📞
Ngày Thương binh, Liệt sĩ 27/7

Thêm một liệt sĩ được đưa về quê hương là để xoa dịu mất mát của thân nhân, cũng để người sống đỡ day dứt

Nguyệt Anh 11:08 | 27/07/2023
Nhân Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7), Đại tá Nguyễn Hùng Phong, nguyên Chủ nhiệm Chính trị - Tổng cục Hậu cần Bộ Quốc phòng, nguyên Phó Chủ tịch Trung ương Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam chia sẻ, ông luôn đau đáu với ý nguyện đưa những đồng đội đã ngã xuống về với quê hương.
Nhân Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7), Đại tá Nguyễn Hùng Phong chia sẻ, ông luôn đau đáu với ý nguyện đưa các đồng đội đã anh dũng hy sinh được về quê hương. (Ảnh: NVCC)

Ông Phong nói, cũng là người lính, cũng có người thân là liệt sĩ, từng tự tay vội vã chôn cất đồng đội nơi chiến trường, nên ông thấu hiểu những mất mát, hy sinh của những người lính đã nằm xuống...

Là người cùng với các cộng sự tại Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam hằng ngày “đi tìm lại tên cho đồng đội đã khuất”, ông có thể chia sẻ ý nghĩa mà ông nhận được?

Để trả lời câu này, tôi đề nghị cần thống nhất nhận thức về khái niệm “đi tìm lại tên cho đồng đội đã khuất”. Đó là tổ hợp tổng thể các hoạt động để đạt mục đích tìm lại tên cho đồng đội đã khuất một cách chính xác nhất, nhanh nhất và không gây tốn kém cho thân nhân của liệt sĩ.

Trong tổ hợp ấy, phải có những khâu rất quan trọng như: Ngân hàng gene liệt sĩ và Ngân hàng gene thân nhân liệt sĩ, đi đôi với đầu tư trang bị, thiết bị và đào tạo cán bộ cho các cơ sở phân tích, giám định ADN. Tổ chức lấy mẫu sinh phẩm của thân nhân liệt sĩ làm cơ sở dữ liệu tiền đề để đối chiếu với mẫu sinh phẩm xác định danh tính liệt sĩ…

Phải có sự chung tay của các cơ quan hữu quan, là Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam (Hội HTGĐLS Việt Nam), Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Pháp y quân đội lập “Hợp đồng giám định gene hài cốt liệt sĩ”, với phương châm phi lợi nhuận, đúng quy định pháp lý, huy động xã hội tạo nguồn kinh phí, bảo đảm 50% số tiền phải trả đối với việc định danh một bộ HCLS. Chi phí còn lại do bên thực hiện công nghệ giám định bảo đảm. Trên cơ sở đó, Hội HHTGĐLS Việt Nam tổ chức lấy mẫu hài cốt của liệt sĩ và mẫu sinh phẩm của thân nhân… rồi tiến hành các bước tiếp theo cho kết quả giám định gene.

Việc này có ý nghĩa rất lớn. Thứ nhất, giải nỗi đau bằng cách làm khoa học, nhân văn, đưa lại niềm tin chắc chắn cho gia đình liệt sĩ qua giám định gene ADN.

Tôi nhớ, trường hợp cụ Trần Thị Nguyệt 94 tuổi ở Đức Thọ, Hà Tĩnh nhận kết quả gene đúng của con trai giữa lúc cụ rất yếu. Hội quyết định đi thẳng vào nhà cụ… Cụ ôm khung quyết định công nhận huyết thống, nước mắt rịn ra. Trên đôi môi héo hon nở một nụ cười. Sau đó vài hôm, cụ Nguyệt mất, mang theo sự thanh thản vì đã tìm được con.

Thứ hai, ngăn chặn, hạn chế hành vi dã tâm, lợi dụng vấn đề tâm linh, lợi dụng tự do tín ngưỡng và sự cả tin của thân nhân liệt sĩ, lừa đảo để thu lợi lộc, làm cho vô số người lâm vào cảnh tiền mất, tật mang. Không ít gia đình có người nhẹ dạ cả tin, dẫn đến lục đục bởi những khuynh hướng trái ngược về tìm hài cốt người thân. Nỗi đau vì thế càng thêm nhức nhối.

Thứ ba, công việc này có ý nghĩa với chính bản thân tôi. Tôi có 10 năm chiến đấu ở Trường Sơn (1964-1974), tôi cũng có 10 năm (2010-2020) làm Phó Chủ tịch Hội HTGĐLS Việt Nam. Tôi đã góp phần cùng với Hội tư vấn, hỗ trợ miễn phí và gửi gần 1.000 trường hợp làm giám định ADN. Đã giám định xong gần 700 trường hợp, trong đó giám định đúng danh tính gần 500 trường hợp. Đã tổ chức 32 lần trao kết quả đúng cho các gia đình liệt sĩ.

Hoạt động hỗ trợ giám định ADN xác định danh tính liệt sĩ mà Hội chủ trì đã thực sự đem lại niềm tin, hy vọng cho các gia đình liệt sĩ, góp phần giảm thiểu nạn tìm kiếm hài cốt liệt sĩ theo mê tín dị đoan. Đồng thời, chấm dứt sự hoài nghi, phân tâm của hàng ngàn gia đình liệt sĩ khi chưa biết hài cốt tìm được có đúng là thân nhân của mình hay không.

Ông Nguyễn Hùng Phong phụ trách tổ công tác của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam và kỹ thuật viên pháp y lấy mẫu giám định ADN xác định danh tính cho các liệt sĩ. (Ảnh: NVCC)

Trên chặng đường ấy, ông có nhiều kỷ niệm và những câu chuyện khó quên?

