Gánh nặng học hành
Thi và kiểm tra đánh giá là một khâu trong quy trình giáo dục. Nếu thiếu việc thi kiểm tra, đánh giá, sẽ khó biết sản phẩm có hoàn thiện hay còn “khuyết tật”.
Thông thường, trong giáo dục có hàng chục kiểu đánh giá thành tích học tập nhưng chia làm hai loại chính: đánh giá thường xuyên và cuối khóa học. Việc đánh giá thường xuyên rất quan trọng, nhằm biết được năng lực học tập đã được tích lũy ở mỗi học sinh để có phương pháp dạy học thích hợp. Trong khi đó, đánh giá tổng thể cuối khóa hay cấp học có thể biết được mức độ học sinh làm chủ được kiến thức so với chuẩn đầu ra của chương trình. Ngoài ra, kết quả thi kiểm tra đánh giá là một công cụ đảm bảo chất lượng và đánh giá trách nhiệm của giáo viên, nhà trường và ngành giáo dục.
Ở Việt Nam, những kỳ thi chuyển cấp, thi vào trường chuyên lớp chọn, thi tuyển sinh vào đại học thường diễn ra khá căng thẳng. Đối với giáo dục phổ thông, việc chạy đua và thi diễn ra ngay từ khi trẻ chuẩn bị vào lớp 1. Với những cấp học cao hơn, cuộc cạnh tranh gay gắt thông qua thi tuyển giữa các thí sinh, giữa các trường, giữa trường công lập và dân lập. Sự cạnh tranh này dẫn đến việc dạy thêm, học thêm. Từ đó, học sinh quá tải học hành, điểm sàn vào lớp 10 biến động như một số người từng ví là "sàn chứng khoán".
Trong giáo dục có rất nhiều kiểu đánh giá thành tích học tập. |
Có thể nói, căn bệnh thiếu trung thực và bệnh "thành tích" ăn sâu, bám rễ vào ngành giáo dục dẫn đến việc đo lường đánh giá tại lớp học và nhà trường bị méo mó. Hiện tượng gian lận, nâng điểm ở kỳ thi tốt nghiệp THPT đã khiến cho cả xã hội lo ngại vì khó biết được thực chất của nền giáo dục nước nhà.
Năm 2007, xốc lại kỷ luật phòng thi, tăng cường cán bộ coi thi, tỉ lệ tốt nghiệp THPT tụt xuống dù năm đó, ngành giáo dục đã chỉ đạo sát sao tăng cường công tác ôn tập, phụ đạo cho học sinh yếu kém. Thực tế, chất lượng giáo dục là một quá trình không thể chỉ có tăng cường bồi dưỡng, phụ đạo ở năm lớp 12.
Khi cả xã hội vào cuộc, ngành giáo dục mới thấy được cần đổi mới phương pháp dạy học, đầu tư mạnh mẽ hơn cho giáo dục ở các “vùng trũng” về chất lượng, tăng cường bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý.
Việc tập trung đánh giá khách quan sẽ giúp cải thiện quá trình dạy và học, là cách thức ít tốn kém nhất, có thể mang lại hiệu quả tức thì. Nhưng về dài hạn, việc thi kiểm tra đánh giá khó tạo ra sự thay đổi đột phá về chất lượng.
Giải bài toán thi cử
Từ năm 2000 trở lại đây, đất nước trải qua một số lần đổi mới thi vào đại học sau nhiều năm liền giữ hai kỳ thi: tốt nghiệp THPT và thi đại học (được tổ chức thi tại các trường đại học). Những năm ấy, tỉ lệ đỗ vào đại học rất thấp do quy mô đại học còn khiêm tốn.
Sau đó, Bộ GD&ĐT tiến hành kỳ thi "3 chung" là chung đề, chung đợt và chung kết quả xét tuyển. Kỳ thi này khá nghiêm túc do được tổ chức ở các trường đại học nhưng đổi lại là sự vất vả và tốn kém của thí sinh, gây khó khăn trong quá trình xét tuyển do thí sinh ảo.
Năm 2015, sau gần 5 năm chuẩn bị đã ghép hai kỳ thi vào làm một, tổ chức tại địa phương, việc ra đề thi vẫn do Bộ GD&ĐT chủ trì. Đây là năm đầu thi "hai chung" nhưng đã gây cho xã hội một phen rối loạn do tra cứu điểm và đăng ký nguyện vọng.
Cho đến kỳ thi THPT Quốc gia 2018 vừa qua, những khuyết tật và lỗ hổng của thi “hai chung” bộc lộ rõ hơn như giọt nước tràn ly, đánh thẳng vào lòng tin của người dân về một kỳ thi gọn nhẹ, tiết kiệm, công bằng và chính xác.
Qua mỗi lần đổi mới thi cử, có những mặt được và tiếp tục lộ ra những hạn chế. Thực tế, trước khi đổi mới chúng ta còn thiếu nghiên cứu khách quan, thiếu tính chuyên nghiệp trong làm chính sách. Thi cử chỉ là một khâu trong quá trình giáo dục nhưng chịu chi phối rất lớn từ năng lực hệ thống cơ sở giáo dục, quy hoạch giáo dục, việc làm sẵn có ở thị trường lao động.
Đồng thời, việc chuẩn bị nguồn lực, nhất là nguồn lực con người không gắn với chính sách và chiến lược đổi mới thi cử, khiến đổi mới ngày càng lẻ tẻ, chắp vá. Chất lượng của chính sách cũng như kỹ thuật ra đề thi, các quy trình thủ tục vẫn còn nhiều lỗ hổng. Bộ GD&ĐT bấy lâu nay mãi lo cho thi cử, sẽ mất nhiều công sức vào việc chỉ đạo đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục nước nhà.
Vì vậy, việc ghép hai kỳ thi vào làm một đang cho thấy những bất cập lớn trong chính sách thi cử hiện nay, vừa tạo ra sự bất bình đẳng vừa gây mất lòng tin vào giáo dục một khi xảy ra gian lận, mua bán chạy chọt ở mỗi kỳ thi.
Có thể nói, trong giai đoạn hiện nay, việc thi kiểm tra đánh giá không nên coi là khâu đột phá về đổi mới giáo dục. Đây thực chất chỉ là một công đoạn quan trọng trong quy trình giáo dục. Để giảm bớt sức ép lên các kỳ thi rất cần phải có một quy hoạch phát triển giáo dục tốt, tạo cơ hội phát triển bình đẳng giáo dục công và tư. Từ đó, huy động nguồn lực trong xã hội cung cấp nhiều dịch vụ giáo dục chất lượng hơn, đầu tư vào đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên.
TS. Hoàng Ngọc Vinh
(nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT)