📞

Thêm cơ hội xúc tiến thương mại Romania - Việt Nam

10:08 | 27/12/2016
Tuần trước, tại thành phố Hunedoara, Đại sứ quán Việt Nam tại Romania đã phối hợp với Hội hữu nghị Romania - Việt Nam tổ chức Hội thảo "Việt Nam điểm đến, cơ hội kinh doanh và đầu tư”.

Hội thảo thu hút hơn 50 doanh nghiệp địa phương cùng đại diện các sở, ban ngành, chính quyền thành phố, Thị trưởng vùng Georgious và Hunedoara...

Tại hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Romania Trần Thành Công đã giới thiệu bức tranh tổng quát về Việt Nam, một đất nước hoà bình, ổn định về chính trị-xã hội, một nền kinh tế phát triển năng động, một thị trường tiềm năng về hợp tác thương mại-đầu tư, một điểm đến du lịch hấp dẫn đối với các nước. Tham tán Thương mại Lê Ngọc Thi nói về các tiềm năng và cơ hội hợp tác kinh tế với Việt Nam, thực trạng và triển vọng trong quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai nước trong tương lai...

Đại sứ Trần Thành Công và bà Lê Ngọc Thi cũng đã giải đáp nhiều thắc mắc của các doanh nghiệp địa phương liên quan đến mức lương của người lao động, chính sách ưu đãi đầu tư của Chính phủ Việt Nam dành cho các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), phương hướng hợp tác tuyển chọn lao động Việt Nam sang làm việc tại Hunedoara trong các dự án nông nghiệp và xây dựng, vai trò tư vấn và hỗ trợ doanh nghiệp của cơ quan Đại sứ quán...

Bên cạnh đó, các đại biểu tham dự hội thảo cũng đã hiểu thêm về đất nước, con người Việt Nam qua video clip "Welcome to Viet Nam". Sau hội thảo, Đại sứ quán Việt Nam tại Romania đã cung cấp các ấn phẩm để các doanh nghiệp và một số đơn vị quan tâm khai thác, quảng bá về Việt Nam.

Hội thảo diễn ra từ ngày 19-21/12.

Đoàn ĐSQ Việt Nam tại Romania làm việc với chính quyền Hunedoara. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Romania)

Trong thời gian công tác tại Hunedoara, Đại sứ Trần Thành Công cũng đã có các buổi làm việc với ông Emil Ioan Risteiu, Thị trưởng tỉnh vùng Semerria, Hunedoara; ông Vasile Caragut, Thị trưởng vùng Georgiu, Hunedoara và ông Remus BORZA - Chủ tịch Hội hữu nghị Romania – Việt Nam tại Hunedoara.

Lãnh đạo Chính quyền Thành phố đánh giá cao chuyến thăm và làm việc của đoàn Việt Nam tại tỉnh Hunedoara, hoan nghênh Đại sứ quán Việt Nam tại Romania đã có sáng kiến phối hợp với Hội hữu nghị Romania-Việt Nam tổ chức Hội thảo giới thiệu về Việt Nam, giúp sức cho giới chức, doanh nghiệp tại địa phương thấy được những triển vọng và cơ hội hợp tác giữa hai nước.

Lãnh đạo chính quyền sở tại cũng đề nghị hai bên xem xét, nghiên cứu khả năng xúc tiến trao đổi để tiến đến ký thoả thuận "kết nghĩa địa phương" giữa Hunedoara và một địa phương Việt Nam trong thời gian tới. Lãnh đạo chính quyền thành phố đã giới thiệu về tiềm năng và các thế mạnh của địa phương trên một số lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản, sản xuất gỗ, xây dựng, khai khoáng, du lịch...

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Romania)

Đại sứ Trần Thành Công cho rằng hai nước có nhiều điểm tương đồng và nhiều tiềm năng hợp tác trong tương lai. Cùng với mối quan hệ hữu nghị truyền thống sẵn có và lợi thế kinh doanh ở các hiệp định thương mại tự do FTA đem lại, doanh nghiệp hai bên cần tích cực đi khảo sát thị trường, tiếp xúc trực tiếp nhằm thiết lập các dự án hợp tác cụ thể. Đại sứ quán Việt Nam tại Romania sẵn sàng làm cầu nối hỗ trợ các chương trình hợp tác đầu tư của doanh nghiệp hai bên.

Trong thời gian công tác tại Hunedoara, Đại sứ Trần Thành Công và đoàn Đại sứ quán cũng đã đến thăm và khảo sát hoạt động của một số cơ sở kinh tế tại địa phương như khu trung tâm thương mại-văn phòng cho thuê, xưởng gia công dụng cụ thể thao, trại chăn nuôi gia súc gia cầm, bệnh viện đa khoa, khu du lịch nghỉ dưỡng, khu chữa bệnh bằng nước khoáng nóng…

Hunedoara là một trong những thành phố lớn của Romania, với tổng diện tích 7060 km2, dân số khoảng 4450.000 người. Đây là một trung tâm kinh tế quan trọng của vùng Transilvalia, huyết mạch liên thông giữa Romania và Hungary với nhiều ngành công nghiệp phát triển như luyện kim, xây dựng, nông nghiệp, lâm nghiệp, khai mỏ, khai khoáng, dệt may... Hunedoara nổi tiếng với lâu đài Corvin và nhiều công trình kiến trúc cổ kính thu hút lượng lớn khách du lịch từ các nước Đông, Nam Âu.
(theo ĐSQ Việt Nam tại Romania)