Những kỷ niệm của tôi về hoạt động tri ân liệt sĩ nhiều lắm. Tôi chỉ kể một số và cũng chưa phải là số chuyện khó quên nhất. Bởi tôi muốn đề cập ở nhiều sắc thái cảm xúc, có những chuyện chỉ muốn quên đi. Nhưng hễ nói đến việc tìm lại tên cho đồng đội đã khuất, tôi lại thấy cần thiết phải nhắc đến. Bởi đó có thể là kinh nghiệm cần truyền lại cho lớp sau trong công tác tri ân liệt sĩ.

Đó là bài học về xử lý trường hợp nhạy cảm. Hồi mới thành lập Hội, ở huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) có một gia đình được “nhà ngoại cảm” nọ chỉ dẫn, đưa bộ hài cốt về, coi đó là hài cốt liệt sĩ (HCLS) của nhà mình. Chính quyền địa phương không đồng ý cho đưa vào nghĩa trang liệt sĩ vì không có bằng chứng thuyết phục đó là HCLS.

"Tôi cũng là người lính, cũng có người thân là liệt sĩ, từng tự tay vội vã chôn cất đồng đội nơi chiến trường, vậy nên tôi thấm thía nỗi đau của những người mẹ, người vợ mòn mỏi đợi con, đợi chồng về để hương khói. Tôi luôn đau đáu với ý nguyện đưa những đồng đội đã ngã xuống về với người thân, gia đình".

Trong dòng họ vì thế cũng xuất hiện 2 khuynh hướng. Một bên nghe “nhà ngoại cảm”, khẳng định đúng là hài cốt liệt sĩ của gia đình. Một bên theo quyết định của xã.

Sự việc được đưa lên xin ý kiến của Hội HTGĐLS Việt Nam. Lãnh đạo Hội đã tỏ rõ quan điểm, ủng hộ quyết định của chính quyền xã. Đồng thời, nêu phương án: Khẩn trương ký táng bộ hài cốt tại một nghĩa địa ở địa phương, đồng thời mang mẫu phẩm từ hài cốt ấy về Hội HTGĐLS Việt Nam, làm thủ tục đưa đi giám định gene. Nếu không đúng là hài cốt liệt sĩ của gia đình thì phải đưa trả về đúng nơi gia đình đã cất bốc… Ý kiến hợp tình, hợp lý ấy lập tức có hiệu quả và được dư luận hoan nghênh.

10 năm chiến đấu ở Trường Sơn, 10 năm công tác tại Hội HTGĐLS, cho đến lúc này hẳn là ông vẫn còn nhiều day dứt?

Còn day dứt chứ, ám ảnh chứ bởi lẽ hiện tại, vẫn còn khoảng 200.000 liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt, khoảng 300.000 mộ liệt sĩ chưa biết tên. Hàng trăm nghìn gia đình hiện vẫn chưa có tin tức về con em mình.

Tôi cũng là người lính, cũng có người thân là liệt sĩ, từng tự tay vội vã chôn cất đồng đội nơi chiến trường, vậy nên tôi thấu hiểu những mất mát, hy sinh của những người lính đã nằm xuống. Tôi cũng thấm thía nỗi đau của những người mẹ, người vợ mòn mỏi đợi con, đợi chồng về để hương khói. Bởi thế, tôi luôn đau đáu với ý nguyện đưa những đồng đội đã ngã xuống về với người thân, gia đình.

Có thể nói, mỗi ngày trôi qua với tôi thật ý nghĩa bởi tôi và những cộng sự của mình đã và đang từng ngày góp công, góp sức tìm các anh. Bất cứ khi nào có tín hiệu, thông tin của gia đình hay trên báo đài, chúng tôi đều lượm lặt về. Dù ít ỏi nhưng đó là tia hy vọng về nơi chôn cất liệt sĩ ngày xưa. Cứ khai thác, khớp nối với nhau, khi có đầy đủ thông tin mới quy tập.

Chiến tranh đã qua lâu, giờ đây, địa hình cùng với các yếu tố thời tiết, thổ nhưỡng thay đổi nhiều, bao bản đồ, sơ đồ chôn cất những người lính đã hy sinh ngày xưa bây giờ dẫu còn, quay về cũng khó tìm được nơi các anh đang nằm.

Lại có những ngôi mộ nằm ở bìa rừng, ngọn dốc rất hiểm trở. Vì thế, việc tìm được một bộ hài cốt và xác định danh tính liệt sĩ là rất công phu, tỉ mỉ. Tôi luôn tâm niệm, mình còn sống trở về, có cơ hội tham gia đi tìm anh em, đồng đội đã khuất cũng là may mắn.

Trong các cuộc đi tìm mộ liệt sĩ nơi rừng sâu núi thẳm, có lúc chúng tôi ngủ tạm ở nhà đồng đội dọc đường, nhà xã đội hoặc nhà dân. Những chuyến đi có khi nắng như đốt, có khi mưa gió nhưng chúng tôi không quản ngại ngày đêm. Hầu như ai cũng cảm thấy từng việc mình làm, từng bước chân mình qua đều có ý nghĩa.

Bởi những "người lính già" như chúng tôi đều quan niệm, thêm được một liệt sĩ được đưa về quê hương cũng để xoa dịu phần nào mất mát của người thân, cũng để những người sống đỡ day dứt.

Xin trân trọng cảm ơn ông!