Thể thao không chỉ là “nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn”. Đó còn là sự xích lại gần nhau, không phân biệt màu da, thể chế chính trị, nỗ lực vượt qua thử thách, khát vọng chinh phục kỷ lục của nhân loại. Thế vận hội mùa Hè 2020 đang diễn ra ở Tokyo, Nhật Bản là một sự kiện như vậy.
Nhưng cách đây 50 năm, có một “sự kiện thể thao” với mục đích hoàn toàn khác và để lại nhiều di chứng. Đó là chuyến “ngoại giao bóng bàn” giữa Bắc Kinh và Washington, diễn ra từ ngày 11-17/4/2021, tại Trung Quốc.
Hai tay vợt bóng bàn người Trung Quốc và người Mỹ thi đấu tại Bắc Kinh năm 1971. (Ảnh tư liệu) |
Lời mời "giật gân hơn mọi chuyện giật gân"
Thời đó, thế giới đang trong cao trào của Chiến tranh Lạnh. Tam giác quan hệ Mỹ-Xô-Trung, đang trong thế căng kéo, xô đẩy nhau. Mỹ chống Liên Xô và Trung Quốc; Xô-Trung mâu thuẫn căng thẳng, thậm chí xảy ra xung đột vũ trang biên giới năm 1969.
Mỹ đang sa lầy trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đứng trước cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1971... Cách mạng văn hóa vô sản đẩy xã hội Trung Hoa rơi vào hỗn loạn, kinh tế tụt hậu, khoa học kỹ thuật, văn hóa văn nghệ ngưng trệ…
Trung Quốc rất cần vốn, khoa học công nghệ phương Tây. Mỹ tìm kiếm sự ủng hộ, kể cả từ đối thủ chính trị, để rảnh tay nhằm vào đối thủ hàng đầu là Liên Xô. Cái mà 2 bên nhìn thấy “lợi ích chung” là cùng đối đầu với Liên Xô. Vậy là các nhà “kiến trúc sư” chính sách đối ngoại của Mỹ và Trung Hoa “thả thính” nhau.
Ngày 6/4/1971, Bắc Kinh bí mật đưa ra lời mời, được cho là "giật gân hơn mọi chuyện giật gân" ở xứ cờ hoa, mời đội tuyển bóng bàn Mỹ đang thi đấu ở Nhật Bản sang Trung Quốc giao hữu.
Vào thời điểm đó, Mỹ không công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Bắc Kinh từng liên tục công kích đế quốc Mỹ là kẻ thù chiến tranh, là “con hổ giấy”… Thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc là chuyện không tưởng, như “hái sao trên trời”.
Nhưng “ngoại giao bóng bàn” đã mở cánh cửa đầu tiên, vượt qua “Vạn lý trường thành”.
Chỉ sau lời mời vài ngày, quan chức thể thao và đoàn bóng bàn Mỹ được đón tiếp đầy hữu hảo ở Bắc Kinh. Họ là đoàn Mỹ có chuyến thăm chính thức Trung Hoa đầu tiên, kể từ năm 1949. Vận động viên Trung Quốc nhường vận động viên Mỹ thắng. Nhưng Bắc Kinh mới là người thật sự thắng lớn.
Đáp lễ, ngày 14/4/1971, Mỹ bãi bỏ lệnh cấm vận thương mại chống Trung Quốc. Hiệp hai “giao lưu bóng bàn hữu nghị” là chuyến du đấu của đoàn vận động viên Trung Quốc ở Hoa Kỳ năm 1972.
Xen kẽ giữa 2 “hiệp bóng bàn” là 2 chuyến thăm Bắc Kinh vào tháng 7 và 10 năm 1971 của Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Henry Kissinger. Cố vấn Henry Kissinger mang theo quà tặng là những lời “như cởi tấm lòng”: Mỹ không còn là kẻ thù của Trung Quốc và ủng hộ Trung Quốc trở thành thành viên Liên hợp quốc.
Nhờ đó, năm 1972, Trung Quốc thay ghế Đài Loan ở Liên hợp quốc và sau đó làm ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an.
Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai gắp thức ăn cho ông Henry Kissinger tại một bữa tiệc ở Bắc Kinh năm 1971. (Ảnh tư liệu) |
Trong các cuộc gặp gỡ, Henry Kissinger và Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã bàn nhiều đại sự quốc tế, chuẩn bị cho chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Richard Nixon vào tháng 2/1972 và dự thảo Thông cáo chung Thượng Hải sẽ ký kết trong chuyến thăm.
