📞

Theo chân “Ông nước sạch” lên non, xuống biển...

15:14 | 11/03/2019
Ở cái tuổi gần 80, vẫn đi vạn dặm đường, tận tay trao tặng máy lọc công nghệ Nano của Đức cho hơn 200 trường học, đem nước sạch tới hơn 10 vạn thầy, trò trên cả nước, có lẽ chỉ có Tiến sỹ Bùi Công Thọ, ​ Trưởng Văn phòng Đại diện bang Hessen (CHLB Đức) tại Việt Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Khuyến học Việt Nam, Ủy viên Ban thường vụ Hội Hữu nghị Việt Nam - Đức.

“Ông nước sạch” tưới những mầm non

Tờ mờ sáng, tiếng mở cửa lách cách trên đường Trần Phú. Tiếng bà bán quà sáng cạnh Văn phòng Đại diện bang Hessen tại Hà Nội: “Hôm nay cuối tuần mà ông vẫn đi tỉnh trao tặng máy lọc nước à? Ông lại đi tận đâu đấy?”. “Vâng, chúng tôi đi Thanh Hóa, cũng gần đây thôi bà ạ!”.

Thiệu Hóa, Thanh Hóa là huyện trung du miền núi, cách Hà Nội 170km, so với những lần ông đi trao máy lọc nước tận Cao Bằng, Hà Giang hay Thừa Thiên Huế thì quả là gần. Bà bán quà sáng hỏi vậy, vì đã quá quen với việc đi trao tặng máy lọc của ông và các bạn.

TS. Bùi Công Thọ giới thiệu về quy trình hoạt động của máy lọc nước. (Ảnh: MH)

Đây đã là chiếc máy thứ 223 loại nhỏ và chiếc máy thứ 5 cỡ lớn được ông và các bạn ở Hội Hữu nghị Việt - Đức lắp đặt tận nơi cho hơn 200 trường học trên khắp cả nước, nhiều nhất là các tỉnh miền Bắc, hay những nơi vốn là "rốn lũ" như Nghệ An, Hà Tĩnh.

Sau hơn hai giờ di chuyển, hai ngôi trường Tiểu học và Trung học cơ sở Thiệu Phúc, huyện Thiệu Hóa đã dần hiện ra trong nền lúa xanh rờn của tiết trời Xuân ấm áp. Cùng đi với ông Thọ còn có thành viên thuộc Hội Hữu nghị Việt - Đức, Văn phòng đại diện bang Hessen, các kỹ thuật viên và một số nhà báo.

“Đoàn ông nước sạch đến rồi!”, tiếng các em học sinh ríu rít, làm xua tan mọi mỏi mệt của chặng đường hơn 170 km. Các thành viên trong đoàn nhanh chóng dỡ thiết bị xuống sân trường. Tiến sỹ Thọ yêu cầu cho lắp đặt máy luôn để tranh thủ thời gian chiều còn đến thăm các trường khác trong tỉnh.

Giọng ông Thọ trầm ấm từ từ giải thích cho thầy giáo phụ trách kỹ thuật và các thầy cô, học sinh đang có mặt tại khu lắp đặt máy: “Sau khi lắp đặt, mỗi hệ thống lọc nước hoàn thiện này sẽ cung cấp 1.500 lít nước sạch uống liền trong một ngày đêm. Điểm đặc biệt ở thiết bị lọc nước sạch công nghệ cao này là không dùng hóa chất, không dùng điện, không tốn năng lượng. Hiện nay, hệ màng lọc đa tầng công nghệ nano trong máy PAUL (Portable Aqua Unit of Lifesaving) là công nghệ hiện đại trên thế giới, có thể hoạt động liên tục trong 10 năm mới cần thay thế”.

Hai trường Tiểu học và THCS Thiệu Phúc thông nhau. Tiến sỹ Thọ yêu cầu cô hiệu trưởng trường Tiểu học đưa sang trường THCS để tận mắt chứng kiến hệ thống máy lọc nước bên đó cũng đã chạy dòng nước sạch đầu tiên. 

TS. Bùi Công Thọ, phụ huynh và các em học sinh trường Tiểu học Thiệu Phúc đang uống những lý nước sạch đầu tiên. (Ảnh: Phạm Việt Cường)

“Nhận món tài trợ lớn, thủ tục lại đơn giản mà nhanh. Chỉ lắp có buổi sáng là xong, đã có nước mát, trong lành để cô trò uống thế này, chúng em cứ ngỡ như mơ!”, cô Hoàng Thị Vinh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thiệu Phúc, huyện Thiệu Hóa, tay cầm cốc nước đã qua máy lọc PAUL nói giọng đầy xúc động.

