Cuốn sách đưa bạn đọc theo hành trình niên đại của các bảo vật quốc gia, bắt đầu từ giai đoạn trước Công nguyên cho đến thời kỳ chiến tranh cách mạng, đánh dấu bằng bước ngoặt vĩ đại là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.
Bìa cuốn sách. (Nguồn: baovanhoa.vn) |
Ngàn năm văn hiến quốc gia Việt Nam - Thousand Years of Viet Nam National Civilization giới thiệu các bảo vật một cách súc tích, ngắn gọn nhất, nhưng cũng đủ để bạn đọc có cái nhìn cơ bản, khái quát về nguồn gốc, thời đại, đặc điểm cùng những giá trị đặc sắc, tiêu biểu của bảo vật. Kèm theo những thông tin cô đọng là hình ảnh của từng bảo vật.
Xuất bản lần đầu vào năm 2023, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã giới thiệu 265 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia qua 11 đợt ký duyệt.
Ở lần xuất bản thứ hai này, Nhà xuất bản đã giới thiệu bổ sung 29 bảo vật được công nhận là bảo vật quốc gia (đợt công nhận thứ 12) theo Quyết định số 73/QĐ-TTg, ngày 18/1/2024 của Thủ tướng Chính phủ
Thời gian qua, việc tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các bảo vật đã được quan tâm, thực hiện bằng những hình thức khá đa dạng, từ tổ chức các cuộc trưng bày trong và ngoài nước đến giới thiệu qua các trang web, phương tiện truyền thông xã hội, số hóa, phát hành các bộ tem theo chủ đề....
Tuy nhiên, các bảo vật quốc gia hiện nay thuộc quyền quản lý của nhiều địa phương, tổ chức khác nhau nên mỗi nơi có cách thức quảng bá, khai thác, cũng như tôn vinh các giá trị của các hiện vật khác nhau.
Bởi vậy, cuốn sách này sẽ giúp đông đảo công chúng trong và ngoài nước hiểu rõ hơn về những giá trị lịch sử, văn hóa được dệt nên bởi bàn tay và khối óc con người Việt Nam, được liên tục bồi đắp suốt hàng nghìn năm qua, để tạo nên một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Tính đến ngày 18/1/2024, Việt Nam có 294 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia, qua 12 đợt ký duyệt kể từ năm 2012. 294 bảo vật quốc gia này hết sức đặc biệt, là những “hiện vật được lưu truyền, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học”, hiện đang được lưu giữ tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước và được bảo quản, bảo vệ theo chế độ đặc biệt, với những phương pháp bảo quản đặc thù tùy thuộc vào đặc điểm chất liệu và niên đại của từng bảo vật. Cũng bởi có giá trị đặc biệt quý hiếm, nên việc công nhận bảo vật quốc gia được thực hiện theo trình tự, thủ tục rất chặt chẽ, nghiêm ngặt. Để được công nhận bảo vật quốc gia, các hiện vật phải đáp ứng những tiêu chí quy định tại khoản 3, Điều 2 Nghị định số 92/2002/NĐ-CP, ngày 11/11/2002 của Chính phủ: hiện vật phải nguyên gốc, độc bản; có hình thức độc đáo; có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện là vật chứng của một sự kiện lớn hoặc gắn bó với cuộc sống, sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân kiệt xuất; là tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng về giá trị tư tưởng-nhân văn, giá trị thẩm mỹ và hình thức thể hiện tiêu biểu cho một khuynh hướng, một phong cách, một thời đại; là sản phẩm được phát minh, sáng chế tiêu biểu có giá trị thực tiễn cao, có tác dụng thúc đẩy xã hội phát triển ở một giai đoạn lịch sử nhất định. |