Một nghiên cứu từ cuối quý IV/2020 của Savills toàn cầu đã nêu nhận định của nhiều chuyên gia đầu tư BĐS quốc tế, cho thấy dù vốn đầu tư toàn cầu rót vào BĐS có giảm 28% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng không phải tất cả các mảng trong lĩnh vực BĐS đều chịu ảnh hưởng bất lợi.
Tòa nhà Sunwah tại trung tâm TP. HCM đang thuộc sở hữu của một nhà đầu tư nước ngoài. (Ảnh: Bảo Lan) |
Thị trường BĐS luôn hấp dẫn
Với thị trường BĐS Việt Nam, nghiên cứu Savills chỉ ra, thị trưởng văn phòng, thị trường nhà ở và lĩnh vực hậu cần tiếp tục là ba lĩnh vực hàng đầu thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, lĩnh vực BĐS công nghiệp và nhà ở giảm nhẹ về lượng, nhưng chiếm thị phần ấn tượng lần lượt là 21% và 28% trong tổng các nguồn đầu tư. Trong khi đó, thị trường văn phòng đứng vững với thị phần 33%.
Một dữ liệu khác từ Preqin - một công ty chuyên cung cấp số liệu tài chính, cũng đã thống kê sức hấp dẫn dài hạn của lĩnh vực BĐS và số lượng quỹ nhắm rót vốn vào lĩnh vực này vẫn chưa có dấu hiệu dừng. Theo Preqin, tính đến đầu quý IV/ 2020, có hơn 1.000 quỹ tham gia thị trường BĐS Việt Nam, tăng gấp đôi so với tháng 1/2016. Các quỹ hiện đang nhắm mục tiêu đầu tư gần 300 tỷ USD, với tăng trưởng tiếp tục diễn tiến trong năm 2021.
Theo Giám đốc Bộ phận Đầu tư xuyên biên giới tại Savills Rasheed Hassan, những tác động bất lợi từ Covid-19 không thể ngăn cản các nhà đầu tư và các quỹ tài chính hướng đến các thị trường mục tiêu và những lĩnh vực hút mạnh vốn và thị trường BĐS Việt Nam cũng không ngoại lệ. Trong đó, các lĩnh vực bao gồm: Hậu cần, BĐS công nghiệp tiếp tục là lựa chọn ưu tiên trong 12 tháng tiếp theo. Riêng thị trường văn phòng, Rasheed Hassan cho biết, hiện nay do giãn cách xã hội nhưng chắc chắn sẽ quay lại hoạt động tích cực.
Cũng theo vị Giám đốc, nguyên nhân khiến nhiều nhà đầu tư và Quỹ tài chính quốc tế nhắm đến thị trường Việt Nam có thể kể đến như: kiểm soát dịch tốt, tình hình chính trị - an ninh ổn định, kinh tế vĩ mô được kiểm soát, đời sống- xã hội của người dân được nâng cao hơn so cách đây cả thập kỷ.
Cùng với đó là Nghị quyết 02 của Chính phủ “Về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021” được ban hành. Do vậy, ngay từ những tháng đầu năm 2021, thị trường Việt Nam, nhất là thị trường BĐS, đã được nhiều nhà đầu tư quốc tế và Quỹ tài chính đã hướng đến, đưa quốc gia Đông Nam Á này trở thành môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài và là điểm sáng của kinh tế khu vực.
Thị phần đầu tư của các mảng trong lĩnh vực bất động sản năm 2020 theo phân tích của Savill toàn cầu. (Ảnh: Savills) |
Cần chính sách phù hợp
Tuy nhiên, báo cáo của Savill gần đây cũng chỉ ra, mặc dù BĐS vẫn là kênh hút vốn của các nhà đầu tư FDI, việc quay trở lại đạt được mức thanh khoản như thời điểm trước năm 2019 sẽ không thể nhanh chóng ngay cả khi Covid-19 đã được kiểm soát.
Lý do mà đại diện Savill đưa ra là mặc dù thị trường BĐS hiện nay phát triển trái chiều với hầu hết các lĩnh vực kinh doanh chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, khi tiếp tục ghi nhận những tăng trưởng nhất định. Nhưng rõ ràng, vẫn có một số ý kiến lo ngại và dự đoán nguy cơ bong bóng BĐS sẽ diễn ra trong năm 2021, nếu không thì cũng ít nhất là theo chu kỳ của thị trường này.
Tuy nhiên, ông Matthew Powell - Giám đốc Savills Hà Nội cũng cho rằng, bong bóng BĐS được tạo ra bởi các hoạt động cho vay và đầu cơ không kiểm soát. Nên mặc dù sự cạnh tranh của thị trường này vẫn là câu hỏi mà khó tìm ra câu trả lời chính xác, hiện các ngân hàng không cho vay nếu thiếu cơ sở và thiếu lý do hợp lý, cho dù lãi suất ngắn hạn vẫn ở mức thấp và chưa có dấu hiệu tăng trưởng trở lại, trong khi các nguồn vốn lớn chưa được phân bổ.
Và hiện nay, các nhà đầu tư cũng đang rất thận trọng, họ chỉ quan tâm đến các sản phẩm ít có tính rủi ro cao, vị trí tốt và có mức thanh khoản hứa hẹn nhanh chóng. Cộng thêm đó, Chính phủ Việt Nam đang có những chính sách đất đai thỏa đáng, giúp hạn chế được các hiện tượng tăng trưởng thiếu kiểm soát.
Điều mà ông Matthew Powell muốn lưu ý đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực BĐS của Việt Nam nói chung và của từng phân khúc BĐS nói riêng là khi phát triển mỗi sản phẩm BĐS cần kiểm soát tốt đầu ra của sản phẩm, dựa trên quy hoạch chung về tổng thể trong chính sách đất đai của nhà nước, sau đó mới đến việc chọn phân khúc BĐS nào mà người mua đang có nhu cầu. Cùng với đó là sự hoàn chỉnh tiên ích nội khu và sự kết nối đồng bộ các tiện ích xung quanh.
“Một lần nữa, tôi cho rằng, trong bất cứ quốc gia nào, BĐS vẫn là một ngành chưa bao giờ hướng mũi tên theo chiều xuống, ngay cả khi nền kinh tế bị khủng hoảng. Vì vậy, nó (BĐS - PV) cần có những chính sách chuyên biệt. Và một khi Chính phủ có những chính sách đất đai thỏa đáng, không chỉ góp phần hạn chế được các hiện tượng tăng trưởng thiếu kiểm soát mang tính nội bộ, giúp giải quyết như cầu về nhà ở thực tế của người dân. Mà còn làm cho thị trường này phát triển minh bạch, tạo đòn bẩy để thu hút mạnh các nhà đầu tư và Quỹ tài chính quốc tế”, ông Matthew Poweel kết luận.