Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn gặp riêng Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 56 tại Indonesia tháng 7/2023. (Ảnh: Anh Sơn) |
Xin Đại sứ cho biết ý nghĩa và những nội dung trọng tâm trong chuyến thăm Việt Nam của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Lào cũng như tầm quan trọng của Cuộc tham vấn chính trị cấp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam-Lào lần thứ 10 lần này?
Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith và Đoàn đại biểu Bộ Ngoại giao Lào sẽ thăm Việt Nam từ ngày 21-23/11/2023.
Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng. (Ảnh: HT) |
Chuyến thăm Việt Nam lần này của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith diễn ra trong bối cảnh tình hình quan hệ hợp tác giữa hai nước nói chung và giữa hai Bộ Ngoại giao Việt Nam-Lào đang trên đà phát triển hết sức tốt đẹp; qua đó nhằm tiếp tục khẳng định, thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết, gắn bó giữa lãnh đạo hai Bộ và cá nhân hai Bộ trưởng Ngoại giao hai nước Việt Nam - Lào.
Dự kiến, trong khuôn khổ chuyến thăm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith sẽ chào xã giao Lãnh đạo cấp cao Việt Nam và cùng Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đồng chủ trì Tham vấn Chính trị cấp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam-Lào lần thứ 10.
Tham vấn Chính trị cấp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam-Lào là cơ chế hợp tác thường niên quan trọng giữa hai Bộ, được luân phiên tổ chức hàng năm. Đây là dịp để hai bên rà soát, đánh giá tình hình quan hệ hợp tác giữa Việt Nam-Lào trong năm qua, từ đó tham mưu cho Lãnh đạo cấp cao hai nước về những định hướng lớn cho quan hệ hợp tác giữa hai nước trong năm 2024 và những năm tiếp theo; chia sẻ quan điểm về các vấn đề quốc tế, khu vực mà hai bên cùng quan tâm.
Bên cạnh đó, hai bên sẽ kiểm điểm, đánh giá kết quả hợp tác giữa hai Bộ trong thời gian qua trên cơ sở Thỏa thuận Hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao Việt Nam-Lào giai đoạn 2021-2025; đặc biệt là góp phần quan trọng vào việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quan hệ hợp tác, góp phần phối hợp phục vụ tốt các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao; cùng các bộ, ngành và địa phương của hai nước tiếp tục tích cực triển khai hiệu quả các thỏa thuận cấp cao hai nước; trao đổi các biện pháp nâng cao hiệu quả phối hợp giữa hai Bộ Ngoại giao thời gian tới, trong đó có Kế hoạch hành động ngoại giao kinh tế giai đoạn 2020-2025.
Hợp tác kinh tế-đầu tư giữa hai nước đang phát triển mạnh mẽ, đến nay đã có 241 dự án đầu tư sang Lào. Đại sứ đánh giá như thế nào về “tính hấp dẫn” của thị trường Lào và những gợi mở cho doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới?
Mặc dù, thị trường Lào có thể chưa thực sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài do môi trường chính sách đầu tư chưa thuận lợi, nguồn nhân lực còn hạn chế, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư từ các nước phát triển.
Nhưng đối với doanh nghiệp Việt Nam đây vẫn là thị trường tiềm năng bởi vị trí địa lý, khả năng tiếp cận, thị trường đầu ra đối với các sản phẩm (năng lượng, khoáng sản, nông nghiệp); đặc biệt là sự quan tâm thúc đẩy và hỗ trợ tích cực từ cả hai Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào, đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi, ưu tiên ưu đãi đối với doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư vào Lào.
Đến nay, Việt Nam đã đầu tư sang Lào 241 dự án với tổng vốn là 5,47 tỷ USD, riêng 10 tháng đầu năm 2023 vốn đăng ký là 114 triệu USD, tăng 71,7% so với cùng kỳ năm ngoái; vốn đã thực hiện khoảng 2,7 tỷ USD, đạt 50%. Tùy theo từng giai đoạn, số lượng, quy mô và lĩnh vực đầu tư khác nhau, có giai đoạn trầm lắng, sụt giảm, tuy nhiên, Việt Nam luôn là một trong những nước dẫn đầu về đầu tư nước ngoài tại Lào và ngược lại Lào cũng là nước nhận đầu tư của Việt Nam nhiều nhất.
Hiện nay, đang có làn sóng đầu tư mới sang Lào với quy mô lớn, có chiều sâu, chủ yếu tập trung khai thác một số tiềm năng về khai khoáng, chế biến, nông nghiệp sạch, năng lượng sạch, tái tạo và dịch vụ; quy mô vốn đầu tư cũng lớn hơn và chiến lược đầu tư cũng rõ nét hơn, nổi bật như Tập đoàn Việt Phương, Vietjet Air, Vingoup (Vinfast), Thaco - Trường Hải (nông nghiệp) và Tập đoàn Xuân Thiện đang tìm kiếm cơ hội để đầu tư vào Lào.
Năm sau, Lào đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2024 với chủ đề “ASEAN: Tăng cường kết nối và khả năng phục hồi”, hai nước có thể phối hợp như thế nào để hướng tới năm ASEAN 2024 đầy hi vọng tới đây?
Ngay từ khi Lào chính thức tuyên bố đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2024, tại các cuộc hội đàm, gặp gỡ, tiếp xúc của Lãnh đạo cấp cao hai nước, hai bên nhất trí sẽ phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, nhất là trong ASEAN và các cơ chế tiểu vùng Mekong.
Ngoài số tiền 1 triệu USD là quà tặng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam dành cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào nhân chuyến thăm chính thức Lào của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, phía Việt Nam khẳng định, sẽ tiếp tục hỗ trợ Lào trong công tác chuẩn bị, đặc biệt là trao đổi về nội dung, hậu cần, lễ tân, an ninh và các vấn đề khác, qua đó giúp Lào đảm nhiệm thành công cương vị Chủ tịch ASEAN 2024.
Từ nay đến khi Lào tổ chức các Hội nghị liên quan và trong suốt năm ASEAN 2024, Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Lào cũng như các nước thành viên ASEAN và các đối tác bên ngoài vì lợi ích chung của khu vực và thúc đẩy cộng đồng ASEAN vững mạnh.
Tin tưởng chắc chắn rằng, với sự phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ của các nước, trong đó có Việt Nam, năm Chủ tịch ASEAN 2024 của Lào sẽ thành công tốt đẹp như mong đợi, qua đó đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển ở trong khu vực và trên thế giới.