Washington đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích Trung Quốc về việc xây dựng các đảo nhân tạo tại Biển Đông. (Nguồn: Reuters) |
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Dave Eastburn ngày 2/7 cho biết, Bộ Quốc phòng Mỹ đã nắm được thông tin về việc Trung Quốc phóng thử tên lửa chống hạm từ các đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp phi pháp ở khu vực quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam vào cuối tuần qua.
"Tôi không đại diện cho các quốc gia có chủ quyền trong khu vực, nhưng tôi chắc chắn họ đều nhất trí rằng, hành vi của Trung Quốc đi ngược lại những cam kết về việc duy trì hòa bình trong khu vực và đó là những hành động mang tính đe dọa nhằm bắt nạt các nước khác", Eastburn nói.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc cho rằng, vụ phóng tên lửa của Trung Quốc là hành động "đáng lo ngại" và trái với cam kết không quân sự hóa Biển Đông của Bắc Kinh.
Về phía Australia, phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng nước này nói trong một tuyên bố chính thức rằng : “Australia quan ngại trước bất cứ hành động nào của các bên liên quan làm gia tăng căng thẳng tại khu vực Biển Đông. Australia không đứng về phía bất kỳ bên tranh chấp nào. Tuy vậy, chúng tôi hết sức quan tâm tới sự ổn định của tuyến đường thuỷ quốc tế và các quy tắc, cũng như luật lệ chi phối nó.”
Một quan chức Australia giấu tên trả lời kênh ABC Australia nhận định rằng, hoạt động của Trung Quốc là đáng lo ngại nhưng lại không hề bất ngờ, do Bắc Kinh đã ráo riết củng cố sức mạnh quân sự tại khu vực này trong thời gian gần đây.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana phát biểu vào ngày 3/7, cho biết, Philippines không biết về vụ phóng tên lửa của Trung Quốc ngoài Biển Đông ngoại trừ qua tin tức được đưa trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ngoài ra, ông Lorenzana cũng cho biết, Manila sẽ mở một cuộc điều tra riêng, thu thập thêm thông tin từ việc Mỹ tố cáo Trung Quốc phóng tên lửa tại Biển Đông và sẽ có hành động phù hợp nếu thông tin đó là chính xác.
Theo nhận định của tờ South China Morning Post, với việc Trung Quốc phóng thử tên lửa tại khu vực Biển Đông, Bắc Kinh đang muốn thể hiện sức mạnh quân sự nhằm kiếm lấy “kèo trên” trong cuộc đàm phán sắp tới với Mỹ.
Theo quan chức Mỹ được NBC trích dẫn, thông tin về vụ thử nghiệm còn chưa rõ ràng, chưa thể xác định những tên lửa chống hạm đang được Trung Quốc thử nghiệm có phải loại vũ khí thể hiện năng lực quân sự mới của quân đội Trung Quốc hay không. Nhưng dù thế nào, đó vẫn là một sự kiện đáng quan ngại.
Khu vực Trung Quốc tuyên bố diễn tập ở Biển Đông từ ngày 29/6 tới 3/7. (Nguồn: VnExpress) |
Tình hình tại Biển Đông lại “nóng” lên khi vào cuối tuần qua, lần đầu tiên Trung Quốc được cho là đã phóng ít nhất một tên lửa ở khu vực phía bắc quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Ngày 1/7, hai quan chức Mỹ giấu tên khẳng định với CNBC rằng, Trung Quốc đã tiến hành hàng loạt cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo chống hạm ở Biển Đông. Vụ phóng đầu tiên được thực hiện vào cuối tuần trước, khi ít nhất một quả tên lửa được khai hỏa và rơi xuống biển.
Giới chức Mỹ cũng cho biết, nhiều khả nằng Trung Quốc đã, đang và sẽ tiếp tục tiến hành các vụ phóng tên lửa chống hạm trong đợt diễn tập quân sự kéo dài 5 ngày trên Biển Đông, kết thúc vào ngày 3/7.
Trước đó, Cục Hải sự Trung Quốc ngày 29/6 thông báo, quân đội Trung Quốc tổ chức đợt diễn tập quân sự 5 ngày tại khu vực phía Bắc quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Trung Quốc yêu cầu mọi tàu bè không qua lại khu vực rộng khoảng 22.500 km2 trong thời gian cuộc diễn tập được tổ chức từ 0h ngày 29/6 tới 24h ngày 3/7.
Các nguồn tin tình báo Mỹ cho biết, Trung Quốc từ tháng 5/2018 đã bí mật triển khai tên lửa hành trình đối hạm và phòng không lên các đảo nhân tạo bồi đắp trái phép tại đá Chữ Thập, Vành Khăn và Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Việt Nam đã nhiều lần lên án các hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, yêu cầu nước này tôn trọng chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam ở các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
(TGVN tổng hợp)