Thế giới nóng theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. (Nguồn: Getty) |
Ngôi nhà chung nóng từ nhiều hướng
Thế giới nóng theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nhiệt độ Trái đất tăng cao do khí thải Carbon gây hiệu ứng nhà kính. Tác động khắc nghiệt của biến đổi khí hậu phủ bóng lên mọi quốc gia, bất kể phát triển hay chậm phát triển.
Làn sóng đại dịch Covid-19 thứ tư tái lập các điểm nóng ở Ấn Độ, Sri Lanka, Campuchia…
Tàu chiến nhiều nước tiếp tục hiện diện với mật độ cao, thị uy, răn đe nhau ở Biển Đông, Biển Hoa Đông, Biển Đen... Đụng độ dữ dội giữa lực lượng vũ trang thiểu số với quân đội Myanmar tại bang Karen, đe dọa thỏa thuận 5 điểm của ASEAN.
Xung đột vũ trang chực chờ ở khu vực biên giới Kyrgyzstan và Tajikistan. Bom, đạn của nhiều quốc gia, phe phái vẫn nổ, máu vẫn đổ ở Syria, Trung Đông.
Tên lửa, máy bay, binh sĩ hiện diện trong, quanh Ukraine, bán đảo Crimea. Mỹ, EU, Nga, Trung Quốc vạch ra “lằn ranh đỏ”.
Những tuyên bố đầy khiêu khích liên quan đến Ukraine, Crimea, Đài Loan (Trung Quốc)…, tạo cảm giác “bên miệng hố chiến tranh”.
Các cuộc thử nghiệm vũ khí mới vẫn miệt mài. Thị trường mua bán vũ khí sôi động trong thời lưu thông hàng hóa đứt gãy do đại dịch. Trái đất có thể bị hủy diệt nếu kho vũ khí hạt nhân không được kiểm soát. Chỉ một tính toán sai lầm, một cái đầu “nóng”, nhiều khu vực sẽ chìm trong bão lửa.
Nhiều học giả cho rằng chiến tranh giữa các cường quốc, nhất là các cường quốc hạt nhân, ít khả năng xảy ra. Bởi cuộc chiến tranh hạt nhân sẽ không có bên nào thắng.
Nhưng xung đột vũ trang, chiến tranh có thể diễn ra giữa một nước lớn, nước đang trỗi dậy với một nước nhỏ, yếu hơn hoặc giữa các bên có sức mạnh tầm tầm nhau. Nước lớn có thể tiến hành kiểu chiến tranh “ủy nhiệm”, “mượn tay kẻ khác”, “phi quy ước”… Quá nhiều nguồn lực được huy động để phát triển loại hình chiến tranh mới, các loại vũ khí mới có tính năng vượt trội.
Cuộc chiến trừng phạt kinh tế, pháp lý, trục xuất ngoại giao đã quen thuộc từ nhiều thập kỷ trước. Nhưng ngày càng được sử dụng dày đặc, mau lẹ, “ăn miếng trả miếng”, như cuộc so găng giữa các võ sĩ quyền Anh nhà nghề, hạng siêu nặng.
Bất ngờ, khó đoán định
Căng thẳng, đối đầu giữa Mỹ và đồng minh với Trung Quốc, Nga là vậy, nhưng các bên vẫn chấp nhận tham dự hội nghị thượng đỉnh với nhau, bàn cách giải cứu khí hậu, thỏa thuận hạt nhân Iran…
Cùng dự hội nghị thượng đỉnh, tuyên bố hợp tác, thể hiện thiện chí, trách nhiệm nhưng giọng điệu không cùng tông, không muốn đối thủ ghi điểm.
Vừa tuyên bố trừng phạt Nga, ngay lập tức, Tổng thống Biden lại mời Tổng thống Putin gặp gỡ. Mỹ xác định cạnh tranh với Trung Quốc là quốc sách trong thế kỷ XXI, nhưng vẫn để ngỏ khả năng đối thoại, ngoại giao.
EU phối hợp với Mỹ, trừng phạt Nga, Trung Quốc nhưng vẫn ký hiệp định đầu tư với Bắc Kinh; Đức, Áo muốn duy trì quan hệ với Moscow. Czech lôi chuyện nổ kho vũ khí cách đây 7 năm để trục xuất nhà ngoại giao Nga, bất chấp nội bộ chia rẽ và nhận đáp trả tương xứng.
Tổng thống Biden bất ngờ công nhận tội ác diệt chủng ở Armenia năm 1915, gây căng thẳng quan hệ với đồng minh quan trọng Thổ Nhĩ Kỳ.
