chị chuyển khoản thanh toán, còn lại vẫn cầm thẻ ra cây ATM rút tiền mặt để chi tiêu sinh hoạt.
Khi dịch Covid-19 xảy ra, nhất là thời kỳ giãn cách xã hội, chị chuyển dần từ thói quen mua hàng trực tiếp qua mua hàng online nhiều hơn. Ở chợ chung cư, người bán ship hàng treo ở cửa, họ không nhận tiền mặt, chỉ nhận chuyển khoản thanh toán. Theo đó, số lần ra cây ATM rút tiền cũng ngày một ít hơn.
Sau dịch cuộc sống trở lại “bình thường mới”, ra chợ mua đồ ăn thức uống, phần lớn hàng quán đều dán QR code ngay trên quầy hàng để khách tiện quét mã thanh toán, một số hàng khác áp dụng chuyển khoản.
“Từ chị bán thịt lợn tới cô bán trái cây đều có QR code. Tôi chọn hàng xong chỉ mất khoảng 5 giây là thanh toán thành công". Bởi vậy, mua một cọng hành hay mớ rau 2.000-3.000 đồng giờ chị cũng quét mã trả tiền.
Cách đây không lâu, trên đường đi làm thấy chị hàng rong bán hoa thược dược đẹp, chị ghé vào mua một bó to hết 120.000 đồng. Đến lúc hỏi số tài khoản để thanh toán, chị bán hàng bất ngờ móc trong túi ra mẩu giấy in QR code rồi nói “quét cái này là được”.
Tất cả đều có thể thanh toán online nên hơn một năm trở lại đây, chị Vân không còn phải ra cây ATM rút tiền mặt. “Thẻ ATM, ví tiền giờ đều nằm gọn trong tủ. Đi đâu tôi chỉ cần cầm theo smartphone là có thể mua đủ thứ. Không lo tiền lẻ, không cần chờ đợi chủ hàng đổi tiền để trả lại”, chị chia sẻ.
Tại Đông Ngạc (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), cứ cách ngày, ông Hoàng Văn Tuấn lại chở vợ đi chợ mua đồ ăn. Vợ ông làm nhiệm vụ chọn mua đồ, ông Tuấn đi sau nhận trách nhiệm quét mã QR hoặc xin số tài khoản của chủ hàng để thanh toán.
Ông Tuấn năm nay đã 65 tuổi, có một tài khoản ngân hàng để nhận lương hưu, đồng thời để các con thi thoảng chuyển tiền cho mình. Do đó, mọi chi khoản chi tiêu hàng ngày ông đều thanh toán online, đỡ mất thời gian đi rút tiền.
Hay như buổi sáng mua hai gói xôi chỉ 20.000 đồng, hoặc tô cháo 15.000 đồng ngay đầu ngõ, ông cũng có thể quét QR trả tiền. Mỗi lần đặt mua hàng online càng tiện hơn, shipper đều thích thanh toán không tiền mặt.
“Mới đầu thao tác còn chậm, nhưng giờ sử dụng nhiều lần thì quen rồi. Đi siêu thị mua hàng cũng quét QR code, ra chợ mua mớ rau con cá cũng chuyển khoản được. Rất tiện lợi”, ông nhận xét.
"Không còn mất thời gian đọc số tài khoản"
Bán thịt bò tại chợ Đại Từ (Hoàng Mai, Hà Nội) những ngày cận Tết Quý Mão, chị Đinh Thị Lý tay thoăn thoắt thái thịt cho khách và rất ít khi phải tính tiền trả lại. Bởi, gần 80% lượng khách mua thịt bò của chị đều quét mã QR trả tiền.
Chị Lý cho hay: “Trước là số tài khoản còn gần một năm nay chuyển qua mã QR. Khách mua hàng đứng quét mã cũng tiện, chị không phải nhớ và mất thời gian đọc số tài khoản cho từng người. Bà bán trứng bên cạnh chưa có QR thỉnh thoảng còn xin cho khách thanh toán nhờ”.
Chị Liên buôn bán ở chợ truyền thống được hơn 10 năm. Trước chị nghĩ buôn bán nhỏ thu tiền mặt cho nhanh. Nhưng giờ, đâu đâu cũng thanh toán online nên chị mở tài khoản ở ngân hàng và in mã QR cho “hợp thời”.
“Không chỉ nhận thanh toán online từ khách, hàng ngày đi nhập hàng tôi cũng cầm điện thoại quét mã trả tiền. Đôi khi không đến lấy trực tiếp được phải ship, tôi ngồi tại chợ chỉ vài cái chạm tay đã thanh toán thành công”, chị khoe.
Chỉ “buôn thúng bán mẹt” ở chợ gần nhà, nhưng trên gánh hàng rau của chị Lê Thị Huyền Trang cũng treo lủng lẳng tờ giấy nhỏ in mã QR code đã được ép plastic.
Theo chị, mớ rau lúc giá rẻ chỉ vài ba nghìn đồng, lúc đắt đỏ giá 10.000-15.000 đồng tuỳ loại tính ra không đáng là bao. Song, chị em đi chợ giờ không thích dùng tiền mặt, ai mua hàng cũng hỏi có thanh toán online không. Thành ra, nửa năm nay chị cũng “số hoá” khâu thanh toán để chiều lòng khách.
Ở các chợ truyền thống tại Hà Nội giờ đây, từ bà bán rau, thịt, cá cho đến cô hàng gạo, chị bán xôi… hầu như hàng nào cũng có mã QR code hay số tài khoản ngân hàng để khách tiện thanh toán.
Dân buôn bán tại chợ cho biết, tỷ lệ thanh toán không tiền mặt khi mua hàng của khách lên tới 50-80% và xu hướng này tiếp tục tăng lên.
Hình thức thanh toán không dùng tiền mặt giờ đây không chỉ phổ biến ở các trung tâm thương mại, siêu thị, mà tại chợ truyền thống các tiểu thương và người tiêu dùng cũng bắt đầu thích ứng với xu thế mới. Việc thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ giúp người kinh doanh tiết kiệm thời gian, chi phí quản lý các giao dịch tiền mặt, hạn chế rủi ro mà còn tạo điều kiện để người tiêu dùng thanh toán thuận tiện, an toàn, chính xác.
Theo Ngân hàng Nhà nước, trong năm 2022, thanh toán không dùng tiền mặt chứng kiến mức tăng trưởng gần gấp đôi so với năm trước. Trong 11 tháng năm 2022, các giao dịch qua ví điện tử, ứng dụng và thẻ ngân hàng tăng 85% về số lượng và 31% về giá trị.
Rất nhiều người trẻ thường có ví điện tử và một khoản tiền nhất định trong ví. Một thống kê của Ngân hàng Nhà nước, cho thấy, tổng số tiền của người dân trong 45 ví điện tử đang lưu hành lên đến 3.300 tỷ đồng. Điều đó chứng tỏ nhu cầu sử dụng ví điện tử nói riêng và thanh toán không tiền mặt nói chung của người dân ngày càng cao.
Các chuyên gia dự đoán, năm 2023 sẽ tiếp tục bùng nổ thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là ở các thành phố lớn.
Thực tế, việc tăng tốc số lượng điểm thanh toán đang là ưu tiên hàng đầu của các đơn vị tài chính công nghệ. Nhiều ngân hàng cũng đẩy mạnh hoạt động mở rộng số lượng các điểm thanh toán mới với nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn cho người dùng.