Theo đánh giá của các chuyên gia, với khoảng 63 triệu người trong độ tuổi lao động, sự gia tăng nhanh chóng về thu nhập bình quân của người tiêu dùng và sự nới lỏng của các luật, đang tạo ra một môi trường hoàn hảo giúp lĩnh vực bán lẻ phát triển mạnh mẽ.
Nhiều tiềm năng, lợi thế
Việt Nam là quốc gia có dân số đông, hơn 90 triệu người, trong đó người trẻ chiếm tỷ lệ cao. Đây là lợi thế đầu tiên để ngành bán lẻ thuận lợi phát triển, bởi khả năng thay đổi thói quen tiêu dùng dễ hình thành ở bộ phận chiếm số đông này. Kéo theo việc thay đổi thói quen tiêu dùng, người trẻ cũng sẽ có thời gian gắn bó với thương hiệu mới lâu hơn, do đó, các chuỗi cửa hàng bán lẻ sẽ nhắm vào đối tượng khách hàng này đầu tiên.
Kể từ sau khi gia nhập WTO (năm 2007), Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ. (Nguồn: citypassguide) |
Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng, ngành bán lẻ tại Việt Nam còn phát triển manh mún ở quy mô nhỏ lẻ, người tiêu dùng còn chưa quen với việc mua sắm trong các chuỗi bán lẻ có thương hiệu. Tuy nhiên, với các thương hiệu quốc tế, đây là tín hiệu của tiềm năng phát triển thị trường trong tương lai và là một xu hướng có thể đoán trước được.
Thực tế cho thấy, kể từ sau khi chính thức gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO (năm 2007), Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ. Kết quả sự tăng trưởng nhanh của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam trong những năm qua cho thấy tiêu dùng trong nước luôn là một động lực quan trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế quốc gia. Mặt khác, tốc độ tăng tiêu dùng cao chính là yếu tố quan trọng đánh giá thị trường bán lẻ Việt Nam đầy tiềm năng.
Đặc biệt, liên tục trong 3 năm từ 2014 - 2016, người ta chứng kiến hàng loạt vụ chuyển nhượng và sáp nhập doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực bán lẻ với giá trị rất lớn. Nổi bật là vụ Tập đoàn Berli Jucker (BJC, Thái Lan) mua lại chuỗi siêu thị Metro Việt Nam; Tập đoàn Central Group (Thái Lan) mua lại hệ thống siêu thị và trung tâm thương mại (TTTM) của Big C Việt Nam…
Ở trong nước, Tập đoàn Vingroup đã lần lượt thâu tóm chuỗi siêu thị Ocean Mart, Vinatexmart, Maximark. Cùng với mua bán và sáp nhập, hàng loạt nhà bán lẻ hàng đầu trong khu vực cũng đẩy mạnh việc tìm kiếm và hợp tác với các DN bán lẻ trong nước để phát triển các điểm bán tại Việt Nam, như Tập đoàn Mapletree và Tập đoàn NTUC FairPrice (Singapore) bắt tay với Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op)…
Đánh giá về tiềm năng của thị trường bán lẻ Việt Nam hiện nay, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết, cả nước hiện mới có khoảng 1.000 cửa hàng tiện lợi, vài trăm siêu thị và trung tâm thương mại… còn quá ít nếu so sánh với tỷ lệ hơn 90 triệu dân. Chưa kể, các doanh nghiệp (DN) bán lẻ Việt có năng lực như Saigon Coop, VinGroup… chưa nhiều. Do đó, đây là phân khúc thị trường màu mỡ cho các nhà bán lẻ nước ngoài đến đầu tư. Họ có thế mạnh về vốn, công nghệ kinh doanh, quản trị DN và chuỗi thu mua phân phối toàn cầu, dễ dàng chọn lựa Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn.
Bên cạnh đó, nguồn hàng tại chỗ của nước ta rất dồi dào, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, thực phẩm, là điều kiện tốt để phát triển các hình thức bán lẻ hiện đại. Do đó, bên cạnh việc phát triển siêu thị, trung tâm thương mại, mô hình cửa hàng tiện lợi cũng đang là hình thức được nhiều DN ưu tiên đầu tư do có đặc tính nằm sâu trong khu dân cư, đa dạng mặt hàng, dễ dàng mua sắm, kể cả với số lượng rất ít nên ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng...
