📞

Thế giới nửa năm với những biến động, bất ngờ

TS. Hoàng Anh Tuấn 16:00 | 18/06/2022
Năm 2022 mở đầu với những hy vọng tràn trề về một thế giới ổn định, kinh tế toàn cầu tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, “niềm vui ngắn chẳng tày gang”...
Xung đột Nga-Ukraine gây hệ quả tàn khốc mang tính toàn cầu từ việc tăng giá xăng dầu, lương thực hay siêu lạm phát. (Nguồn: Twitter)

Các dự báo lạc quan mà giới quan sát quốc tế đưa ra trước đó chưa lâu mau chóng trở nên lỗi thời khi xung đột Nga-Ukrainenổ ra ngày 24/2/2022 với những hệ lụy to lớn về chính trị, an ninh, kinh tế mà thế giới chưa từng chứng kiến.

Thế giới sau 24/2 là một thế giới vĩnh viễn khác thế giới trước đó. Và cũng như ảnh hưởng của sự kiện 11/9 đối với thế giới, “trật tự mới” được hình thành sau xung đột Nga - Ukraine này sẽ định hình lại vai trò của các nước lớn, quan hệ giữa họ với nhau cũng như tập hợp lực lượng và các xu hướng kinh tế, chính trị, an ninh trên thế giới trong nhiều thập kỷ tiếp theo.

Những biệt lệ

So với các xung đột xảy ra trước đó trên thế giới, xung đột Nga-Ukraine có nhiều điểm khác biệt đáng chú ý.

Thứ nhất, cuộc xung đột gây tác động trên quy mô toàn thế giới.

Lịch sử loài người hiện đại trong khoảng 10.000 năm qua đã chứng kiến hàng chục ngàn cuộc chiến tranh lớn, nhỏ khác nhau, trong đó có hai cuộc chiến lớn nhất là Thế chiến I và Thế chiến II. Tuy gọi là thế chiến, nhưng Thế chiến I chỉ diễn ra ở lục địa châu Âu, còn các châu lục khác bị ảnh hưởng không đáng kể. Thế chiến II thì diễn ra với quy mô lớn hơn, nhưng nhiều khu vực khác của thế giới bị tác động không đáng kể, như châu Phi, Nam Á, khu vực Mỹ Latinh và châu Đại dương.

Với cuộc xung đột Nga-Ukraine thì cả thế giới, dù ở vùng Sừng châu Phi, Nam Thái Bình Dương hay Trung Mỹ, đều như ngồi trên đống lửa và chịu hệ quả tàn khốc mang tính toàn cầu từ việc tăng giá xăng dầu, lương thực hay siêu lạm phát.

Thứ hai, xung đột Nga-Ukraine là xung đột lớn nhất ở châu Âu kể từ sau Thế chiến II đến nay. Và cũng trong gần 80 năm qua, châu Âu và thế giới chưa từng chứng kiến một cuộc xung đột nào xảy ra ngay sát hai thế lực quân sự hùng mạnh và kình chống nhau là Nga và NATO như lúc này. Đáng chú ý là Liên hợp quốc, tổ chức có vai trò và tiếng nói quan trọng đối với tất cả các cuộc xung đột lớn trên thế giới từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay, lại ít có tiếng nói trong cuộc xung đột này.

Thứ ba, thế giới cũng chưa từng chứng kiến một cuộc xung đột nào mà chỉ chưa đầy ba tháng kể từ khi nổ ra có tới một phần ba trong tổng số 42 triệu người dân của một nước phải rời bỏ quê hương hay sơ tán như ở Ukraine.

Thứ tư, kể từ năm 1945 đến nay, thế giới chưa khi nào chứng kiến nguy cơ chiến tranh hạt nhân cận kề như xung đột Nga-Ukraine hiện nay. Kể từ sau ngày 24/2, lãnh đạo Nga từ Tổng thống Putin, Phó Chủ tịch hội đồng an ninh quốc gia Medvedev, Ngoại trưởng Lavrov... liên tục đưa ra các cảnh báo về khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân nếu phương Tây can thiệp vào cuộc xung đột.

Đây là tình trạng hết sức nguy hiểm vì trước đây, phương Tây đã từng hiểu sai hoặc bỏ qua các cảnh báo sử dụng vũ lực của Nga và nay họ có thể mắc phải sai lầm một lần nữa.

Thứ năm, lần đầu tiên trong lịch sử thế giới, một quốc gia như Nga lại đương đầu và ghi điểm, ít nhất cho đến lúc này, trước sự bất lực của liên minh các quốc gia hùng mạnh. Xét về sức mạnh kinh tế, thương mại, công nghiệp, kể cả vũ khí thông thường, Nga còn “bé nhỏ” so với sức mạnh tổng hợp của Mỹ và các nước phương Tây.

Tuy nhiên vì có sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới (Nga có khoảng 6.200 đầu đạn hạt nhân so với 5.775 của Mỹ), và sử dụng các con bài lương thực, dầu lửa, khí đốt, quặng kim loại hiếm... nên Nga đã và đang có một số lợi thế nhất định trong xung đột với Ukraine và cuộc đối đầu với Mỹ và phương Tây.