Thông cáo chung Thượng Hải năm 1972 không chỉ mở ra quan hệ mới cho Mỹ và Trung Quốc mà còn tác động lớn đến tình hình thế giới, khu vực, trong đó có Liên Xô, Đông Dương, Việt Nam, Đài Loan...
Được và mất
Phải nói là Mỹ giữ lời hứa, không coi Trung Quốc là kẻ thù, không cô lập Trung Quốc. Trung Quốc hưởng lợi từ vai trò ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; được tiếp cận nguồn vốn và khoa học công nghệ phương Tây. Bắc Kinh cũng bớt lo sức từ phía Liên Xô. Họ rảnh tay thực hiện bốn hiện đại hóa…
Mỹ tập trung chống Liên Xô và giải quyết “vũng lầy” trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Các nhà chính trị, học giả quốc tế nói Trung Quốc đáp lễ bằng câu nói không thể rõ hơn: “Ngươi không động đến ta thì ta cũng không động đến ngươi”.
Và trong lúc Mỹ bận nhiều cuộc chiến, Trung Quốc đã rảnh tay, vươn lên thành cường quốc, nền kinh tế thứ hai, vượt Mỹ trong một số lĩnh vực khoa học công nghệ từng học từ Mỹ. Nhiều học giả quốc tế và Mỹ cảnh báo Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trong thời gian không xa.
Tổng thống Joe Biden tuyên bố “Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh nghiêm trọng nhất của Mỹ”. Gần đây, một quan chức cấp cao Mỹ thừa nhận: Nga là đối thủ ngắn hạn, Trung Quốc mới là đối thủ lâu dài.
Nhắc chuyện cũ, có người bình luận, chính Mỹ đã góp tay tạo ra thiên thời cho Trung Quốc trỗi dậy! Đúng hay không, chỉ có người Mỹ là hiểu rõ nhất.
Thể thao lại vào cuộc
Cục diện quan hệ Mỹ-Trung ngày càng phức tạp. Bây giờ, đối phó với Trung Quốc không phải là chuyện đơn giản. Ngoài cuộc chiến thương mại, trừng phạt, công kích nhau, Mỹ đang mở mặt trận mới, “mặt trận thể thao”. Đó là vận động tẩy chay Thế vận hội mùa Đông tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc vào năm 2022.
Còn dăm tháng nữa, nhưng Mỹ đang lôi kéo đồng minh, đối tác, mượn có nhân quyền ở Tân Cương để đòi hủy hoặc không đến dự Thế vận hội. Ngoài Mỹ, Anh, một số nước châu Âu cũng lên tiếng ủng hộ.
Tẩy chay Thế vận hội không còn là chuyện thể thao nữa. Mà mượn chuyện thể thao để nói chuyện chính trị. Ý đồ tẩy chay Thế vận hội mùa Đông ở Bắc Kinh có thể không thành công. Nhưng ít nhất, Mỹ và đồng minh cũng có dịp làm mất thể diện Trung Quốc.
Đối lại, Ngoại trưởng Nga lập tức tuyên bố ủng hộ Thế vận hội mùa Đông ở Trung Quốc. Tam giác quan hệ Mỹ-Trung-Nga lại xoay chiều so với cách đây 50 năm.
Mỹ vận động tẩy chay Thế vận hội mùa Đông tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc vào năm 2022. (Nguồn: Reuters) |
Rõ ràng là, trong thời đại hội nhập quốc tế sâu rộng, không lĩnh vực nào độc lập hoàn toàn, kể cả thể thao và văn hóa. Câu chuyện “ngoại giao bóng bàn” cách đây 50 năm và Thế vận hội mùa Đông 2022 ở Trung Quốc tới đây là một trong nhiều minh chứng cho luận điểm: Không có đồng minh vĩnh viễn. Không có kẻ thù vĩnh viễn. Chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn!
Olympic Tokyo 2021: Sự kiện của hy vọng chiến thắng đại dịch Covid-19 Ngoại giao Olympic Tokyo 2021 của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã khởi động với một loạt chương trình tiếp đón các quan chức ... |
| Chuyển đổi số trong thông tin đối ngoại: Khi nhiệm vụ thuộc về ‘người đánh chiêng’ Trong một nhiệm vụ mà thông tin chính là vũ khí đắc lực, việc chuyển đổi số và tận dụng "những cơ hội từ cuộc ... |