Một ngày hội về khởi nghiệp công nghệ tại TP.Hồ Chí Minh. (Ảnh: Nghe Nhìn VN) |
Năm 1988, một nhóm kỹ sư người Việt đã giành được hợp đồng đầu tiên cung cấp máy tính cho Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Một trong những chiếc máy xuất xưởng thời đó hiện vẫn đang được trưng bày tại Hà Nội như một kỷ vật đáng nhớ, đặt trân trọng bên cạnh dấu tay của những thành viên từng tạo ra nó.
“Thời điểm đó, tất cả chúng tôi đều liều lĩnh và điên rồ”, ông Trương Gia Bình, lãnh đạo của nhóm kỹ sư bồi hồi nhớ lại.
Ngày nay, FPT - công ty được khởi tạo từ nhóm kỹ sư năm ấy đã trở thành một trong những tập đoàn công nghệ hàng đầu của Việt Nam với gần 27.000 nhân viên và đạt doanh thu gần 1,8 tỷ USD trong năm 2014. Sự xuất hiện của FPT và một loạt các công ty tư nhân trong lĩnh vực công nghệ thông tin thời gian là minh chứng cho thấy sự chuyển mình của nền kinh tế Việt Nam vài thập niên gần đây.
Lực lượng lao động giá rẻ, dân số trẻ, mức sống thấp là những yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư tại Việt Nam. Với những lợi thế đó, họ kỳ vọng những mặt hàng như may mặc, điện tử, điện thoại...được sản xuất tại Việt Nam sẽ có giá rẻ hơn Trung Quốc. Và thực tế đã chứng minh điều đó. Thời gian qua, rất nhiều công ty dệt may nước ngoài đã chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam nhằm đón đầu những cơ hội từ một loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam vừa ký kết. Các tập đoàn công nghệ cũng không bỏ lỡ vận hội này. Samsung và Intel đều đã mở nhà máy sản xuất quy mô lớn tại Việt Nam. Các thiết bị điện tử của Samsung hiện đang đóng góp hơn 10% xuất khẩu của quốc gia này.
Trước làn sóng đầu tư nước ngoài (FDI) mạnh mẽ trong ngành điện tử viễn thông và công nghệ thông tin, nhiều công ty khởi nghiệp và công ty tư nhân Việt Nam cũng đang vươn lên khẳng định vị thế, nhằm thoát khỏi cái bóng của những đại gia công nghệ nước ngoài và các doanh nghiệp Nhà nước.
“Tôi có thể khẳng định, Việt Nam đang là một điểm đến đầu tư hấp dẫn. Samsung, Intel, Foxconn và Nokia đã cho thấy điều đó”, ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần FPT nhận định. Công ty này cũng đang là đối tác của nhiều tập đoàn công nghệ lớn của thế giới như General Electric hay AT&T.
Gần đây, Việt Nam cũng được Hãng nghiên cứu thị trường Gartner xếp là một trong 5 quốc gia gia công phần mềm hàng đầu châu Á, chỉ đứng sau Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines và Sri Lanka.
Theo một khảo sát được Gartner công bố hồi tháng 2/2016, Việt Nam đang trở thành lựa chọn giá rẻ cho nhiều hãng công nghệ nước ngoài với nguồn lao động dồi dào và trình độ tiếng Anh đang dần được cải thiện. Nhiều công ty công nghệ trong nước cũng không bỏ lỡ cuộc chơi này. Số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2013 cho thấy, đã có hơn 100.000 doanh nghiệp đăng ký mở website. Con số này tăng đến 170% so với những năm trước đó.
Năm ngoái, BKAV – một công ty kinh doanh trong mảng an ninh mạng cũng quyết định lấn sân sang thị trường điện tử tiêu dùng khi ra mắt thế hệ điện thoại Bphone nhằm cạnh tranh với các “đại gia” như Samsung và Apple. Thậm chí, trong ngày giới thiệu Bphone ra công chúng, CEO của BKAV Nguyễn Tử Quảng đã mặc quần jeans, áo thun đen theo phong cách của huyền thoại công nghệ Steve Jobs.
Còn Nguyễn Hà Đông – nhà phát triển game di động đình đám Flappy Bird cũng đang lên kế hoạch trở lại thị trường. Năm nay, chàng trai tài năng này dự kiến sẽ ra mắt một loạt các game mới dành cho di động. Trong khi đó, FPT đang trong quá trình xin giấy phép nhằm cung cấp dịch vụ 4G tại Việt Nam và dành khoảng 50 triệu USD/năm cho việc đầu tư vào các công ty khởi nghiệp tại Mỹ.
Thị trường thương mại điện tử của Việt Nam cũng đang nở rộ khi đạt mức doanh thu 4 tỷ USD vào năm ngoái, gấp nhiều lần so với doanh thu 700 triệu USD của năm 2012. Mức tăng trưởng ở thị trường này đã tạo ra nhiều công ty thành công như hotdeal.vn, mua chung.vn...
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp tư nhân nào cũng kinh doanh suôn sẻ như dự kiến. Năm ngoái, sau khi nhận được một loạt phản hồi về lỗi kỹ thuật, BKAV đã buộc phải thu hồi mẫu điện thoại Bphone. Năm nay, hãng tiết lộ sẽ tung ra phiên bản mới của Bphone với nhiều cải tiến và cho ra mắt mẫu đồng hồ thông minh đầu tiên do hãng phát triển.
Có thể nói, làn sóng khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ đã cho thấy tham vọng của Việt Nam trong việc phát triển đất nước dựa vào công nghệ, giống như mô hình của Hàn Quốc hay Đài Loan (Trung Quốc). Và Việt Nam đang có sẵn những tiềm năng để phát triển theo định hướng này.
Mới đây, công ty mẹ của Google là Alphabet đã công bố kế hoạch đào tạo 1.400 kỹ sư công nghệ thông tin tại Việt Nam. Tháng 12/2015, CEO của Google là Sundar Pichai đã ghé thăm Việt Nam và tham dự một diễn đàn dành cho các công ty khởi nghiệp trẻ ở đây. Ông dự báo, những công ty tư nhân Việt Nam có nhiều cơ hội gặt hái thành công tại thị trường thế giới nhờ sự phổ biến của Internet và làn sóng khởi nghiệp đang phát triển mạnh mẽ ở quốc gia này. Pichai cũng cho rằng, không có lý do gì ngăn cản các công ty Việt Nam theo kịp các đối thủ tại Ấn Độ hay Trung Quốc.
“Tôi nghĩ rằng giờ chỉ là vấn đề thời gian. Trên thực tế, nhiều công ty Việt Nam đã làm được điều này”, Pichai chia sẻ.
Để tạo điều kiện cho các công ty công nghệ, Chính phủ đã nới lỏng nhiều quy định cho phép việc đăng ký và thành lập công ty công nghệ trở nên nhanh chóng, đơn giản hơn. “Tất cả chúng ta đang sống trong kỷ nguyên của văn hóa tri thức. Vấn đề là chúng ta cần biết tận dụng điều đó như thế nào”, ông Trương Gia Bình nhấn mạnh.