Trung Quốc phối hợp chiến lược với Nga, để hạn chế tác động từ các đòn trừng phạt của Mỹ và đồng minh. Nhưng quan hệ Trung - Nga chỉ mang tính liên thủ. Bắc Kinh vẫn tìm kiếm hợp tác cùng có lợi với Mỹ, bằng những hành động bất ngờ kiểu “ngoại giao bóng bàn” đầu thập niên 1970.
Thế giới ẩn chứa những mâu thuẫn, xung đột phức tạp giữa con người với thiên nhiên và giữa con người với nhau, không những nảy lửa mà còn bất ngờ, khó đoán định, dường như “bất quy tắc”.
Mỹ và Trung Quốc là hai tâm chấn của cường độ, hướng của mọi va đập trong thế giới hiện nay. (Nguồn: Getty) |
Nguyên do và tính quy luật
Cái gì cũng có nguyên do. Tư duy theo nguyên lý “chuyển động Brown” (“sự hỗn loạn có quy luật”), có thể thấy quy luật nào đó trong tình hình thế giới hiện nay. Vậy nguyên do gì và quy luật nào?
Thứ nhất, cường độ, hướng của mọi va đập đều từ các tâm chấn Mỹ, Trung Quốc, Nga; từ 2 trục liên minh giữa Mỹ và đồng minh với liên thủ giữa Trung Quốc và Nga. Bản thân các “tâm, trục” này cũng tự chuyển động quanh “tâm, trục” của mình, gây ra chuyển động phức tạp của đồng minh, đối tác.
Các đồng minh EU xem hành động trừng phạt Nga, Trung Quốc là sự thể hiện thái độ ủng hộ Hoa Kỳ và cũng nhằm đối phó với mối lo ngại từ Nga. Một số nước từng là thành viên khối Warsaw, Liên Xô, xem đối đầu với Nga như con bài để mặc cả gia nhập NATO.
Đối lại, Trung Quốc, Nga, Iran cũng phải tìm kiếm quan hệ mới và hợp tác với một số nước thành viên EU để chia rẽ liên minh Mỹ và EU. Nhưng mỗi thành viên trong các tập hợp ấy cũng có mục đích riêng, tìm kiếm lợi ích riêng.
Thứ hai, hợp tác hay cạnh tranh, đấu tranh đều xuất phát từ lợi ích quốc gia, dân tộc. Đồng minh, đối tác là nhất thời, chỉ có lợi ích quốc gia, dân tộc là vĩnh viễn. Trong đối thủ có mặt cần hợp tác và trong đối tác có mặt cần cảnh giác.
Nguyên lý này là lời giải thích thuyết phục cho những động thái bất ngờ, đan xen phức tạp trong quan hệ quốc tế.
Lợi ích chiến lược là điều mà quốc gia nào cũng coi trọng. Nhưng chỉ biết đề cao lợi ích của mình, xem nhẹ, xâm phạm lợi ích chung, lợi ích của quốc gia khác sẽ dẫn đến mâu thuẫn, căng thẳng, đối đầu.
Thứ ba, hợp tác, cạnh tranh, đấu tranh luôn song hành. Dù cạnh tranh, đối đầu căng thẳng, nhưng không thể giải quyết vấn đề khí hậu toàn cầu nếu không có sự hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc. Hay thỏa thuận hạt nhân Iran không thể khôi phục nếu Mỹ, EU cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Nga, Trung Quốc.
Do vậy, vừa hợp tác, vừa cạnh tranh, đấu tranh là xu thế hiện nay.
Đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin, chìa khóa hóa giải xung đột
Thói quen thường chú ý đến mặt trái, khó khăn, phức tạp. Nhưng hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là dòng chính trong quan hệ giữa các quốc gia.
Cộng đồng quốc tế đang nỗ lực “tăng cường hợp tác giữa Liên hợp quốc với các tổ chức khu vực nhằm thúc đẩy xây dựng lòng tin và đối thoại trong ngăn ngừa và giải quyết xung đột”.
Đó cũng chính là thông điệp của Chủ tịch nước Việt Nam trong phiên thảo luận mở cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 19/4.
Thông qua các hoạt động ngoại giao, nhất là trong tháng đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam đã nỗ lực phối hợp cùng các nước thúc đẩy đồng thuận, sự tham gia, đóng góp của các quốc gia, xây dựng, duy trì nền hòa bình bền vững, bảo vệ người dân; phản ứng kịp thời trước những vấn đề nảy sinh, đe dọa hòa bình, an ninh quốc tế.
Việc các quốc gia thành viên Liên hợp quốc đánh giá cao và đồng thuận với đề xuất, sự kiện do Việt Nam chủ trì, cho thấy khát vọng, quyết tâm của cộng đồng quốc tế hướng tới một thế giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Con đường còn rất dài, nhưng quyết đi thì sẽ đến.