Hòa chung vào tinh thần gìn giữ văn hóa truyền thống, nhóm các bạn trẻ thuộc dự án Người lạ bàn chuyện quen tổ chức chuỗi sự kiện trực tuyến Thêu nét chầu văn, góp phần tạo mối liên kết gần gũi giữa giới trẻ và những người của chầu văn.
Không gian đàm thoại mở về chầu văn
Chầu văn, hay còn gọi là hát văn, hát hầu đồng là một loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền của Việt Nam. Nhắc đến chầu văn, ngay lập tức hiện lên trước mắt người nghe là những nghi lễ đậm đà màu sắc tâm linh của tín ngưỡng Đạo Mẫu, những bài ca với phần lời được trau chuốt nghiêm trang và ẩn chứa ý nghĩa của việc hầu thánh.
Các thành viên tổ chức sự kiện 'Thêu nét chầu văn'. (Ảnh: NVCC) |
Nhằm tạo ra không gian giúp các bạn trẻ có cơ hội tìm hiểu và đối thoại về loại hình nghệ thuật đặc sắc này, dự án Người lạ bàn chuyện quen đã tổ chức sự kiện trực tiếp Thêu nét chầu văn diễn ra từ ngày 19/3 - 2/4 bao gồm 3 buổi giao lưu đào sâu những khía cạnh khác nhau của chầu văn.
Buổi đầu tiên với chủ đề Thêu đạo dệt thánh xoay quanh những câu chuyện về các Thánh. Buổi thứ hai là Linh ngân nhập đạo giúp các bạn trẻ hiểu thêm về nét đẹp của chầu văn qua những câu từ và lời bài hát. Buổi cuối cùng là Đạo Tây Đạo Ta tập trung khai thác sự giống và khác nhau giữa Đạo Mẫu và Đạo Phật cũng như một số đạo phương tây.
Nói về lí do lựa chọn chầu văn làm bước đi đầu tiên trên hành trình lan toả tình yêu nghệ thuật, Anh Thư – nhà sáng lập dự án cho biết: “Trong quá trình tìm về với nghệ thuật truyền thống, chúng mình rất ấn tượng khi khám phá ra rằng những tri thức dân gian, ca hát, nhảy múa, trang phục cùng nghệ thuật trang trí, kiến trúc, ẩm thực đều được thể hiện qua loại hình nghệ thuật đặc sắc này.
Từ đó, chúng tôi đã tạo ra chuỗi sự kiện online Thêu nét chầu văn với mục tiêu mang lại cho mọi người một góc nhìn sâu sắc hơn về nguồn cội của chầu văn".
Với sự góp mặt của nhiều khách mời đặc biệt như phó phòng văn hoá dân gian Trương Mạnh Thắng, nghệ sĩ Cao Bá Hưng, tiến sĩ Lương Thị Thu Hường... cùng với các nghiên cứu sinh về văn hoá, Thêu nét chầu văn đã tạo nên sự quan tâm, thích thú của các bạn trẻ yêu văn hoá truyền thống.
Được biết, những bạn trẻ tham gia sự kiện đến từ những vùng miền khác nhau như Hải Phòng, Hà Nội, Huế, TP. Hồ Chí Minh...
Điểm độc đáo của sự kiện là khách mời không đóng vai trò trung tâm, họ như người bạn đồng hành, người kể chuyện, khuyến khích những người tham gia chia sẻ góc nhìn về chầu Văn. Vì thế, sự kiện không chỉ giúp người tham gia mở mang kiến thức về lĩnh vực nghệ thuật mà còn kết giao được với những tâm hồn đồng điệu cùng hướng về tín ngưỡng thờ Mẫu.
Một người tham gia chia sẻ sau sự kiện: “Mình bị bất ngờ vì mọi người bàn chuyện xôm quá. Ban đầu hai anh chị diễn giả kể mà về sau người nghe cũng tham gia, thậm chí còn phản biện rất hăng hái".
Nói thêm về điều này, Anh Thư - người sáng lập dự án cho biết: “Chúng mình không mong muốn tạo ra những sự kiện cung cấp thông tin học thuật khô khan, diễn giả nói, người tham gia lắng nghe.
Dự án mong muốn tạo ra một không gian mở giúp các bạn trẻ tham gia chia sẻ trải nghiệm của mình trong quá trình tìm hiểu văn hoá, truyền thống. Như vậy, các bạn sẽ được tiếp nhận các góc nhìn đa chiều hơn, từ đó khuyến khích các bạn chủ động tham gia xây dựng thông tin về văn hoá nghệ thuật”.
Để không ai bị bỏ lại trong hành trình tìm về nguồn cội
Thêu nét Chầu Văn là sản phẩm của dự án Người lạ bàn chuyện quen, được tạo nên bởi nhóm bạn trẻ Hà Nội yêu thích văn hoá truyền thống.
Tiền thân của dự án này là Chèo qua lăng kính Hề, nhận giải Quý quân của cuộc thi IC Master 2021 (Nhà truyền thông tài ba) do Khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại - Học viện Ngoại giao tổ chức và được bảo trợ bởi UNESCO.
Sau khi bước ra từ cuộc thi, nhóm bạn trẻ đã đổi tên dự án Chèo qua lăng kính Hề thành Người lạ bàn chuyện quen với định hướng sâu rộng, phong phú hơn.
Hoạt động nổi bật nhất của dự án là tạo nên các buổi giao lưu tạo ra không gian hội thoại mở giữa người trẻ với những vị khách mời - các nhà nghiên cứu, nghệ nhân, nghệ sĩ trong nghề, nhà sáng lập dự án… đang trong hành trình nghiên cứu thực hành các bộ môn nghệ thuật truyền thống.
Chuỗi sự kiện của Thêu nét chầu văn. (Ảnh: NVCC) |
Anh Thư tâm sự thêm về điểm nhìn của dự án: “Chúng mình mong muốn kết nối người trẻ với văn hoá, giúp người trẻ có góc nhìn mới mẻ về sáng tạo nghệ thuật từ chất liệu văn hoá trong thời điểm hiện tại. Qua đó, truyền cảm hứng cho các bạn trẻ tìm hiểu văn hoá, thể hiện niềm tự hào với văn hoá truyền thống theo chất riêng của mình".
Trong thế giới hội nhập sâu rộng hiện nay, giữ gìn và phát huy văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc luôn là đề tài đáng lưu tâm. Để mạch truyền thống không đứng yên và tiếp tục đồng hành cùng thế hệ mai sau, đó là sự chung tay của rất nhiều nhà hoạt động nghệ thuật cùng các dự án truyền thông của giới trẻ.
Những nỗ lực giữ gìn và sáng tạo văn hoá của các bạn trẻ như Người lạ bàn chuyện quen là tín hiệu đáng mừng cho thấy mạch truyền thống không đứng yên, mà sẽ tiếp tục đồng hành cùng thế hệ mai sau.
| Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam 2022: Chấn hưng văn hóa và phát triển văn hóa đọc Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam 2022 sẽ bắt đầu từ trung tuần tháng 3 đến hết tháng 4, trọng điểm từ ngày ... |
| Nét đẹp văn hóa trong thực hành bảo tồn tín ngưỡng thờ Mẫu Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện ... |