Xuồng vũ trang của lực lượng Houthi ở Yemen bao vây bắt giữ tàu sân bay Galaxy Leader, ngày 20/11/2023. Tàu Galaxy Leader treo cờ Bahamas, thuộc sở hữu của một công ty Anh và được một công ty Nhật bản thuê lại vào thời điểm bị bắt. (Nguồn: Reuters) |
Giới lãnh đạo Shell cho biết, một tàu chở dầu của tập đoàn này hồi tháng trước đã bị máy bay không người lái tấn công trên Biển Đỏ khi đang trong hành trình vận chuyển xăng máy bay tới Ấn Độ. Sau đó, con tàu tiếp tục bị xuồng vũ trang của Houthi rượt đuổi, đe dọa. Do đó, tuần trước, Shell quyết định dừng vận hành tàu qua Biển Đỏ.
Trao đổi với phóng viên WSJ ngày 16/1 bên lề Hội nghị thường niên lần thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF Davos 2024) tại Davos (Thụy Sỹ), Giám đốc điều hành Shell Wael Sawan khẳng định, ưu tiên của tập đoàn là tính mạng, sức khỏe của thủy thủ đoàn cũng như bảo vệ tài sản của Shell.
Đó là lý do tập đoàn dầu mỏ của Anh tính đến giải pháp ngừng chạy tàu qua Biển Đỏ ngay thời điểm xuất hiện căng thẳng ở vùng biển này.
Theo ông Sawan, các bộ phận chuyên trách tại Shell đang theo dõi diễn biến hằng ngày trên Biển Đỏ. Quyết định ngừng vận chuyển dầu qua Biển Đỏ chỉ mang tính ngắn hạn và Shell sẽ định lượng, đánh giá xem tình hình bất ổn có kéo dài hay không.
Trước Shell, Tập đoàn BP hôm 18/12/2023 ra thông báo tạm dừng tất cả các chuyến hàng vận chuyển dầu mỏ qua Biển Đỏ sau những cuộc tấn công của Houthi.
Đến ngày 15/1, QatarEnergy - nhà xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) hàng đầu thế giới của Qatar - đã ngừng vận hành tàu chở hàng qua Biển Đỏ vì lý do tương tự.
Tình hình Biển Đỏ leo thang căng thẳng trong thời gian gần đây. Houthi đã tiến hành nhiều vụ tập kích tàu thuyền qua lại trong khu vực.
Đáp lại, đêm 11 rạng sáng 12/1 (giờ địa phương), Mỹ, Anh được sự hỗ trợ của Australia, Bahrain, Canada và Hà Lan đã không kích hàng chục mục tiêu của Houthi ở Yemen.
Hôm 15/1, Houthi tiếp tục phóng tên lửa đạn đạo chống hạm nhằm vào một tàu container thuộc quyền sở hữu của Mỹ.