Cuộc khủng hoảng năng lượng xuất phát từ xung đột Nga-Ukraine sẽ đẩy nhanh tiến trình loại bỏ năng lượng hóa thạch như than đá, dầu lửa, thúc đẩy nghiên cứu phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo vì mục tiêu phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu.

Những hệ quả lâu dài

Trái với dự đoán của hầu hết nhà quan sát bên ngoài, cuộc xung đột Nga-Ukraine đã không diễn ra nhanh như dự báo và có thể còn kéo dài nhiều tháng nữa. Điều nghịch lý là xung đột kiểu cường độ thấp này càng kéo dài thì Nga càng thu được nhiều ngoại tệ mạnh hơn từ giá năng lượng tăng cao và đồng Ruble được định giá thấp từ chính Mỹ và các nước EU - những nước kêu gọi cấm vận Nga mạnh nhất.

Trong khi đó, xung đột càng kéo dài thì Mỹ và các nước phương Tây càng đối mặt với vô vàn khó khăn, từ giá năng lượng, lạm phát tăng cao, suy thoái kinh tế đến các bất ổn xã hội tiềm ẩn...

Có thể thấy một số tác động lớn đối với thế giới như sau:

Một là, sự gia tăng trong cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn. Nhìn trên bàn cờ lớn, đối đầu Nga - Ukraine chỉ là “xung đột nhỏ” trong bức tranh lớn về cạnh tranh quyền lực giữa Nga với Mỹ. Mỹ và NATO đã không lường trước được sự phản kháng quyết liệt của Nga trước quyết định thu nạp Ukraine vào liên minh phương Tây vào thời điểm quan hệ Nga-Mỹ, Nga-NATO ngày càng mang tính chất đối đầu.

Đáng chú ý là quan hệ Nga-Mỹ xấu đi trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung chưa có nhiều cải thiện dưới chính quyền Biden. Điều này đã giúp Trung Quốc và Nga cải thiện quan hệ về mọi mặt trong khuôn khổ Quan hệ đối tác không giới hạn như ghi trong Tuyên bố chung Trung-Nga ngày 4/2/2022.

Điều này khiến nhiều người liên tưởng đến liên minh Xô-Trung kéo dài 10 năm (1949-1959) trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh trước kia. Với việc “thu hút” sự thù địch của phương Tây “thay” cho Trung Quốc, nên Nga đang được Trung Quốc hỗ trợ hết mình từ việc không “vào hùa” cùng Mỹ và phương Tây cấm vận Nga, đến việc hợp sức cùng Nga chống lại các sức ép và tấn công ngoại giao của Mỹ và phương Tây tại Liên hợp quốc và các diễn đàn quốc tế khác.

Chắc chắn quan hệ đối tác Nga-Trung sẽ tiếp tục phát triển sâu rộng ngay cả khi xung đột tại Ukraine kết thúc. Và khả năng cao là đối đầu giữa Mỹ-phương Tây với Nga-Trung Quốc sẽ dẫn đến cuộc Chiến tranh Lạnh mới 2.0 với thế giới chia làm hai phe, hai khu vực ảnh hưởng.

Hai là, khủng hoảng nối tiếp khủng hoảng. Cần lưu ý rằng kinh tế thế giới đang hết sức bấp bênh do tác động của đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, xung đột Nga - Ukraine đã tác động và kích hoạt hàng loạt khủng hoảng khác. Trên phạm vi toàn cầu, thế giới đang chứng kiến và vật lộn với ít nhất ba cuộc khủng hoảng lớn là năng lượng, lương thực và lạm phát.

Lạm phát tại Mỹ và khu vực đồng Eurozone đang ở mức 8,5-9%, mức cao nhất trong hơn bốn chục năm qua. Khả năng cao là kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào tình trạng suy thoái và đình lạm (stagflation) song hành cùng nhau.

Ba là, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vẫn tiếp tục nổi lên là khu vực dẫn dắt tương lai của thế giới và địa bàn cạnh tranh chiến lược quan trọng giữa các nước lớn.

Trong lúc những xung đột và đối đầu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt thì Mỹ đã có những bước đi quan trọng nhằm mục đích khẳng định vị thế, đồng thời thúc đẩy các sáng kiến kinh tế, an ninh trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Có thể kể đến như Sáng kiến Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hay Cuộc họp cấp cao Mỹ - ASEAN, trong đó Mỹ khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong hợp tác đa phương ở khu vực. Mỹ cũng cùng với các đối tác tham gia tiến trình thiết chế hóa nhóm Bộ tứ (Quad) gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia...

Không chỉ có các mặt tiêu cực, cuộc khủng hoảng năng lượng xuất phát từ xung đột Nga-Ukraine sẽ đẩy nhanh tiến trình loại bỏ năng lượng hóa thạch như than đá, dầu lửa, thúc đẩy việc nghiên cứu phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo vì mục tiêu phát triển bền vững và chống biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu.

Và tất nhiên, “phần thưởng” lớn sẽ dành cho các quốc gia sớm tận dụng cơ hội, nắm bắt xu hướng và mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu năng lượng sang mô thức sử dụng nhiều hơn năng lượng tái tạo.


(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả)