📞

Thế giới & Việt Nam tìm chỗ đứng bằng sự khác biệt

09:45 | 30/09/2016
Nhìn lại chặng đường đã qua, các vị nguyên Tổng Biên tập, nguyên Trưởng ban của báo Quốc tế (nay là báo Thế giới & Việt Nam - TG&VN) đều có chung nhận định: Tờ báo duy nhất của ngành Ngoại giao tồn tại, đứng vững và phát triển như ngày hôm nay là nhờ luôn tạo được sự khác biệt trong làng báo.

Bước ngoặt với Internet

Chia sẻ với TG&VN, ông Nguyễn Văn Vĩnh - nguyên Tổng Biên tập báo Quốc tế (nay là báo TG&VN, thời kỳ 1998 - 2005) nhớ lại: “Năm đó, 1998, khi tôi nhận nhiệm vụ làm Tổng Biên tập báo Quốc tế, tờ báo đang gặp nhiều khó khăn và đứng trước yêu cầu giảm bớt trang và ra thưa kỳ để giảm chi phí… Tôi đã bàn bạc với người tiền nhiệm của mình là anh Đinh Hoàng Thắng và đưa ra hai quyết định quan trọng. Đó là giữ vững số trang đã có (16 trang) và chuẩn bị đưa báo Quốc tế lên mạng Internet sớm. Quyết định đó đã giúp giải được bài toán chính của tờ báo, đó là đi vào chuyên môn của mình để đứng vững và phát triển”.

Lễ hòa mạng báo Quốc tế, ngày 29/11/2000. Ông Nguyễn Văn Vĩnh đứng thứ ba, từ trái.

Cụ thể, từ sau thời điểm 1999, báo Quốc tế đã tổ chức lại để ra thêm đặc san và các ấn phẩm phụ… Nhờ việc phát hành các ấn phẩm này rất đều đặn theo cách tự quản và “tự lực cánh sinh” về chi phí, đến cuối năm 1999, Ban lãnh đạo báo đã dám nghĩ tới hòa mạng sớm nhất có thể cho báo Quốc tế. Tuy nhiên, ý định khai sinh sớm - ngay giữa năm 2000 - trên không gian mạng Internet cho báo Quốc tế đã bị bỏ lỡ do vướng mắc một số thủ tục với cơ quan chủ quản. Chính vì vậy mà buổi lễ chính thức báo Quốc tế hòa mạng phải lui lại đến tận gần nửa năm sau... Đến ngày 29/11/2000, đúng vào ngày sinh nhật lần thứ 11 của báo Quốc tế, ông Nguyễn Văn Vĩnh cùng một vị Thứ trưởng Bộ chủ quản và một số đồng chí lãnh đạo các Vụ có quan hệ chặt chẽ với báo bấm nút khai trương trang điện tử của báo Quốc tế.

“Nhân ngày chính thức nâng cấp tờ báo mạng lên thành tờ báo điện tử Thế giới & Việt Nam, những anh em đi trước chúng tôi xin gửi lời chúc mừng. Chúc trang báo điện tử của ngành Ngoại giao đạt những thành tựu mới, phục vụ đắc lực cho công tác thông tin đối ngoại của Bộ Ngoại giao và của đất nước trong thời hội nhập”.

Nguyễn Văn Vĩnh

Nguyên Tổng Biên tập báo Quốc tế, giai đoạn 1998-2005

Ông Nguyễn Văn Vĩnh nhận xét: “Phải thừa nhận là dù có lên Internet nhưng quả thực trang điện tử của báo Quốc tế còn đơn sơ, nghèo nàn và ở thế lép khi dựa vào đường dẫn của website của Bộ Ngoại giao: www.mofa.gov.vn/baoquocte. Dù vậy, việc tờ báo hòa vào xa lộ toàn cầu đã nhanh chóng lan tỏa đến bạn bè, đồng nghiệp làm việc ở nước ngoài tại các Đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán… Từ nay, ngay khi báo in ra, họ có thể “nhìn thấy” tờ báo, thay vì chờ đợi 2, 3 tuần bưu điện mới chuyển tới như nhiều năm trước đó”.       

Tăng tốc để tồn tại

Đánh giá về vai trò cũng như sức sống của báo Quốc tế - nay là báo Thế giới & Việt Nam, ông Nguyễn Văn Vĩnh cho rằng: “Thứ nhất, tờ báo muốn đứng vững và tiến lên chỉ có con đường đi vào chuyên môn nghiệp vụ (là chăm chút cho ấn phẩm chính và xuất bản thêm những ấn phẩm phụ có ích, hấp dẫn); thứ hai, hãy biết sớm tận dụng các bước tiến của công nghệ thông tin hiện đại nhằm phục vụ cho công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại và cũng là quảng bá hình ảnh tờ báo  một cách nhanh nhất (là qua báo mạng)”.

Nói đến vấn đề nội dung của tờ báo, ông Nguyễn Văn Vĩnh cho rằng, trước tiên tờ báo của Bộ Ngoại giao phải nhanh và nhạy nhất trong mọi tin tức, bài vở, tranh ảnh về thế giới, về quan hệ quốc tế và về đối ngoại, ngoại giao. “Hãy tập trung hết nhân - trí - tài lực nếu có điều kiện dành hết cho “chủ đề” chính - và cũng là thế mạnh nhất này của báo ngành Ngoại giao, đó là thời cuộc thế giới và các vấn đề quốc tế”, ông nói.

Bản sắc của tờ báo là quan trọng nhất. Vào thời điểm báo Quốc tế thành lập, quan điểm về đổi mới hay việc mở cửa, cải cách trong nội bộ Việt Nam còn có nhiều trường phái khác nhau. Dần dà, tờ báo khẳng định được vị trí. Nội dung thì giới thiệu sâu sắc các vấn đề quốc tế và chính sách đối ngoại. Văn phong gọn ghẽ, súc tích. Tính cầu toàn tạo ra những cây viết và biên tập viên “quằn quại văn chương”. Nhiều người nước ngoài cho biết, họ đã dùng tờ báo để học tiếng Việt “chuẩn” về chính trị ngoại giao.

Tờ báo cần tiếp tục phấn đấu để giữ vị trí là sản phẩm trí tuệ của công cuộc đổi mới, mở cửa của Việt Nam. Nhờ khẳng định được uy tín của mình mà tạp chí Quan hệ Quốc tế (tiền thân của báo Quốc tế và báo TG&VN ngày nay) ra đời đã đáp ứng được nhu cầu của người đọc và phục vụ đắc lực cho ngành Ngoại giao. Đến năm 1992, sau khi được Thủ tướng Võ Văn Kiệt đề xuất cho phóng viên của báo tháp tùng Thủ tướng thăm các nước thì từ một tờ báo cấp 2 (báo ngành), tờ Quan hệ Quốc tế đã sánh ngang hàng với các báo cấp 1. Đó được đánh giá là một cuộc đề bạt đối với báo.

Nguyễn Ngọc Trường

Nguyên Tổng Biên tập báo Quốc tế, giai đoạn 1989-1996

“Các bạn đồng nghiệp giờ đây phần lớn trẻ tuổi, phụng sự cho một tờ báo điện tử là rất phù hợp. Hãy tận dụng ưu thế của nó là cập nhật được liên tục trong ngày, trong giờ... Vì thế việc tổ chức tốt để phóng viên, biên tập viên đưa tin, viết bài là rất quan trọng. Khâu duyệt và “bấm nút” xuất bản bài lên mạng cần chặt chẽ, thận trọng nhưng đừng quên tính kịp thời”, ông Nguyễn Văn Vĩnh nhìn nhận.

Địa chỉ tin cậy trong môi trường nhiễu tín

Đó là khẳng định của bà Lý Hải Yến (Phó trưởng Khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại, Học viện Ngoại giao), trong cuộc trao đổi ngắn với TG&VN. Từng đảm nhiệm cương vị Trưởng ban Văn hóa - Xã hội tại báo Quốc tế, bà Lý Hải Yến cho rằng, “tờ TG&VN không đem thông tin đơn thuần đến với công chúng, mà còn góp phần định hướng thông tin. TG&VN cần đưa tin nhanh nhất về các sự kiện quốc tế, vì đây là tiếng nói được công chúng chờ đợi. Nếu đầu tư tốt cho baoquocte.vn, tòa soạn sẽ làm được điều đó”.

