📞

Thế giới đã sẵn sàng cho việc vận chuyển vaccine Covid-19?

Anna Trần 14:32 | 16/11/2020
TGVN. Thế giới đang chạy đua để tìm ra vaccine Covid-19. Tuy nhiên, khi vaccine đã sẵn sàng, việc vận chuyển số lượng lớn vaccine một cách an toàn và hiệu quả đang là thách thức của ngành hàng không toàn cầu.
Vaccine Covid-19 được phát triển bởi Pfizer Inc. (Mỹ) đã cho thấy khả năng ngăn ngừa đến 90% ca bệnh có triệu chứng, ở thử nghiệm lâm sàng trên 10.000 tình nguyện viên.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện có hơn 165 "ứng cử viên" vaccine Covid-19 đang trong giai đoạn phát triển, một số đã đến giai đoạn 3 là thử nghiệm trên người ở diện rộng.

Gần đây nhất, Pfizer, một trong những tập đoàn dược phẩm lớn nhất thế giới tại New York và công ty BioNTech của Đức tuyên bố rằng vaccine của họ có tác dụng lên đến 90% với Covid-19, đánh dấu cột mốc quan trọng cho khoa học và nhân loại về cuộc chiến tìm ra vaccine cho đại dịch Covid-19.

Theo Giám đốc Cargo Toàn cầu tại Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) Glynn Hughes, sẽ cần khoảng 8 tỷ liều vaccine phân phối trên toàn cầu. Khối lượng của lô hàng cỡ đó sẽ lấp đầy hơn 8.000 máy bay vận tải Boeing 747, với giả định mỗi bệnh nhân chỉ cần một liều vaccine duy nhất.

Còn nếu cần nhiều hơn một liều, khối lượng sẽ tăng lên đáng kể. Điều này tạo ra "bài toán khó" cho ngành hàng không là làm thế nào để vận chuyển khối lượng vaccine khổng lồ này một cách an toàn và hiệu quả.

Điều kiện vận chuyển

Việc bảo quản và vận chuyển vaccine cũng là "bài toán khó" được đặt ra đối với ngành hàng không.

Vaccine là sản phẩm sinh học rất nhạy cảm nên cần có hệ thống dây chuyền lạnh và thiết bị theo dõi nhiệt độ khi vận chuyển từ nhà máy đến các bệnh viện hay trung tâm y tế. Một thách thức rõ ràng là vaccine Covid-19 vẫn chưa được phê duyệt, nên chúng ta vẫn chưa biết được hết các đặc tính của chúng.

Các chuyên gia trong ngành cảnh báo rằng, vaccine non chứa các phân tử tương đối không ổn định có thể sẽ phải được bảo quản ở nhiệt độ đông lạnh dưới -18° C. Do đó, sẽ cần các thiết bị và vật liệu như hộp mát, tủ đông lạnh và rất nhiều đá khô khi vận chuyển.

Điều này dẫn đến nhiệm vụ vận chuyển sẽ rất khó khăn đối với các bên liên quan, đặc biệt là đối với ngành hàng không khi cần tổ chức vận chuyển ở quy mô lớn. Có một số hãng tiên phong đã bắt đầu chuẩn bị cho việc vận chuyển vaccine, chẳng hạn như Korean Air và Emirates.

Đây là những hãng hàng không đầu tiên nắm bắt cơ hội từ lĩnh vực kinh doanh mới này. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, nếu chỉ có một số hãng hàng không đủ năng lực vận chuyển là không thấm vào đâu so với nhu cầu vaccine cần thiết cho toàn cầu.

Hạn chế năng lực vận tải hàng không

Theo giả định của các chuyên gia hàng không, nếu thế giới cần ít nhất 8 tỷ liều vaccine Covid-19, sẽ cần hơn 8.000 máy bay vận tải Boeing 747 để vận chuyển số lượng vaccine này. (Nguồn: Pinterest)

Trước đại dịch Covid-19, một phần không nhỏ hàng hóa được vận chuyển bằng các máy bay thương mại chở khách. Tuy nhiên, phần lớn số máy bay thương mại này vẫn đang đỗ ở các sân bay, đặc biệt là dòng máy bay thân rộng, do các chuyến bay thương mại quốc tế hầu như không được phép khai thác.

Trong khi đó, trên thế giới chỉ có một số lượng hạn chế máy bay chở hàng chuyên dụng (freighter aircraft) cộng thêm nhu cầu vận chuyển thiết bị bảo hộ y tế tăng vọt trong năm nay (như khẩu trang, găng tay, đồ bảo hộ,...) trong khi đó nhu cầu vận chuyển hàng không cho các mặt hàng thiết yếu vẫn cần duy trì.

Vì thế, gần đây đã xảy ra tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng máy bay chở hàng. Và do nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu, nên không chỉ chi phí thuê chuyến tăng vọt mà nhiều máy bay đã kín lịch đến tháng 2, tháng 3/2021, đặc biệt là dòng chuyên cơ vận tải Boeing 747.

Do đó, để phân phối được 8 tỷ liều vaccine là một áp lực rất lớn đối với vận tải hàng không, bên cạnh việc duy trì các chuỗi cung ứng toàn cầu khác.

Trong bối cảnh này, khả năng cao là các máy bay thương mại chở khách sẽ phải được khai thác kết hợp cùng với máy bay vận tải. Trong năm 2020, một số MROs (bảo trì, sửa chữa và vận hành) đã thực hiện việc tháo dỡ nội thất bên trong máy bay thương mại để gia tăng trọng tải vận chuyển hàng hoá và nâng cao năng lực vận chuyển của ngành hàng không.

Tuy nhiên, đây là một quá trình rất tốn kém và mất thời gian, nên không có nhiều hãng hàng không sẵn sàng chuyển đổi máy bay của họ chỉ để đáp ứng nhu cầu kinh doanh ngắn hạn. Đa số các hãng đã cho thuê chuyến máy bay thương mại để chở hàng, nhưng một hạn chế rõ ràng của dòng máy bay này là trọng tải của chúng ít hơn nhiều so với máy bay chở hàng chuyên dụng cùng loại, trong khi chi phí vận hành là không khác quá khác biệt.

Vì vậy chi phí vận chuyển trên một kilogam của máy bay chở khách sẽ đắt hơn máy bay chở hàng, và đôi khi còn không khả thi về mặt giá trị thương mại.

Hợp tác giữa các bên liên quan

Đến nay vẫn chưa có hướng dẫn chính thống về quy trình vận chuyển vaccine Covid-19 nào để các đơn vị liên quan thực hiện, hay tiến hành công tác chuẩn bị cần thiết.

Đó là lý do tại sao chính phủ, các tổ chức nhân đạo, nhà sản xuất vaccine, hãng hàng không và các đơn vị logistic cần phải ngồi bàn tròn lại với nhau, không chỉ một mà nhiều lần để chuẩn bị cho các yêu cầu vận chuyển và đưa ra được một giải pháp phân phối khả thi.

Điều này sẽ đảm bảo rằng khi vaccine đã sẵn sàng, thì việc phân phối sẽ được thực hiện một cách an toàn, hiệu quả, kịp thời đến những nơi cần phân phối trên toàn thế giới.

Tác giả Anna Trần là người Việt làm việc tại Anh. Cô là Quản lý phát triển kinh doanh của Brookfield Aviation International, doanh nghiệp hàng đầu thế giới về cung cấp nhân lực hàng không bao gồm phi công, kỹ sư và chuyên gia cho các hãng hàng không trên toàn cầu; cung cấp các giải pháp cho thuê máy bay cũng như dịch vụ đào tạo cho các phi công và kỹ sư trẻ.