Cô Đỗ Thị Hà - Hiệu trưởng Trường THCS Thiệu Phúc, thay mặt hai trường báo cáo thành tích học tập của thầy và trò nhà trường, Tiến sỹ Thọ trao máy tính cho đại diện nhà trường, cười hiền hậu nói: “Thầy trò thi đua dạy giỏi và học giỏi vậy, cần chia sẻ thành tích thường xuyên cho Văn phòng bằng chiếc máy tính này nhé!”.

Cùng đi trong đoàn, ông Nguyễn Đình Dũng, Ủy viên Ban thường vụ Hội Hữu nghị Việt Nam - CHLB Đức tâm sự với tôi: “Vừa rồi, anh Thọ qua bên Đức vận động tài trợ cho năm 2019 được 26 chiếc máy lọc nước PAUL, 30 máy tính. Đây là chiếc máy tính đầu tiên trong số 4 chiếc nhờ tôi chuyển về. Mỗi lần chỉ mang được 1 hoặc 2 chiếc, nhiều hơn sẽ mất cước phí. Người Đức tài trợ máy lọc nước và máy tính, nhưng tiền vận chuyển về Việt Nam là Văn phòng phải tự lo. Chỉ có máy lọc nước PAUL là nhờ được sự tài trợ của Vietnam Arlines chuyển về miễn phí”.

Cô Hiệu trưởng Hoàng Thị Vinh cùng các học trò vui mừng nhận thêm chiếc máy tính do đoàn trao tặng. (Ảnh: MH)

Còn cô Hoàng Thị Vinh xúc động nói: “Xin hứa với Văn phòng Hessen, với Tiến sỹ Thọ, thầy và trò của trường sẽ sử dụng hiệu quả chiếc máy tính và nguồn nước sạch của bang Hessen và Tổ chức Hỗ trợ Đại học Thế giới CHLB Đức trao tặng. Hai trường hứa sẽ tiếp tục thi đua học tốt, dạy tốt”.

Người ươm tình bạn năm châu

Để có uy tín, cũng như niềm tin đối với nước bạn nói chung, với bang Hessen nói riêng và kêu gọi được những khoản tài trợ về máy lọc nước, máy tính và học bổng ý nghĩa và thiết thực như thế là cả một quá trình dài mà Tiến sỹ Bùi Công Thọ đã tận tụy, cống hiến, xây dựng tình hữu nghị giữa hai nước.

Sau khi bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ tại Đức, Tiến sỹ Bùi Công Thọ về công tác hơn 30 năm tại Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

TS Bùi Công Thọ vinh dự được Chính phủ CHLB Đức trao tặng Huân chương công trạng. (Ảnh: Sỹ Điền)

Trên cương vị công tác trong ngành giáo dục, Tiến sỹ Bùi Công Thọ đã vinh dự được Chính phủ Mỹ trao tặng danh hiệu “Công dân danh dự”; chủ tịch, thị trưởng danh dự thành phố Baton Rouge năm 1996; chủ tịch danh dự thành phố Oklahoma năm 2000.

Đặc biệt hơn, năm 2012, Tiến sỹ Bùi Công Thọ vinh dự được Tổng thống CHLB Đức trao tặng Huân chương Công trạng (huân chương bộ tinh) chữ thập và băng đỏ vì có nhiều đóng góp quan trọng trong việc phát triển mối quan hệ Việt - Đức. Huân chương Công trạng là phần thưởng cao quý nhất của Chính phủ CHLB Đức vinh danh những cá nhân có đóng góp đặc biệt to lớn cho nước Đức, mà ở Việt Nam đến nay mới trao cho một số người có thành tích to lớn trong việc phát triển quan hệ hai nước.

Nay ở tuổi 78, TS. Bùi Công Thọ chưa ngày nào ngừng trăn trở về các em học sinh, sinh viên Việt Nam, cũng như luôn có suy nghĩ được đóng góp, tham mưu, đề xuất những giải pháp nhằm xây dựng mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và bang Hessen, CHLB Đức ngày càng thân tình, bền chặt.

Chia tay các thầy trò Trường Tiểu học và THCS Thiệu Phúc trong lưu luyến, Đoàn tiếp tục đến thăm và khảo sát hai trường học khác tại Thanh Hóa. Mưa Xuân lất phất bay, thành phố đã lên đèn, đọng lại trong tôi là hình ảnh "ông nước sạch" phúc hậu, luôn hết lòng với các học sinh, sinh viên và lan tỏa tình hữu nghị đong đầy.