Giá 30 USD/thùng vẫn còn quá thấp để cân bằng ngân sách của hầu hết quốc gia trong OPEC. (Nguồn: Nairametric) |
Thế giới đã có thể tạm yên tâm khi thị trường dầu mỏ trở lại hoạt động bình thường. Cho dù mức giá 30 USD/thùng vẫn còn quá thấp để cân bằng ngân sách của hầu hết quốc gia trong Tổ chức các nước cuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất liên minh ( OPEC+).
Saudi Arabia và Nga tỏ ra hài lòng với những gì họ đã làm được. Nhưng OPEC+ vẫn muốn duy trì việc cắt giảm sản lượng sản xuất hiện tại sau ngày hết hạn thỏa thuận vào tháng 6 như một phần trong nỗ lực tái cân bằng thị trường.
Các quốc gia có ảnh hưởng lớn tới nguồn cung dầu ra thị trường như Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Iraq đều đã tái khẳng định cam kết của mình đối với nỗ lực này.
Đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành và diễn biến phức tạp ở nhiều nơi trên thế giới, sự bất định và tâm lý không chắc chắn tiếp tục chiếm ưu thế trên thị trường dầu mỏ toàn cầu, đó là lý do mà giới phân tích có cách nhìn khác nhau và đưa ra các dự báo cũng khác nhau về tương lai của thị trường này.
Dự báo mới nhất là thị trường dầu mỏ nhiều khả năng sẽ phục hồi vào tháng 7/2020.
Giá dầu thô tụt dốc và nhu cầu dầu sụt giảm trong vài tháng qua có nguyên nhân lớn từ đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, việc nới lỏng giãn cách xã hội, đưa hoạt động sản xuất, sinh hoạt trở lại bình thường ở nhiều quốc gia sau giai đoạn ‘ngủ đông’ chống dịch đã khiến nhu cầu xăng dầu tăng trở lại; trong khi nguồn cung vẫn đang được cắt giảm theo thỏa thuận của OPEC+ đã giúp giá dầu khởi sắc.
Bộ trưởng năng lượng Nga Alexander Novak cho rằng, cung dầu toàn cầu và nhu cầu năng lượng rất có thể sẽ tái cân bằng vào tháng 7.
Theo đó, nhu cầu dầu sẽ bắt đầu cải thiện từ tháng 5, có thể phục hồi về mức gần 15 triệu thùng mỗi ngày. Theo Bộ trưởng Novak, nguồn dầu mỏ toàn cầu hiện dư thừa từ 7-12 triệu thùng/ngày.
Do đó, OPEC+ vẫn muốn duy trì việc cắt giảm sản lượng sản xuất hiện tại sau ngày hết hạn thỏa thuận vào tháng 6 này, như một phần trong nỗ lực tái cân bằng thị trường. Các quốc gia như Saudi Arabia, UAE và Iraq, đều đã tái khẳng định cam kết của mình đối với cam kết này.
Trong bài phân tích đầu ngày hôm nay (27/5), Tổng thư ký OPEC Mohammed Barkindo đã lưu ý các thành viên OPEC+ không nên bỏ qua quyết định cắt giảm sản lượng. Ông kêu gọi các thành viên OPEC+ tiếp tục cam kết cắt giảm sản lượng dù đã có dấu hiệu cho thấy nhu cầu dầu mỏ đang bắt đầu phục hồi.
Trong khi đó, Nga đã đồng ý cắt giảm sản lượng dầu xuống còn 8,5 triệu thùng dầu thô mỗi ngày trong tháng 5 và tháng 6, giảm từ 10,5 triệu thùng. Có khả năng quốc gia khai thác dầu mỏ hàng đầu thế giới này có thể mở rộng mức cắt giảm sản lượng hiện tại sau tháng 6, đây là tình huống được đánh giá sẽ có ảnh hưởng rất lớn, thúc đẩy tái cân bằng thị trường.
Tuần trước, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cũng cho rằng, các dấu hiệu cho thấy thị trường năng lượng sẽ tái cân bằng nhanh hơn dự kiến ban đầu sau khi OPEC và các đối tác thực hiện cắt giảm sản lượng đã thỏa thuận.
“Tháng Tư đen tối” đã trôi qua, nhưng thị trường vẫn còn đối mặt với nhiều rủi ro. (Nguồn: Nairametric) |
Sự đảo chiều không dễ dàng này diễn ra nhanh hơn dự tính của rất nhiều người. Việc giảm sản lượng của OPEC+ và những bước chuyển mình đầu tiên của thế giới khi các lệnh phong tỏa được dỡ bỏ đã giúp thị trường dầu thoát khỏi vùng giá âm. Ông Pierre Andurand, Giám đốc đầu tư và người sáng lập của Andurand Capital Management LLP, cho biết: “Điều tồi tệ nhất đã trôi qua, OPEC+ đã giảm đủ nhiều và nhu cầu sẽ dần dần hồi phục”.
Tuy nhiên, chưa thể mất cảnh giác, “tháng Tư đen tối” đã trôi qua, nhưng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (EIA) cho rằng, thị trường vẫn còn đối mặt với nhiều rủi ro. Việc khởi động lại các hoạt động kinh tế tại châu Á, châu Âu và cả châu Mỹ đều đang rất khó khăn, thậm chí có thể chịu ảnh hưởng nặng nề bất cứ lúc nào, nếu có đợt bùng phát thứ hai của dịch Covid-19. Khi đó, sự lạc quan của các công ty dầu đá phiến Mỹ hay OPEC+ đều có thể bị dập tắt nhanh chóng.
Chuyên gia Greg Sharenow của Pacific Investment Management Co. dự báo sự hồi phục sẽ rất mạnh mẽ, nhưng ông cũng chỉ ra, tỉ lệ thất nghiệp cũng như thu nhập giảm đang là các yếu tố tiêu cực rất lớn.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cũng nhận định sự hồi phục của nước Mỹ có thế kéo dài đến tận cuối năm 2021 và với điều kiện đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 thứ hai không xảy ra.