📞

Thêm một sàn thương mại điện tử bán vải thiều Hải Dương

Minh Thúy 16:14 | 25/05/2021
Nhằm tạo kênh tiêu thụ bền vững cho các sản phẩm tiềm năng của các địa phương, đặc biệt là những sản phẩm đặc sản vùng miền, sau sàn thương mại điện tử Lazada, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Sở Công Thương tỉnh Hải Dương tiếp tục đưa vải thiều Thanh Hà lên sàn thương mại điện tử Sendo.
Sendo dự kiến hỗ trợ bà con nông dân tiêu thụ đến 12 tấn vải thiều riêng trong đợt mở bán này. (Nguồn: Cục Xúc tiến Thương mại)

Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (XTTM(, các sàn thương mại điện tử (TMĐT) đã vào cuộc nhanh chóng và chuyên nghiệp trong hoạt động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản đang vào mùa.

Trước đây, Cục Xúc tiến thương mại và sàn TMĐT Sendo đã hợp tác triển khai thành công hoạt động hỗ trợ cho sản phẩm nông sản của Hải Dương (su hào, bắp cải, cà rốt, cà chua, súp lơ) trong thời kỳ Hải Dương bị cách ly do dịch Covid-19 hồi tháng 3/2021. Việc đưa vải thiều Thanh Hà Hải Dương lên sàn Sendo lần này có nhiều thuận lợi hơn do đã đúc rút được một số kinh nghiệm từ vận chuyển, quản lý chất lượng và làm việc với đơn vị cung ứng.

Trong hoạt động hợp tác, Cục XTTM hỗ trợ kết nối và phối hợp quản lý chuỗi cung ứng sản phẩm.

Các sản phẩm trong khuôn khổ hợp tác giữa Cục XTTM và sàn Sendo đều được dán tem truy xuất nguồn gốc, đảm bảo sản phẩm được minh bạch thông tin, nhật ký chăm sóc được nhập liệu đầy đủ các thông tin về hoạt động canh tác, chăm sóc, thu hái và vận chuyển.

Ông Nguyễn Quang Thuật, Phó Tổng Giám đốc công ty công nghệ Sendo chia sẻ: “Để giúp các hợp tác xã và hộ nông dân phân phối được vải thiều trên sàn Sendo lâu dài với hiệu quả cao, đội ngũ nhân sự Sendo đã trực tiếp xuống vùng trồng vải Hải Dương, hướng dẫn bà con nông dân, hợp tác xã mở gian hàng và đăng bán sản phẩm lên sàn. Trong thời gian tới, sàn TMĐT Seno sẽ phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại triển khai các hoạt động huấn luyện, nâng cao năng lực cho các hợp tác xã, các doanh nghiệp nâng cao kiến thức về TMĐT nhằm mở, xây dựng và vận hành gian hàng trên Sendo hiệu quả”.

Theo ông Thuật, sàn TMĐT Sendo đã cắt cử nhân sự luôn hỗ trợ bà con nông dân tại vùng trồng tìm ra giải pháp đóng gói phù hợp, hướng dẫn quy cách đóng gói, tỷ lệ ướp đá trên số vải trong mỗi thùng vừa đúng để vừa giữ độ tươi ngon cho quả vừa tiết kiệm chi phí cho bà con.

Song song đó, Sendo cũng liên tục đưa hình ảnh vải thiều xuất hiện rộng khắp trên các trang mạng xã hội như Facebook,Tiktok và kênh Senlive trên ứng dụng Sendo, đưa vải thiều Thanh Hà tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng.

Vải thiều Hải Dương chính thức được mở bán trên sàn Sendo từ ngày 24/5. (Nguồn: Sendo)

Sendo dự kiến hỗ trợ bà con nông dân tiêu thụ đến 12 tấn vải thiều riêng trong đợt mở bán này.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và hợp tác xã, Cục XTTM đã phối hợp với các sàn thương mại điện tử mở các gian hàng trong khuôn khổ Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn các đơn vị lên sàn TMĐT thành công thông qua gian hàng chung này.

Đặc biệt, từ những thành công trên hàng hàng chung, các hoạt động hướng dẫn, đào tạo sẽ được triển khai đồng bộ, từng bước hướng dẫn doanh nghiệp và hợp tác xã tự vận hành gian hàng của mình hiệu quả.

Tất cả các sản phẩm vải thiều Thanh Hà đều được dán tem truy xuất nguồn gốc của Cục Xúc tiến thương mại. Cục XTTM phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc, nhằm giúp các doanh nghiệp kiểm soát chất lượng, theo dõi nhật ký sản xuất, chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hỗ trợ truy vết và triệu hồ sản phẩm khi có yêu cầu. Truy xuất nguồn gốc hỗ trợ người tiêu dùng có đầy đủ thông tin minh bạch về sản phẩm từ nguồn nguyên liệu, sản xuất và chế biến.

Năm 2020, mặc dù dịch Covid-19 nhưng Hải Dương đã có một vụ vải thắng lợi. Sản lượng vải toàn tỉnh năm 2020 ước đạt 43.000 tấn; trong đó, 23.000 tấn vải sớm và khoảng 20.000 tấn vải thiều. Lượng vải tiêu thụ trong nước ước khoảng 50%, còn lại là được xuất khẩu.

Tổng giá trị thực tế quả vải năm 2020 đạt 1.166 tỷ đồng, tăng 445 tỷ đồng so với năm 2019. Đặc biệt, có khoảng 1.600 tấn vải được xuất sang các thị trường khó tính, tăng khoảng 1.400 tấn so với năm 2017 và tăng khoảng 1.000 tấn so với năm 2019.