TIN LIÊN QUAN | |
Liên hợp quốc luôn đồng hành cùng Việt Nam | |
Việt Nam sẽ tiếp tục tích cực tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ |
"Việt Nam hiện đang ở vị thế có những hoạt động đáp lại sự hỗ trợ của LHQ từ trước đến nay". Đó là chia sẻ của Điều phối viên Thường trú của LHQ tại Việt Nam Kamal Malhotra với phóng viên nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Việt Nam gia nhập LHQ (20/9/1977-20/9/2017).
Điều phối viên Thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam Kamal Malhotra. |
Ông đánh giá như thế nào về vai trò và đóng góp của Việt Nam cho LHQ trong 40 năm qua?
Năm nay đối với Việt Nam là một năm lịch sử. Việt Nam gia nhập LHQ vào ngày 20/9/1977, sau một thời gian dài chiến tranh. LHQ đã coi Việt Nam là quốc gia rất quan trọng cần phải hỗ trợ. Tôi vui mừng nói rằng, LHQ đã hỗ trợ đáng kể và có ý nghĩa cho Việt Nam. Việt Nam là một người bạn theo chủ nghĩa quan hệ đa phương ngay từ thời gian đầu. Nhiều năm qua, Việt Nam đã thực hiện và phê chuẩn nhiều Công ước của LHQ, bao gồm cả các Công ước quốc tế về quyền con người.
Tôi nghĩ Việt Nam hiện đang ở vị thế đã có những hoạt động đáp lại sự hỗ trợ của LHQ từ trước đến nay. Một vài thập kỷ sau Đổi mới, đa phần là LHQ hỗ trợ cho Việt Nam, nhưng quan hệ hiện nay giữa LHQ và Việt Nam đã trưởng thành và đến giai đoạn đối tác bình đẳng hơn. Việt Nam có thể hỗ trợ LHQ thông qua rất nhiều cách khác nhau, minh chứng cụ thể chính là Ngôi nhà Xanh LHQ tại Việt Nam, cho thấy Chính phủ Việt Nam đã hào phóng hỗ trợ LHQ có trụ sở ở vị trí tốt, miễn phí về tiền thuê. Đây cũng là nơi tất cả các tổ chức LHQ làm việc, tạo thuận lợi cho việc tiến hành cải tổ.
Ở cấp quốc gia, Việt Nam là nước tiên phong trong nỗ lực cải tổ LHQ, đồng thời cơ quan LHQ ở Việt Nam cũng là nơi đi tiên phong về cải tổ LHQ trên toàn cầu.
Nhìn về tương lai, có thể nói có hai lĩnh vực vô cùng quan trọng không chỉ đối với Việt Nam mà còn với toàn cầu. Lĩnh vực đầu tiên là tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình. Lĩnh vực thứ hai, Việt Nam cần chú trọng ưu tiên hợp tác Nam-Nam. Trong lĩnh vực hợp tác Nam-Nam, những kinh nghiệm mà Việt Nam đạt được sau Đổi mới rất hữu ích để chia sẻ và áp dụng ở các quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia ở châu Phi và ngay cả ở khu vực này. Những kinh nghiệm tốt trong xóa đói giảm nghèo, hệ thống giáo dục, đặc biệt là giáo dục tiểu học và giáo dục trung học cơ sở, chăm sóc sức khỏe ban đầu là những lĩnh vực mà Việt Nam có thể đóng góp cho LHQ để chia sẻ kinh nghiệm với các nước khác.
Ông có thể cho biết những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt trong quá trình đạt đến các mục tiêu phát triển của mình? Đâu là những lĩnh vực sẽ được LHQ thúc đẩy ở Việt Nam trong tương lai?
Có thể nói, thách thức quan trọng nhất đối với Việt Nam cũng như các quốc gia khác chính là sự thay đổi con đường từ phát triển nhanh về kinh tế chuyển sang phát triển bền vững. Điều đó có nghĩa trong lúc phát triển kinh tế, Việt Nam cần chú trọng hơn nữa đến bảo vệ môi trường, đối phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu các thiệt hại của thiên tai. Tất cả những lĩnh vực này đều là những ưu tiên của LHQ trong việc hỗ trợ Việt Nam trong Kế hoạch, chiến lược chung giai đoạn từ 2017-2021.
Một trong những lĩnh vực quan trọng nữa đối với Việt Nam là cần cải tổ hệ thống giáo dục, đặc biệt là giáo dục Phổ thông trung học và cao hơn, giáo dục dạy nghề, góp phần tăng năng suất lao động cũng như khả năng cạnh tranh. Đây là những lĩnh vực LHQ quan tâm và ưu tiên.