Gia tăng sức hấp dẫn
Xác định thị trường bán lẻ Việt Nam còn nhiều tiềm năng, mới đây, Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu, có giải pháp khuyến khích, hỗ trợ DN phân phối bán lẻ trong nước phát triển. Theo đánh giá và kỳ vọng của các chuyên gia, đây là giải pháp cấp thiết để nâng cao sức cạnh tranh cho các DN bán lẻ Việt.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vingroup) |
Còn theo nghiên cứu của hãng tư vấn của Mỹ A.T. Kearney công bố hồi tháng 6 cho thấy, năm 2017, Việt Nam đã tăng năm bậc lên vị trí thứ sáu trong Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI), trở thành một trong sáu thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất toàn cầu. Việt Nam chỉ đứng sau các thị trường lớn là Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ và Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE). Việt Nam đã vượt các thị trường đông dân như Indonesia (vị trí trứ 8), hay các nước có thị trường bán lẻ tốt trong những năm qua như Thái Lan (thứ 30), Philippines (vị trí 18), Kazakhstan (thứ 16), Saudi Arabia (thứ 11).
Điều này cho thấy thị trường bán lẻ trong nước đang hấp dẫn trở lại đối với các nhà đầu tư nước ngoài, bởi Việt Nam đã tuột khỏi danh sách 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới trong năm 2012, trong khi từng đứng đầu danh sách này trong năm 2008, xếp vị trí thứ 6 trong năm 2009, thứ 14 trong năm 2010 và thứ 23 trong năm 2011.
Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng và tăng bậc về chỉ số này trong năm nay được cho là do một phần các luật đầu tư thông thoáng đã góp phần thúc đẩy sự hấp dẫn của Việt Nam đối với các nhà bán lẻ nước ngoài. Cụ thể, theo A.T. Kearney, Chính phủ đã cho phép 100% quyền sở hữu của các nhà bán lẻ nước ngoài từ năm 2015 (thực tế là từ ngày 1-1-2009 Việt Nam đã cho phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ) và chính sách ưu đãi tiếp tục thu hút họ.
Điều này thể hiện qua sự tăng trưởng 12,5% trong đầu tư nước ngoài vào năm 2016. Theo hãng tư vấn này, một hiệp định thương mại tự do gần đây được ký kết với Liên minh châu Âu dự kiến sẽ đẩy mạnh hơn nữa đầu tư vào Việt Nam.
Trên thực tế, doanh số bán lẻ trong nước cũng tăng cao trong những năm qua. Cụ thể theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khép lại năm 2016, doanh thu bán lẻ hàng hóa cả nước ước tính đạt 2.670.500 tỷ đồng (tương đương khoảng 118 tỷ USD), tăng 10,2% so với năm trước.
Kết quả doanh thu và mức tăng trưởng này được giới phân tích nhận định là khá cao so với nhiều thị trường khác trong khu vực. Trưởng khu vực Đông Nam Á của AT Kearney nhận định: Thời điểm của Việt Nam dường như đã đến. Nền kinh tế đang chuyển hướng sang các doanh nghiệp tư nhân và các mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao, được kỳ vọng sẽ giúp tăng thu nhập và tiêu dùng trong dài hạn. Với chính sách ưu đãi của Chính phủ, dân số thành thị và tầng lớp trung lưu tăng trưởng cùng với dân số trẻ, và tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) ước đạt 6,6% trong năm 2017, các nhà bán lẻ nước ngoài có lý do để lạc quan về Việt Nam.
Ngoài ra, thương mại điện tử trong nước cũng đóng góp đáng kể, với doanh số bán hàng dự kiến sẽ tăng 22%, chiếm 1,2% tổng số bán lẻ vào cuối năm 2017. Giảm giá trực tuyến và các chương trình khuyến mãi đang thúc đẩy doanh số bán hàng. Tuy nhiên, AT Kearney lưu ý: các doanh nghiệp sẽ phải cẩn thận và đưa ra chiến lược dài hạn để duy trì sự tăng trưởng này mà không phải giảm giá lớn. Tình hình cho thấy ngày càng có những doanh nghiệp mới gia nhập vào mảng kinh doanh này và các nhà đầu tư đang đặt cược nhiều vào thị trường được cho là đang phát triển nhanh chóng như Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương, đến năm 2020, Việt Nam có khoảng 1.200-1.300 siêu thị, 180 trung tâm thương mại và 157 trung tâm mua sắm. Theo một số chuyên gia việc thị trường Việt Nam đang trở thành điểm đến của nhiều tập đoàn bán lẻ trên thế giới là một tín hiệu tốt và sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu Việt Nam tiếp tục thu hút nhiều dòng vốn lớn hơn vào thị trường bán lẻ trong tương lai.