Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh. (Nguồn: Reuters) |
* Ngày 7/4, trong thư gửi tới Bộ trưởng Dầu mỏ Algeria, Chủ tịch Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh đã bày tỏ quan ngại về những diễn biến không rõ ràng liên quan tới cuộc họp sắp tới của các bộ trưởng OPEC+. Theo ông, việc tổ chức cuộc họp mà không đem lại kết quả rõ ràng hay một sự thống nhất nào cho thị trường hiện nay sẽ là thông điệp thất bại, tác động tiêu cực tới thị trường vốn đang chao đảo do giá dầu sụt giảm mạnh hiện nay.
Bộ trưởng Zanganeh cho rằng, nếu ngay từ đầu các bên không thống nhất được kết quả mong muốn, cách thức đạt được kết quả này, cũng như lường trước được những phản ứng của thị trường dầu mỏ, cuộc họp sẽ không thành công. Theo ông, những vấn đề như mức độ và thời gian cắt giảm sản lượng, phản ứng từ Mỹ và Canada, cơ sở tính toán việc cắt giảm sản lượng của mỗi nước, việc cắt giảm này sẽ được điều phối như thế nào... cần phải được thảo luận trước khi tiến hành họp.
Theo các nguồn thạo tin, Saudi Arabia, Nga và các nhà sản xuất dầu mỏ trong OPEC+ sẽ nhất trí cắt giảm sâu hơn sản lượng dầu thô khi thảo luận trong tuần này, nếu Mỹ và một số quốc gia khác đồng ý phối hợp hạn chế sản lượng nhằm giúp nâng giá dầu, vốn đang bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19. Dự kiến OPEC+ sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến vào ngày mai (9/4).
Thống kê của Ngân hàng Trung ương Pháp (BoF) cho thấy nước này đã tăng trưởng âm trong hai quý liên tiếp. (Nguồn: FintechIstanbul) |
* Do tác động của dịch Covid-19, trong quý I/2020, nền kinh tế Pháp đã suy giảm khoảng 6% và đây là mức giảm lớn nhất kể từ năm 1945 - thời điểm cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc.
Trong thông báo ngày 8/4, Ngân hàng Trung ương Pháp (BoF) cho biết, trong 2 tuần cuối tháng 3 vừa qua, khi dịch trở nên nghiêm trọng hơn, hoạt động kinh tế đã sụt giảm tới 32%. BoF ước tính cứ mỗi 2 tuần đất nước trong tình trạng phong tỏa nhằm ngăn chặn đại dịch lây lan, tăng trưởng kinh tế lại sụt giảm 1,5%. Xây dựng, giao thông, nhà hàng và khách sạn là những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Không chỉ vậy, thống kê chính thức cho thấy trong quý cuối cùng của năm 2019, tăng trưởng kinh tế Pháp giảm 0,1%. Cùng với sự suy giảm trong quý I/2020, kinh tế Pháp đã chứng kiến mức tăng trưởng âm liên tiếp trong 2 quý, đồng nghĩa với nước này đang trong giai đoạn suy thoái.
Pháp đã phong tỏa toàn quốc từ ngày 17/3-15/4 nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan. Tuy nhiên, Paris cũng cảnh báo có thể gia hạn biện pháp này nếu đại dịch không có dấu hiệu “hạ nhiệt”.
Nguời dân Anh đứng đợi mua hàng bên ngoài một siêu thị của Tesco. (Nguồn: Sky News) |
* Trong khi đó, hãng bán lẻ lớn nhất nước Anh Tesco ước tính, chi phí đối phó đại dịch Covid-19 có thể tới 925 triệu Bảng (khoảng 1,1 tỷ USD) và khó đưa ra dự báo lợi nhuận trong tài khóa này.
Theo Tesco, trong thời gian Chính phủ áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc nhằm khống chế dịch bệnh Covid-19, siêu thị đã chứng kiến nhu cầu “nhảy vọt” với các hàng hóa thiết yếu. Đến ngày 22/3, doanh thu các cửa hàng tăng hơn 20%, lên mức kỷ lục 10,8 tỷ Bảng trong 4 tuần.
Tuy vậy, cuộc khủng hoảng Covid-19 cũng đi kèm với các chi phí cao hơn. Biện pháp giãn cách xã hội đã hạn chế số người cùng đi mua sắm tại siêu thị trong một thời gian nhất định, tăng hoạt động giao hàng trên mạng, tiền thưởng cho nhân viên hoặc thuê thêm nhân công. Riêng 2 tuần qua, Tesco đã phải thuê thêm 45.000 nhân công tại Anh để thay thế những nhân viên bị ốm, cũng như đáp ứng nhu cầu mua sắm ngày một cao của người dân.
Nếu mọi thứ trở lại bình thường vào tháng 8, Tesco dự tính doanh thu cao hơn và việc Chính phủ giảm thuế nhằm giúp đỡ các công ty đối phó với Covid-19 sẽ bù đắp được chi phí vượt dự toán.
Amazon sẽ dừng dịch vụ Amazon Shipping vào tháng 6 tới. (Nguồn: Getty Images) |
* Tập đoàn bán lẻ trực tuyến Amazon của Mỹ có kế hoạch tạm ngừng dịch vụ giao hàng. Theo Wall Street Journal ngày 7/4, Amazon đã thông báo dừng Amazon Shipping kể từ tháng 6 tới. Nguyên nhân được cho là nhu cầu củng cố nhân lực, năng lực xử lý lượng đơn tăng đột biến.
Một người phát ngôn của Amazon đã xác nhận thông tin trên, đồng thời cho biết hãng thường xuyên cân nhắc yếu tố để đảm bảo mang đến sự phục vụ tốt nhất cho khách hàng.
Amazon Shipping được triển khai tại nhiều thành phố của Mỹ, cung cấp dịch vụ vận chuyển bưu phẩm mua trên nền tảng Amazon và kể cả ngoài Amazon. Hiện tập đoàn đang phải giải bài toán khó khi nhu cầu tăng đột biến do thời điểm này, đa số người dân Mỹ ở nhà và mua hàng qua mạng nhằm hạn chế lây lan dịch Covid-19. Do tình trạng quá tải, hãng đã không thể xử lý và hoàn thành giao hàng cho khách trong vòng 1 - 2 ngày như thời điểm trước khi dịch bệnh bùng phát.
Hồi tháng 3, Amazon cho biết sẽ thuê 100.000 nhân viên quản lý kho và giao hàng ở Mỹ để giải quyết tình trạng này, đồng thời tăng lương từ 15 USD lên 17 USD/giờ cho công nhân làm việc tại Mỹ. Trung tuần tháng này, hãng đã tạm ngừng vận chuyển các mặt hàng không cần thiết tới Italy và Pháp, tuân theo hướng dẫn giữ khoảng cách xã hội nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe nhân viên.
Điều này đồng nghĩa với việc tập đoàn phải tập trung năng lực cho những mặt hàng ưu tiên cao nhất và thiết yếu như các sản phẩm dành cho trẻ em; đồ y tế và đồ gia dụng; sản phẩm chăm sóc và làm đẹp, nhu yếu phẩm và các hàng cho vật nuôi, phục vụ công nghiệp và khoa học. Trước đó, Amazon cũng thông báo không vận chuyển các mặt hàng không cần thiết ở Mỹ và Anh.