Ngoài ra, tôi muốn nói đến lĩnh vực quản trị công. Chúng ta cần cải tổ quản trị công để các công dân Việt Nam tham gia tích cực hơn vào quá trình phát triển. Nếu không có sự tham gia tích cực hơn nữa của họ, Việt Nam rất khó có thể tiến lên giai đoạn tiếp theo của chu kỳ phát triển.
Tôi muốn thêm rằng không ai sẽ bị bỏ lại phía sau kể cả những người khuyết tật, hay những người thuộc nhóm dân tộc thiểu số hoặc những người không được thụ hưởng những lợi ích của giáo dục. Tất cả những người đó cần phải được tính đến, không bị bỏ lại phía sau. Đó là tất cả những việc Việt Nam cần tiếp tục phải làm. Tôi hy vọng với sự hỗ trợ của LHQ trong 5 năm tới và những năm tiếp theo, Việt Nam sẽ có thể thành công trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Tới Việt Nam lần đầu cách đây 25 năm, ông Kamal Malhotra là một nhà kinh tế nghiên cứu chuyên sâu về Đông Nam Á và các lĩnh vực toàn cầu hóa về kinh tế và tài chính, đặc biệt là các thách thức cải cách cấu trúc kinh tế đối với các quốc gia mong muốn phát triển từ thu nhập trung bình lên thu nhập trung bình cao, trong đó có Việt Nam. Với cương vị là Điều phối viên thường trú LHQ và Trưởng Đại diện thường trú UNDP trước đây tại Malaysia, Singapore, Brunei là hai nước thu nhập trung bình và một nước có thu nhập cao, ông Kamal Malhotra tin rằng sẽ có thể đóng góp tích cực cho sự phát triển của Việt Nam trong thời điểm quan trọng này. Ông cam kết theo đuổi phương thức tiếp cận thống nhất Một LHQ vì Việt Nam hiện vẫn là quốc gia dẫn đầu trong các quốc gia trên thế giới thực hiện sáng kiến Một LHQ và ông hy vọng sẽ lãnh đạo các tổ chức LHQ tại Việt Nam cùng thống nhất hợp lực hiệu quả nhất giúp cho sự phát triển của Việt Nam trong tương lai. |
Ông đã từng chia sẻ rằng sẽ thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trên tinh thần “4P” . Tinh thần này đang được hiện thực hóa như thế nào, thưa ông?
Chữ P thứ nhất là People – con người. Đối với con người thì không ai bị bỏ lại phía sau dù dân tộc ít người hay người khuyết tật… Con người phải là ưu tiên hàng đầu. Chữ P thứ hai là Planet - hành tinh. Việt Nam phải cố gắng để có được lộ trình phát triển bền vững, xanh, ưu tiên những ứng phó với biến đổi khí hậu và chống chọi với thiên tai, phát triển bền vững, cân đối. Chữ P thứ ba là Prosperity-thịnh vượng cũng liên quan đến sự phát triển bền vững và quan tâm nhiều hơn đến giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, tăng cường năng suất lao động, sức cạnh tranh. Chữ P thứ tư là Peace - hòa bình. Không quốc gia nào có hòa bình nếu công dân của nước đó không tham gia tích cực vào quá trình phát triển, họ phải cảm nhận được tính bao trùm, được tham gia, hưởng lợi chứ không phải bị bỏ ra ngoài quá trình đó. Như vậy, chúng ta cần phải thực hiện được cả bốn chữ P.
Ông nghĩ gì về việc Việt Nam quyết định ứng cử làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021 cũng như sự tham gia của Việt Nam vào các cơ quan khác nhau của LHQ?
LHQ và bản thân tôi sẽ hỗ trợ và ủng hộ Việt Nam tham gia ứng cử là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ. Tôi nghĩ để thành công, Việt Nam phải chứng tỏ cho cộng đồng quốc tế và LHQ là quốc gia có trách nhiệm, tham gia đẩy mạnh quan hệ đa phương. Việt Nam có thể làm được việc này thông qua chia sẻ kinh nghiệm trong hợp tác Nam-Nam hoặc tham gia tích cực, mạnh mẽ hơn nữa vào lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế.
Việt Nam có thể chứng tỏ là quốc gia thực hiện nghiêm túc và đầy đủ một số công ước quốc tế đã ký kết và phê chuẩn. Việt Nam cần thực hiện các khuyến nghị của bản báo cáo định kỳ phổ quát về quyền con người mà Việt Nam đã đồng ý. Đó là những việc Việt Nam cần làm trong chiến dịch để ứng cử vào vị trí thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ.
LHQ báo động về căng thẳng leo thang tại Trung Đông | |
Việt Nam ủng hộ giải pháp hai nhà nước giữa Israel - Palestine | |
Việt Nam cam kết thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vữn |