📞

Thêm một 'lần đầu tiên' với Tổng thống quần đảo Marshall - biểu tượng của bình đẳng giới

Hoàng Quân 21:51 | 28/10/2024
Vừa qua, Trung tâm Đông-Tây (Mỹ) đã vinh danh Tổng thống quần đảo Marshall Hilda Heine với Giải thưởng Phụ nữ có tầm ảnh hưởng (Women of Impact Award) năm 2024.
Tổng thống quần đảo Marshall Hilda Heine (giữa) nhận Giải thưởng Phụ nữ có tầm ảnh hưởng năm 2024. (Nguồn: EWC)

Là người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo một quốc đảo Thái Bình Dương độc lập trong thời hiện đại, bà Hilda Heine đã trở thành biểu tượng của bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trên khắp Thái Bình Dương. Ngoài ra, bà gặt hái thành công đáng kể với tư cách là nhà lãnh đạo trong lĩnh vực giáo dục và có những đóng góp quan trọng cho hoạt động ủng hộ biến đổi khí hậu.

"Được ghi tên vào danh sách người nhận giải thưởng này thực sự là một vinh dự bất ngờ", Tổng thống Hilda Heine phát biểu khi nhận giải "thay mặt cho những người đi trước tôi".

Bà nói thêm: "Nếu có điều gì mà sự nghiệp của tôi đã dạy cho tôi, đó chính là tác động tích cực chỉ có thể tạo ra thông qua việc xây dựng cộng đồng và xây dựng những cầu nối”.

Trích dẫn câu nói phương Tây “Ai cũng cần hỗ trợ và giúp đỡ” (No person is an island), nữ Tổng thống khẳng định: “Đó là một khái niệm mà nền văn hóa đảo của chúng tôi đã biết trong hàng thiên niên kỷ và bố mẹ cũng từng dạy tôi: Chúng ta chỉ mạnh mẽ khi có cộng đồng và các mối quan hệ họ hàng”.

Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 9/10 đã bầu quần đảo Marshall, cùng với 17 quốc gia trở thành thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền, có nhiệm kỳ kéo dài 3 năm, kể từ ngày 1/1/2025.

Theo Benar News, hiện không có đại diện của quốc đảo Thái Bình Dương trong cơ quan nhân quyền cao nhất của Liên hợp quốc gồm 47 quốc gia thành viên này.

Tại quần đảo Marshall, câu chuyện của Tổng thống Hilda Heine gắn liền với những "lần đầu tiên", chẳng hạn như người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo một quốc đảo Thái Bình Dương độc lập trong thời hiện đại, người đầu tiên từ quần đảo Marshall có bằng tiến sĩ...

Trước khi tham gia chính trường, bà Hilda Heine từng làm giáo viên, cố vấn trường học, Chủ tịch sáng lập của trường Cao đẳng Micronesia…

Sau khi quyết định ra tranh cử như một phương tiện thực hiện cải cách giáo dục, bà được bầu làm Thượng nghị sĩ vào năm 2011 và sau đó, được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Giáo dục. Bà lần đầu tiên giữ chức Tổng thống từ năm 2016-2020 và tiếp tục giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử vào năm 2023.

Bên cạnh việc tập trung vào giáo dục, Tổng thống Hilda Heine thường xuyên phát biểu trước các nhà lãnh đạo thế giới về tác động của biến đổi khí hậu, nơi quốc đảo trũng thấp của bà đang ở tuyến đầu. Dưới sự lãnh đạo của bà, quần đảo Marshall đã trở thành quốc gia đầu tiên đệ trình các mục tiêu khí hậu mới, có tính ràng buộc theo Thỏa thuận Paris.

Quần đảo Marshall là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất về khí hậu trên Trái đất. Nhiệt độ toàn cầu tăng 2 độ C so với mức trước thời kỳ công nghiệp dự kiến ​​sẽ khiến sự tồn tại của quốc gia đảo san hô thấp này trở nên mong manh.

Tổng thống Hilda Heine cùng các nhà ngoại giao quần đảo Marshall tại khóa họp thứ 79 Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York, Mỹ ngày 24/9. (Nguồn: RMI)

Năm 1987, bà Hilda Heine đồng sáng lập Women United Together Marshall Islands, một tổ chức ủng hộ việc xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và cung cấp dịch vụ tư vấn cho các nạn nhân. Bà cũng là người nêu cao ý thức giữ gìn các giá trị truyền thống, ngôn ngữ và di sản của người Marshall.

Ngoài ra, nữ nguyên thủ Marshall duy trì quan hệ chặt chẽ với Trung tâm Đông-Tây ( East-West Center), trong đó có việc tham gia Hội đồng quản trị của Trung tâm từ năm 2021 đến năm 2023.

Được thành lập vào năm 1960, Trung tâm Đông-Tây là một tổ chức phi lợi nhuận quốc tế có trụ sở tại Honolulu, Hawaii; đóng vai trò cầu nối giữa các quốc gia và nền văn hóa ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Mỹ.

Giải thưởng Phụ nữ có tầm ảnh hưởng do Trung tâm Đông-Tây sáng lập vào năm 2022 nhằm ghi nhận vai trò quan trọng của sự lãnh đạo và tác động của phụ nữ trong quản trị, ngoại giao và xã hội. Những người chiến thắng được lựa chọn dựa trên những thành tích nổi bật, bao gồm những thành tựu quan trọng trong sự nghiệp, khả năng lãnh đạo cộng đồng và những đóng góp đáng kể cho sứ mệnh của Trung tâm nhằm cải thiện mối quan hệ và sự hiểu biết giữa người dân châu Á-Thái Bình Dương và Mỹ.

Những người từng nhận giải thưởng này bao gồm nhà đấu tranh cho quyền công dân của Hawaii Amy Agbayani và Thượng nghị sĩ Mỹ Mazie Hirono.