Nhìn lại chặng đường đã qua, bà Lý Hải Yến cho rằng, tờ TG&VN, hay Quốc tế, đã có một thời huy hoàng. Khi mà Internet chưa có ở Việt Nam, những thông tin quốc tế trên báo thời ấy nhận được sự chờ đón của độc giả phổ thông, của sinh viên các  trường đại học có liên quan đến quốc tế và báo chí, thậm chí của cả các cơ quan báo chí cần tham khảo thông tin quốc tế để định hướng đưa tin ở báo mình. Trải qua “cơn cuồng phong” Internet, dù không kịp chuyển mình để thích nghi và tự khẳng định trong bối cảnh tốc độ thông tin cập nhật từng giờ của các tờ báo mạng khác, nhưng kỳ diệu thay, qua “cơn dông”, tờ báo TG&VN vẫn có một vị trí khá sang trọng trong làng báo Việt Nam. Điều đó có được nhờ hai lý do: Thứ nhất, ấn tượng khó phai của công chúng về một tờ Quốc tế chỉn chu và có phong cách riêng, từ nội dung cho đến hình thức vào giai đoạn đầu nó ra đời, và vẫn giữ phong cách ấy dù tờ báo đã chuyển từ khổ A3 sang khổ nhỏ hơn, thay logo với tên Thế giới & Việt Nam; Thứ hai, đó là sự tin cậy của nguồn tin. Là tờ báo của Bộ Ngoại giao, nhưng có tiếng nói độc lập và quan điểm riêng, TG&VN đã giữ được đẳng cấp chính từ sự tin cậy mà công chúng dành cho họ.

Theo bà Lý Hải Yến, dù là ngoài kia môi trường đầy thông tin chạy theo thị hiếu số đông, TG&VN vẫn kiên định là một tờ báo chỉ đăng tin chính thống với những phân tích đa chiều. Cho nên, nếu cần tìm một quan điểm, cần tìm một xu hướng, độc giả lại tìm TG&VN (tuy số này không nhiều).  Trong một bối cảnh thông tin đầy nhiễu tín như hiện nay, đó là điều hiếm hoi và đáng trân quý.

Vinh dự và sức ép

Báo TG&VN đã trải qua một chặng đường dài đầy nỗ lực. Còn nhớ thời đất nước bị bao vây cấm vận, báo là kênh thông tin quan trọng cho nhiều độc giả từ các nhà nghiên cứu, cán bộ hoạch định chính sách đến các sinh viên đại học... Đến thời đất nước hội nhập, nguồn tin đối ngoại và quốc tế đã bùng nổ trên mọi phương tiện thông tin đại chúng, nhưng báo vẫn là địa chỉ quan trọng để bạn đọc tìm đến.

Tuy nhiên, cùng với sự xuất hiện của Internet, báo giấy nói chung đã giảm vai trò đáng kể. Việc TG&VN cho ra đời và nâng cấp kịp thời báo mạng đã đáp ứng được xu thế của cuộc cách mạng thông tin và hợp nguyện vọng của nhiều độc giả. Nhiều bạn đọc đã tỏ ra vô cùng hào hứng về việc đưa trực tuyến diễn biến HNNG 29 vừa qua. Những thông tin quốc tế, những công trình nghiên cứu về quan hệ quốc tế liên tục tràn ngập trên mạng, nhưng để xác minh thông tin đích thực độc giả vẫn kiểm tra lại những bài viết trên TG&VN. Đó là vinh dự và cũng là sức ép lớn đối với báo.

Từ nay, các độc giả trên khắp hành tinh có thể cập nhật những thông tin chính xác một cách đơn giản. Dĩ nhiên báo mạng cần phải được đầu tư nhiều hơn, trước hết là chất lượng thông tin và tiến tới có phiên bản bằng một số ngoại ngữ chính.

TS. Nguyễn Xuân Nho

Nguyên Trưởng ban Kinh tế - báo TG&VN

 

(ghi)