Công nghệ có khiến chúng ta thực sự hạnh phúc?
Chia sẻ quan điểm của mình, TS. Khuất Thu Hồng cho rằng, tạo ra thế giới ảo là phát minh vĩ đại của con người. "Khi tri thức được mở ra không ngừng nhờ Internet, khi tương tác xã hội được nhân lên dường như vô hạn trên mạng xã hội, chúng ta tưởng mình đã được tự do hơn. Tiếc thay, chúng ta vẫn chỉ là người trần mắt thịt – càng phát minh, càng không thể cất cánh vì bị ghim chặt ở mặt đất bởi sức nặng của chính mình", TS. Khuất Thu Hồng nhận định.
Mấy tuần qua, mạng xã hội liên tục dậy sóng bởi một số vụ bê bối pháp đình, bởi những lời tố cáo xâm hại tình dục và kêu cứu vì bạo hành. Trong những bài viết trên mạng xã hội, có bao nhiêu tình cảm tốt đẹp thì cũng có bấy nhiêu lời mạt sát lẫn nhau được đưa ra... Xem ra, thế giới ảo còn "khó sống" hơn cả đời thực.
Các diễn giả tại tọa đàm. (Ảnh: Nguyễn Linh) |
Bằng kinh nghiệm của mình, bà Hồng cho biết, nếu chúng ta không rũ bỏ được sức nặng trần tục được bồi đắp từ nền văn hóa của cuộc đời này, chúng ta vẫn tiếp tục tước đi tự do của chính mình ở mọi thế giới, cho dù có tạo ra bao nhiêu thế giới đi chăng nữa.
Nhưng câu hỏi đặt ra là, đến khi nào chúng ta mới đủ trưởng thành và thực sự tự do trong thế giới ảo này? Khi mà điện thoại thông minh dần chiếm hữu những cuộc trò chuyện trong bữa cơm gia đình và mạng xã hội đôi khi lại là “con dao hai lưỡi” đối với một số những câu chuyện được chia sẻ.
Nhờ internet, thế giới của chúng ta đang mở rộng không ngừng. Nhiều cơ hội được mở ra, chỉ bằng một vài cú click chuột, hàng hóa được quảng bá rộng rãi trên thị trường trong và ngoài nước. Nhiều mô hình kinh doanh truyền thống cũng được chuyển đổi sang mô hình kinh doanh qua internet.
“Công nghệ có khiến chúng ta thực sự hạnh phúc hơn hay bị ám ảnh, khủng bố và đau đớn hơn? Vậy chúng ta đang đi về đâu? Tôi chợt nhớ đến câu hỏi mà Thiền sư Thích Nhất Hạnh hay đặt ra cho các học trò của mình - Ta đã làm gì đời ta - và những suy nghĩ lan man của tôi về thế giới ảo chợt quay về day dứt", TS. Khuất Thu Hồng trăn trở.
Băn khoăn về việc mỗi chúng ta có thể tồn tại về mặt vật lý được bao nhiêu năm để sống hạnh phúc hơn với thế giới ảo này, TS. Khuất Thu Hồng nói: "Ở trên internet, chúng ta không nhìn vào mắt nhau, không biết nhau, nên chúng ta rất dễ dàng độc ác với người khác. Chúng ta cũng không hình dung được rằng, đằng sau avatar đó là một con người bằng xương bằng thịt. Đã có nghiên cứu chứng minh, người sống ở thời điểm gần đây khó được tha thứ và hòa nhập cộng đồng hơn so với những người mắc tội tương tự trước khi có internet".
Bảng số liệu được cung cấp tại buổi tọa đàm. (Ảnh: Nguyễn Linh) |
Trả lời cho câu hỏi “thế giới ảo là gì?”, TS. Giáp Văn Dương, Chủ tịch GiapGroup nhận định: “Chúng ta cần thống nhất cách hiểu về thế giới ảo. Thế giới ảo cũng có sự vật vật lý, vật chất, thực sự là thông tin. Từ đó tạo ra các giá trị, các tình huống trong thế giới ảo".
Với cách nhìn đó, thế giới ảo chỉ là sự mở rộng thế giới chúng ta đang sống. Dù mở ra một cánh cửa khác nhưng vấn đề là chúng ta đang hoang mang chưa biết cách ứng xử thế nào với phần mở rộng này. Thế giới ảo thực sự nhiều tiềm năng nhưng dường như chúng ta chỉ là những người mới chập chững bước vào.
"Chúng ta may mắn sống ở thời kỳ có thể hợp nhất thế giới thực và ảo. Chỉ có điều, chúng ta còn quá non nớt, chưa đủ trưởng thành và kinh nghiệm hành xử để có một cuộc sống hạnh phúc và tránh gây khổ đau, tổn thương cho người khác", TS. Dương lo ngại.
"Quán bia" khổng lồ trên mạng xã hội
Là người trong cuộc, từng chịu không ít "gạch đá" từ cư dân mạng, TS. Đặng Hoàng Giang (Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng) không giấu được cảm xúc tổn thương khi từng bị lăng nhục trên mạng xã hội.
Bằng kinh nghiệm của mình, ông Đặng Hoàng Giang cho rằng, khi những lời bình luận đối với lỗi vi phạm của một con người trên mạng xã hội được đưa ra thì google sẽ không bao giờ "quên" những vi phạm đó. Quá khứ đó sẽ không bao giờ được xóa đi, con người không được trao cơ hội quay trở lại cộng đồng mà luôn bị "dán nhãn" khủng khiếp. Cơ chế này giống cơ chế "thích", "dán nhãn" và hắt hủi những người phạm tội trong xã hội phong kiến.
Qua đó, TS. Giang bày tỏ sự quan ngại và đưa ra nhận định rằng, mạng xã hội đang biến thành một “quán bia khổng lồ”. Ông cho biết, thời đầu tiên, người ta cho rằng mạng xã hội có tác động tới quá trình dân chủ hóa. Khi ấy, tất cả những người thấp cổ bé họng cũng có thể cất tiếng nói, mọi quyết định trong xã hội sẽ mang tính đồng thuận cao hơn.
Nhiều bạn trẻ trăn trở về văn hóa trên mạng xã hội. (Ảnh: Nguyễn Linh) |
“Quán bia khổng lồ được thể hiện khi một vấn đề được đưa ra, những kẻ có âm mưu xấu có thể lợi dụng mạng xã hội để làm nhiễu. Những người dùng mạng xã hội có nguy cơ sống trong căn phòng đồng vọng, không tìm ra được tiếng nói, thảo luận với những người có có chính kiến khác biệt", TS. Giang cho biết.
TS. Giang băn khoăn nhiều về khả năng trưởng thành của con người khi sử dụng mạng xã hội một cách hợp lý. “Khoảng 200 năm trước, động cơ hơi nước được coi là món quà của chúa Trời. Cho đến khi công nghiệp phát triển, chúng ta không kiểm soát được lại đang tạo ra biến đổi khí hậu. Tương tự, nếu chúng ta cứ tham lam và không tỉnh táo, thì mạng xã hội lại quay lại tấn công chúng ta", TS. Đặng Hoàng Giang bày tỏ sự lo lắng.
Theo số liệu báo cáo từ tổ chức We Are Social, tính đến tháng 1/2018, dân số Việt Nam có 96.02 triệu người với tỉ lệ đô thị hóa là 35%. Báo cáo này cũng cho biết, tổng số người dùng internet ở Việt Nam vào tháng 1/2018 là 64 triệu người, tăng đến 13.05 triệu người và khoảng 27.5% so với cùng thời điểm năm ngoái. |