Theo nhận định hôm 5/11 của tờ Financial Times (Anh), với yêu cầu trên, Ấn Độ có thể đẩy Anh lâm vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan" trong chính sách thị thực.
Nhân chuyến công du đến New Delhi, bà May hy vọng có thể kích hoạt tiến trình đàm phán thương mại với Ấn Độ. Tuy nhiên, giới quan chức chính phủ cũng như doanh nghiệp đều có chung dự báo rằng, vấn đề thị thực sẽ chi phối tiến trình đàm phán thương mại giữa hai nước.
Sinh viên Ấn Độ ở Anh. (Nguồn: studyin-uk.in) |
Theo Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Anh-Ấn Độ Patricia Hewitt, hai nước sẽ tìm kiếm "một hiệp định thương mại hiện đại", đề cập đến cả vấn đề hàng hóa và dịch vụ. Nhưng khi thảo luận về dịch vụ, hai nước sẽ không thể né tránh vấn đề di chuyển của người lao động.
Chủ tịch Liên minh Công nghiệp Ấn Độ Chandrajit Banerjee nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc mở cửa cho lao động nước này đến Anh làm việc. Đây được coi là yêu cầu then chốt trong bất cứ cuộc đàm phán thương mại nào giữa hai nước. Ngay từ khi bà May còn giữ chức Bộ trưởng Nội vụ, Ấn Độ đã nêu những quan ngại về chính sách thị thực của Anh, trong đó có việc hạn chế cấp thị thực cho sinh viên.
Hiện những người ủng hộ việc Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, vẫn kiên quyết siết chặt chính sách nhập cư của London.